16/05/2020 13:42 GMT+7

Cựu giáo viên Hòa Bình: 'Tôi nhận mình là tấm gương mờ của ngành giáo dục'

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Nói lời sau cùng trước tòa, trong khi 13 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra hối hận, cựu thượng tá công an và cựu trưởng phòng khảo thí vẫn kêu oan.

Cựu giáo viên Hòa Bình: Tôi nhận mình là tấm gương mờ của ngành giáo dục - Ảnh 1.

Bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) rời tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 16-5, phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình kết thúc phần tranh tụng. Trước khi nghị án, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước tòa.

Cựu thượng tá công an kêu oan

Là người đầu tiên đứng trước bục khai báo nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng phòng khảo thí) cho rằng những gì ông làm trong kỳ thi 2018 có sai phạm về mặt quy chế và ông xin chịu trách nhiệm.

Nhưng với tất cả những gì trong việc điều tra, xét hỏi tại tòa, ông Vinh khẳng định "tôi không lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. tôi không nhận lời bất kỳ phụ huynh, thí sinh nào để nâng điểm".

Nói đến đây, ông Vinh nghẹn giọng khóc: "Trước kỳ thi cũng có người nhờ bị cáo nâng điểm, nhờ quan tâm các cháu nhưng tôi nói đây là kỳ thi nghiêm túc nên hãy bảo các cháu học đi. Những gì tôi làm chỉ mong kỳ thi tốt hơn, nhưng do sự chủ quan bây giờ bị cáo phải trả giá".

"Mong HĐXX căn cứ vào hồ sơ, căn cứ quá trình điều tra để đánh giá khách quan về hành vi của bị cáo. Nếu vẫn kết tội tôi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ thì tôi sẽ kháng cáo đến cùng, tôi không tiếc bao năm cống hiến cho ngành giáo dục".

Đứng trước tòa, bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) nói HĐXX đưa bị cáo ra xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ là không đúng người, đúng tội, bị oan sai.

Mong HĐXX đánh giá khách quan, chính xác nhất về hành vi của bị cáo, cũng như để bảo vệ cho các bị cáo đang bị oan.

Ông Chất cho hay là chiến sĩ công an nhân dân luôn nâng cao tinh thần đấu tranh với tội phạm và tham nhũng nhưng lại bị oan ức.

"Mong bố mẹ, anh chị các con tiếp sức cho tôi, tôi sẽ kêu oan, kháng cáo đến cùng, sẽ đề nghị xử đến phúc thẩm, giám đốc thẩm, thậm chí đời tôi chưa xong, đời con, đời cháu tôi vẫn phải minh oan cho tôi vô tội", bị cáo Chất bật khóc nói.

'Bị cáo đáng thương nhiều hơn là đáng trách'

Cựu giáo viên Hòa Bình: Tôi nhận mình là tấm gương mờ của ngành giáo dục - Ảnh 2.

Các bị cáo rời tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Là người tiếp theo được nói lời sau cùng, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, nhân dân, xin lỗi ngành giáo dục, đặc biệt xin lỗi các bậc cha mẹ, học sinh, trong đó có những học sinh bị tác động, ảnh hưởng bởi hành động sai trái của bị cáo trong kỳ thi 2018.

"Bị cáo không biết dùng lời nói nào để tự bào chữa cho hành vi sai phạm của mình, chỉ biết dùng hành động, biểu lộ để thể hiện sự ăn năn, sám hối. Trong phiên tòa bị cáo đã nhận rất nhiều cáo buộc cho rằng bị cáo nói không đúng sự thật, nói oan cho người khác để có lợi cho mình.

Nhưng các bị cáo hãy nhìn vào dư luận đặt cương vị mình vào các phụ huynh, học sinh chịu ảnh hưởng trong kỳ thi để phán xét lương tâm của mình.

Có thể nói bị cáo lớn lên từ bát cơm của ngành giáo dục, bố mẹ bị cáo cũng từng là giáo viên. Bị cáo không nghĩ có ngày phải ra hầu tòa với tư cách là một thầy giáo vi phạm trong ngành giáo dục. Chỉ vì sự lôi kéo và do bản thân bị cáo có động cơ không đúng đắn mới có ngày hôm nay", bị cáo Tuấn nói.

Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu trưởng phòng khảo thí, nói luôn ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của mình.

"Đau xót vô cùng vì sai lầm của bị cáo tạo ra vết nhơ cho gia đình mình, một gia đình có công với cách mạng, tạo nên gánh nặng cho chồng, cho đứa con còn nhỏ dại. Bị cáo mất niềm tin vào chính mình, mất niềm tin vào cuộc đời, khi những người đồng nghiệp với nhau phải ra hầu tòa và nói ra những lời thật chua xót.

Một bản án có thể làm thay đổi một cuộc đời, mong HĐXX cho bị cáo hưởng sự khoan hồng để làm lại cuộc đời, để chăm chồng chăm con, trở thành người có ích cho xã hội", bị cáo Liên trình bày.

Khóc nức nở khi nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (41 tuổi, cựu giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân, TP Hòa Bình) thừa nhận mình là người có lỗi và đáng trách khi đã để ra sai phạm trong kỳ thi.

Tuy vậy, Loan vẫn tha thiết mong HĐXX nhìn mình với con mắt độ lượng hơn để thấy "bị cáo đáng thương nhiều hơn là đáng trách".

Suốt 13 tháng bị tạm giam, bị cáo đã đi đến tận cùng của nỗi đau cả về vật chất và tinh thần. Chỉ vì sai lầm nhất thời mà mất hết tất cả công việc, niềm tin với mọi người. Bị cáo xin nhận mình là một tấm gương mờ trong ngành giáo dục và xin được mở cánh cửa trở về cuộc đời”.

Sau khi trình bày xong lời nói sau cùng, bị cáo Loan bị ngất tại tòa và được sự chăm sóc của y tế.

Hội đồng xét xử nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào 8h30 ngày 21-5.

Cán bộ nâng điểm: Cán bộ nâng điểm: 'sếp dặn chỉ cần nhận tội, vợ con ở ngoài các anh lo'

TTO - Trước tòa, cựu phó hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy Đỗ Mạnh Tuấn khai được cấp trên đề nghị nhận toàn bộ trách nhiệm việc nâng điểm cho các thí sinh, "còn lại vợ con và tất cả mọi thứ ở ngoài các anh sẽ lo liệu".


DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên