Công an công bố quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Khuông - Ảnh: NGUYỄN LÂN
Trong 20 trang của bản cáo trạng, cơ quan pháp luật đã không làm rõ được việc các phụ huynh chi tiền "nhờ nâng điểm" như thế nào.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, TAND tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận hồ sơ, cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án gian lận thi cử do Viện KSND tỉnh chuyển sang. Dự kiến phiên tòa xét xử vụ án này sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.
Trước đó hôm 28-5, phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Hà Giang Lý Văn Thu đã ký ban hành bản cáo trạng số 09/CT-VKS dài 20 trang. Trong đó, hai ông Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (trưởng và phó phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Hà Giang) bị truy tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo điều 356 Bộ luật hình sự.
Bà Triệu Thị Chính (phó giám đốc Sở GD-ĐT) bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo điều 358 Bộ luật hình sự.
Ông Phạm Văn Khuông (phó giám đốc Sở GD-ĐT) và bà Lê Thị Dung (phó đội trưởng thuộc Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" theo điều 366 Bộ luật hình sự.
Được nâng điểm cao nhất: 29,95 điểm/4 môn
Sau khi sửa nâng điểm, thí sinh số báo danh 05000592 được nâng tới 29,95 điểm cho 4 môn: toán, ngoại ngữ, hóa học và vật lý. Tổng điểm thi thực của thí sinh này cho 4 môn trên chỉ đạt 7,25 điểm.
Thí sinh P.T.N. (sinh năm 2001), số báo danh 05000284, là con trai ông Phạm Văn Khuông, được nâng tổng số tới 13,3 điểm.
Theo nội dung cáo trạng, các bị can Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để thực hiện hành vi sửa bài thi nâng điểm cho 107 thí sinh.
Trong hai bị can là phó giám đốc Sở GD-ĐT, bà Triệu Thị Chính là người đưa cho ông Nguyễn Thanh Hoài danh sách 13 thí sinh và yêu cầu ông Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh trong số này. Còn ông Phạm Văn Khuông là người nhờ ông Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con trai mình.
Ông Nguyễn Thanh Hoài mặc dù không trực tiếp thực hiện hành vi can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh để nâng điểm nhưng đã bàn bạc, thống nhất với ông Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh, thể hiện vai trò chỉ đạo (chủ mưu). Cơ quan tố tụng xác định ông Hoài đã đưa danh sách các thí sinh cần được nâng điểm cho ông Vũ Trọng Lương.
Ông Vũ Trọng Lương đã thao tác trên máy tính can thiệp sửa kết quả 309 bài thi các môn của 107 thí sinh trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm cho các thí sinh.
Riêng bà Lê Thị Dung là cán bộ công an, tuy không được phân công thực hiện nhiệm vụ liên quan trong kỳ thi nhưng đã nhờ ông Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh là con cháu bạn bè, người quen của bà Dung.
Điểm đáng chú ý, trong 20 trang của bản cáo trạng này cũng như trong 17 trang của bản kết luận điều tra trước đó của Công an tỉnh Hà Giang đều không thể hiện rõ kết quả điều tra việc các phụ huynh đã chi tiền để "nhờ nâng điểm" cho con em mình như thế nào.
Hồ sơ vụ án này có tới 6.000 trang bút lục, nhưng theo chiều hướng điều tra, xác minh của các cơ quan tố tụng cho đến nay thì việc nâng điểm cho 107 thí sinh ở Hà Giang chủ yếu do "nhờ vả", "nể nang" chứ chưa phát hiện dấu hiệu tiền bạc.
Vì sao chỉ còn 107 thí sinh được nâng điểm?
Ngày 17-7-2018, tổ công tác Bộ GD-ĐT xác định tại Hà Giang có hơn 330 bài thi/114 thí sinh có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với chấm thẩm định.
Theo quy định, kết quả chấm thẩm định này của thí sinh được dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018. Vì vậy, không như Sơn La và Hòa Bình, tỉnh Hà Giang không có thí sinh bị các trường ĐH, CĐ trả về vì trúng tuyển nhờ "điểm dỏm".
Nhiều người thắc mắc kết quả điều tra mới nhất lại công bố chỉ còn 309 bài thi với 107 thí sinh được nâng điểm, không giống với số liệu được Bộ GD-ĐT công bố ban đầu.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, đến nay đã làm rõ có 107 thí sinh được nâng điểm ở 309 bài thi trắc nghiệm, cũng như xác định có 210 phụ huynh liên quan tới việc "nhờ nâng điểm" này.
Những trường hợp khác, cơ quan điều tra nhận định không đủ căn cứ xác định việc tác động nhờ nâng điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận