11/07/2020 10:08 GMT+7

Vụ đương sự định nhảy lầu: Nguyên đơn và thẩm phán chủ tọa từng làm ăn chung?

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Mới đây, ông Lê Văn Dư - bị đơn trong vụ đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án, đã nộp đơn đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.

Vụ đương sự định nhảy lầu: Nguyên đơn và thẩm phán chủ tọa từng làm ăn chung? - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Dư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mới đây, ông Lê Văn Dư - bị đơn trong vụ đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án, đã nộp đơn đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.

Trong đơn, ông Dư cho rằng tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, từ khi ký hợp đồng đến khi ông Phan Quý nộp đơn khởi kiện đối với ông Dư và ông Thắng là 8 năm, ông Sĩ là 9 năm. Tuy nhiên, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, hai cấp xét xử đã không giải quyết yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật. 

Ông Dư kể nguồn gốc và quá trình tranh chấp - Video: TUYẾT MAI

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Quý thay đổi yêu cầu khởi kiện từ "tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đất" thành "tranh chấp quyền sử dụng đất" và được HĐXX chấp thuận ngay. Như vậy, HĐXX phúc thẩm đã giải quyết vụ án vượt quá giới hạn xét xử.

Nếu vụ án được xác định là "tranh chấp quyền sử dụng đất", thì cần phải hủy bản án, để các bên đương sự tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã (phường) nơi có đất.

Ngoài ra, ông Dư cho rằng trước phiên tòa phúc thẩm, phía ông Dư đã đề nghị thay đổi thẩm phán chủ tọa là ông Đỗ Khắc Tuấn để đảm bảo sự vô tư, khách quan. Bởi ông Phan Quý và ông Tuấn có mối quan hệ thân thiết, từng làm ăn chung... nhưng không được chấp nhận.

Vụ đương sự định nhảy lầu: Nguyên đơn và thẩm phán chủ tọa từng làm ăn chung? - Ảnh 3.

Đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Dư - Ảnh: T.M.

Về nội dung vụ án, ông Dư cho rằng hai cấp tòa đã có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Cụ thể, trong thông báo thụ lý vụ án ở các cấp xét xử, tòa xác định là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cho rằng đây là tranh chấp quyền sử dụng đất. Việc HĐXX phúc thẩm xác định quan hệ "tranh chấp quyền sử dụng đất" là không đúng, bởi theo Luật đất đai "tranh chấp đất đai" là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai, nghĩa là những loại tranh chấp có đối tượng là đất đai nhưng không xuất phát từ hợp đồng. 

Trong khi đó, "tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" là những bất đồng giữa các bên phát sinh trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trên cơ sở hợp đồng. Trong vụ án này, nguồn gốc phát sinh tranh chấp, bất đồng giữa các bên là trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thực tế, trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, các bên chỉ tập trung đánh giá hình thức, nội dung, hiệu lực... của hợp đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Dư không được các thẩm phán hỏi và giải thích về yêu cầu bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu bằng đơn phản tố. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm khi tuyên hợp đồng giữa các bên vô hiệu, nhưng lại không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Thứ ba, trong hồ sơ vụ án có đầy đủ hợp đồng viết tay có chữ ký hai nguyên đơn là ông Quý, bà Thủy, có sơ đồ thửa đất, có phần vẽ thêm diện tích chuyển nhượng cho ba bị đơn, có chữ ký của ông Phan Quý. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm lại nhận định "việc ông Dư dựa vào các hợp đồng chuyển nhượng chưa có hiệu lực để chiếm giữ phần đất này là không có căn cứ…" là vừa sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ, vừa sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng quy định của pháp luật về thực hiện hợp đồng song vụ. 

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp đồng song vụ, các bên đã hoàn thành nghĩa vụ bên giao đủ đất, bên giao đủ tiền, được bàn giao đất thì có quyền sử dụng. 

Ngoài ra, trong đơn khởi kiện, đơn sửa đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện, đơn kháng cáo, bản tự khai, phần trình bày tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, không có bất cứ nội dung nào nguyên đơn phát biểu về việc tự nguyện thanh toán thêm 9%/năm, cho số tiền đã nhận từ các bị đơn. Tuy nhiên, khi tuyên án và trong bản án phúc thẩm lại có nội dung này. 

Ông Dư cho rằng đây là những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình ông và đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM, VKSND cấp cao tại TP.HCM xem xét, ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên.

Theo nội dung vụ án, mảnh đất 3.500m² là đất trồng cây hằng năm. Năm 1999, ông Phan Quý mua của ông Huỳnh Hữu Lợi bằng giấy tay.

Năm 2002, ông Quý "cắt" 500m² trong mảnh đất trên bán cho ông Sĩ bằng giấy tay. Đến năm 2005, ông Quý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 3.500m². Sau đó, tháng 4-2009, ông Quý tiếp tục bán cho ông Dư và ông Thắng mỗi người 87m² trong cùng thửa đất trên cũng bằng giấy tay. Đến năm 2015 ông Dư mua lại toàn bộ 674m2 đất và đưa gia đình về đây sống.

Song, tháng 6-2017, ông Quý bất ngờ khởi kiện các ông Dư, Thắng, Sĩ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên các hợp đồng chuyển nhượng đất trước đây giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sĩ vô hiệu.

Xét xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng. Không đồng ý, các bên kháng cáo, còn viện trưởng Viện KSND quận Gò Vấp kháng nghị bản án sơ thẩm.

Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Quý với các ông Dư, Sĩ, Thắng; không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sĩ, Thắng với ông Dư. Đồng thời, không công nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Văn Dư đối với 674m². Tòa buộc các bị đơn trả 674m² đất cho nguyên đơn và nhận lại số tiền đã trả cho nguyên đơn trước đây kèm số tiền lãi với lãi suất 9%/năm.

Sau khi tòa tuyên án, một đương sự trong vụ án đã lao ra lan can định nhảy lầu tự tử nhưng may mắn được nhiều người ngăn cản kịp thời.

Vụ đương sự định nhảy lầu sau tuyên án: hồ sơ được chuyển lên TAND cấp cao Vụ đương sự định nhảy lầu sau tuyên án: hồ sơ được chuyển lên TAND cấp cao

TTO - Lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết TAND TP.HCM đã chuyển hồ sơ vụ án 'tranh chấp hợp đồng quyền sử dụng đất' vừa xử xong phúc thẩm lên TAND cấp cao để xem xét theo thẩm quyền.


TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên