Phóng to |
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Mai Hương |
Quản lý sơ hở
Khen thưởng báo Tuổi Trẻ Ngày 18-12, lãnh đạo Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ để thăm hỏi, động viên và khen thưởng các tập thể, cá nhân đã kịp thời thông tin vụ việc bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức). Bà Thân Thị Thư - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy - cho biết sau khi đọc bài báo và xem video clip trên tuoitre.vn, bà vô cùng bức xúc trước hành vi hành hạ trẻ tàn ác của Phương và Lý. Bà khẳng định đây là một vụ việc chấn động, gây bức xúc trong cả nước nên phải xử lý nghiêm khắc. HOÀNG LỘC |
Phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM Nguyễn Hoài Chương cho biết trong quá trình xử lý chuyện này, quận đã biết cơ sở trái phép rồi nhưng giải pháp không quyết liệt. “Phòng giáo dục quận phải có mạng lưới kiểm tra. Bây giờ anh đổ cho người ta làm chui, dẫn đến chuyện vừa rồi chết một em (vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đạp vỡ tim trẻ 18 tháng tuổi ở quận Thủ Đức) rồi tới chuyện lần này. Lần này còn có clip đưa lên nên thấy rất khủng khiếp. Rõ ràng quản lý của mình sơ hở. Trực tiếp chịu trách nhiệm ở địa phương là phòng giáo dục. Sở Giáo dục - đào tạo cũng phải chịu trách nhiệm. Mình không nên đùn đẩy chuyện này”.
Còn ông Trần Trung Dũng, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, bày tỏ quan điểm: “Chuyện đã xảy ra vậy thì các ngành phải vào cuộc. Vụ này chấn động lắm. Tôi đề nghị phải rút kinh nghiệm: cơ sở nào có phép thì phải hậu kiểm. Tôi hậu kiểm mà thấy anh làm sai phép thì xử theo luật lệ. Cái nào không phép thì cương quyết đình chỉ, phải rõ ràng như thế. Phải tham mưu ủy ban xử lý thật nghiêm theo luật hình sự, thụ lý nhanh giải quyết tới nơi tới chốn cho dư luận yên lòng”.
Báo cáo với lãnh đạo UBND TP, ông Huỳnh Hữu Nhân, chủ tịch UBND quận Thủ Đức, nói: “Về trách nhiệm của quận: chúng tôi nhận trách nhiệm về công tác quản lý chưa quyết liệt. Chúng tôi đang chỉ đạo 12 phường tăng cường phát hiện, những cơ sở đủ điều kiện thì cấp phép. Chỗ nào đang trong quá trình xin phép cũng không được hoạt động”.
Theo ông Nhân, hiện trường công lập chỉ giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Nhu cầu gửi trẻ từ 6-18 tháng tuổi rất nhiều nhưng người dân không có chỗ gửi. Ông Nhân đề xuất TP và trung ương nên có một loại hình giáo dục, nuôi trẻ dành riêng cho trẻ trong độ tuổi này để người dân có thể yên tâm gửi con.
Phải bịt kín lỗ hổng
Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: “Bài học rất lớn ở đây là sự thiếu kiên quyết trong quản lý. Thiếu kiên quyết sẽ để lại hậu quả rất lớn. Vụ việc lần này chắc chắn là phải kiểm điểm trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị”. Ông Lê Mạnh Hà ví von: “Trong năm qua TP.HCM rất nổi tiếng với một số vụ việc như chuyện xây dựng trái phép ở Bình Chánh, chuyện lương khủng ở các công ty công ích, rồi bây giờ tới chuyện giữ trẻ lần này”.
“Vấn đề kiểm điểm không chỉ là để xử phạt từng người mà mục đích lớn nhất là phải làm sao bịt kín mọi lỗ hổng trong quản lý, phải hạn chế mức thấp nhất tình trạng trên” - ông Lê Mạnh Hà nói.
Ông Hà yêu cầu quận Thủ Đức rà soát nắm lại số trẻ trong từng độ tuổi, khả năng đáp ứng trong hệ thống công lập, tư thục của ta thế nào, số còn lại bao nhiêu, đang được gửi ở đâu... Phải có được số liệu đó, khi có rồi thì đề xuất TP, các sở ngành, thậm chí trung ương về những chuyện quận không thể giải quyết. Ông cũng chỉ đạo UBND quận Thủ Đức sớm tổ chức họp báo công khai, rộng rãi để thông tin cho báo chí về hướng xử lý, quan điểm của quận về vụ việc và giải pháp để hạn chế tình trạng tương tự. “Với những sự việc càng nóng, càng bức xúc dư luận thì chính quyền phải có tiếng nói chính thức càng sớm càng tốt để dư luận yên tâm” - ông Hà nhấn mạnh.
Không đủ chỗ học TP.HCM hiện có 870 trường mầm non (trong đó có 419 trường công lập, 451 trường ngoài công lập); 1.379 nhóm, lớp mầm non tư thục có phép. Tổng số học sinh hiện đang học mầm non trên địa bàn TP là 309.279 em, trong đó có 161.072 em học tại các trường công lập; 148.207 em học tại các trường, nhóm, lớp mầm non tư thục. Tính từ năm 2008 đến nay số trường mầm non đã tăng 2,5 lần, số nhóm trẻ gia đình được cấp phép tăng hơn ba lần nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ chỗ học cho con em người dân. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM |
Xử lý nghiêm hành vi ngược đãi trẻ em Ngày 18-12, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có văn bản yêu cầu ban thường vụ quận ủy, huyện ủy khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước, rà soát, kiểm tra đối với hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục trên địa bàn đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ trẻ, mở trường, lớp mầm non theo đúng quy định. Theo yêu cầu này, kiên quyết rút giấy phép các nơi không đủ tiêu chuẩn, điều kiện; xử lý nghiêm các nhóm, lớp, trường mầm non không phép; không để xảy ra hành vi ngược đãi, hành hạ, xâm hại trẻ em; có kế hoạch khẩn trương đầu tư, nâng cấp, xây mới các trường mầm non đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân trên địa bàn; báo cáo Thường trực Thành ủy TP trước ngày 15-1-2014. Ban thường vụ Thành ủy TP yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động của các nhóm, lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong quản lý. Ban thường vụ Thành ủy TP cũng yêu cầu xử lý nghiêm minh trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức liên quan. Khẩn trương, tập trung đầu tư xây dựng mới, nâng cấp trường lớp, khắc phục tình trạng thiếu trường mầm non, nhà trẻ. Trong khi đó, Sở Giáo dục và đào tạo TP, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP được giao trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng trường mầm non tại các khu chế xuất - khu công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của con em công nhân. Ban thường vụ Thành ủy TP giao trách nhiệm cho Ban tuyên giáo Thành ủy TP chỉ đạo các cơ quan báo chí TP đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; kiên quyết phát hiện, đấu tranh phê phán những hành vi ngược đãi, hành hạ, xâm hại trẻ em. Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước trên địa bàn của tập thể và các cá nhân liên quan trong việc để xảy ra các vụ việc ngược đãi, hành hạ, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận. * Cùng ngày, Thường trực Thành ủy TP có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý nghiêm minh hành vi ngược đãi trẻ em, trong đó nêu rõ sự việc đau lòng người giữ trẻ Hồ Ngọc Nhờ đạp chết cháu Đỗ Nhất Long 18 tháng tuổi vào ngày 16-11-2013, vụ hai “bảo mẫu” Lê Thị Đông Phương, Nguyễn Lê Thiên Lý có hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em xảy ra ở quận Thủ Đức. Thường trực Thành ủy TP yêu cầu ban thường vụ Quận ủy Thủ Đức và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật của quận khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh vụ việc nêu trên..., báo cáo Thường trực Thành ủy TP kết quả trước ngày 15-1-2014. Ban thường vụ Quận ủy Thủ Đức cũng được yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước trên địa bàn của tập thể và cá nhân liên quan của quận, phường. QUỐC THANH |
* Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Tổng rà soát các nhóm trẻ tự phát Sau khi xem xong clip “Đày đọa trẻ mầm non” trên tuoitre.vn, không chỉ riêng tôi mà nhiều cán bộ làm việc trong ngành giáo dục - đào tạo TP đều cảm thấy đau lòng và bức xúc. Lối hành xử thô bạo, mất hết tính người của hai “cô giáo” nhóm trẻ gia đình Phương Anh là không thể chấp nhận được. Quan điểm của Sở Giáo dục - đào tạo TP là phải xử lý nghiêm khắc trường hợp này. Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tải sự việc, tôi đã có buổi làm việc ngay với UBND quận Thủ Đức, UBND phường Hiệp Bình Phước và đề nghị họ xử lý thích đáng hai “cô giáo”. Ngay trong ngày 17-12, sở đã tham mưu cho UBND TP để ban hành chỉ thị mới về “Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non và cơ sở giáo dục mầm non”. Trong đó có hai giải pháp căn cơ: một là sẽ tiến hành tập huấn theo cụm các khu phố cho tất cả những bà mẹ đang chăm sóc con nhỏ, tất cả những người đang nuôi dạy trẻ trên địa bàn. Nội dung tập huấn là những kỹ năng cơ bản nhất trong việc chăm sóc trẻ như cho trẻ ăn, ngủ, phát hiện và sơ cấp cứu những trường hợp khẩn cấp... Đây cũng là dịp nhắc nhở và nhấn mạnh về đạo đức nghề nghiệp của người nuôi dạy trẻ. Giải pháp thứ hai là yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty, xí nghiệp có đông công nhân phải dành quỹ đất để xây dựng nhà trẻ. Vấn đề này TP đã có chủ trương từ lâu nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Trong quá trình quy hoạch mạng lưới các trường học, các quận huyện cũng cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường mầm non và tiểu học. Cuối tháng 12, TP sẽ tổng rà soát toàn bộ các điểm giữ trẻ tự phát trên địa bàn. Khi đi kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn chủ nhóm trẻ đăng ký xin phép hoạt động. Khi đã được UBND phường cấp phép, nhóm trẻ đã nằm chung trong hệ thống quản lý của ngành giáo dục - đào tạo và sẽ được hướng dẫn thực hiện các biện pháp nhằm chăm sóc trẻ tốt hơn. Hoàng Hương ghi |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận