03/12/2019 14:35 GMT+7

Vũ Đức Sao Biển ra 'Phượng ca' và 'Miền Nam sống đẹp' trong cơn bạo bệnh

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Trong cơn trọng bệnh ở tuổi ngoại thất tuần, nhà văn, nhà báo Vũ Đức Sao Biển vẫn đều đặn ra sách. Mới nhất là hai quyển hồi ức: 'Phượng ca' và 'Miền Nam sống đẹp'.

Vũ Đức Sao Biển ra Phượng ca và Miền Nam sống đẹp trong cơn bạo bệnh - Ảnh 1.

Tác giả Vũ Đức Sao Biển (giữa) cùng với giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ (phải) và người bạn thời trung học (trái) - Ảnh: ĐPT

Thật đáng yêu biết bao khi một người đến tuổi bảy mươi vẫn còn nhớ như in và dạt dào cảm xúc khi nhắc lại tuổi học trò của mình.

Trong cách kể của nhà văn Vũ Đức Sao Biển về quãng đời hoa niên thơ mộng dưới mái trường bên cạnh bạn bè, người đọc cảm nhận được mức độ say sưa và nồng nhiệt, như thể trang viết đã hoàn toàn chiếm lĩnh tâm trí ông, dẫn ông vượt thoát hiện thực sức khỏe đang cần phải đấu tranh gắng gượng, để "hồi xuân" lại một chặng đường đẹp nhất của đời người.

Tha thẩn nghe người già kể chuyện tuổi học trò

Phượng ca, bạn đọc sẽ bắt gặp không ít những câu chuyện lạ lẫm mà thú vị, gặp lại hình ảnh những cô cậu học trò trung học tinh nghịch hồn nhiên "cũng giống như mình". Nhưng có lẽ, Vũ Đức Sao Biển tha thiết kể chuyện thời học trò của mình còn có một lý do riêng.

Đó là hoàn cảnh xuất thân của ông có chút đặc biệt. Bản thân một cậu học trò xứ Quảng nghèo khó trong thời chiến tranh được cắp sách đến trường, đã là một điều hiếm hoi.

Đọc ông, thấy cách kể nhẹ tênh về những ám ảnh nặng nề, bắt gặp những cách nhìn dí dỏm cho một số đoạn trường đau đớn mà lẽ thường người đời dễ buột miệng than van...

Vũ Đức Sao Biển ra Phượng ca và Miền Nam sống đẹp trong cơn bạo bệnh - Ảnh 2.

Tập Phượng ca kể câu chuyện về tuổi học trò của Vũ Đức Sao Biển - Ành: L.ĐIỀN

Rồi người đọc sẽ cảm giác như mình đang tha thẩn nghe một ông già kể chuyện. Nhưng trang viết của ông không có những rề rà thường gặp trong kiểu cách của người già. "Nét già" duy nhất trong câu chuyện của ông chính là những câu chuyện đã có độ lùi của thế hệ.

Đọc ông, nhận ra những đặc thù đáng quý trong giao tế, lễ phép của người miền trung; bắt gặp những thói quen trong ăn uống sinh hoạt, những thức ăn quê nhà ám ảnh cậu học trò đa cảm nhiều chục năm sau không chỉ bởi hương vị của món quê mà còn bao nhiêu câu chuyện đi kèm...

Lại cũng có chuyện kỳ thú như... chuyện ma ở làng, được tác giả thuật lại theo lời ông lái đò thật ấn tượng. 

Tác giả còn bộc bạch niềm đam mê âm nhạc thuở thiếu thời và trong từng thời đoạn của tuổi học trò, ông đã thu xếp để thực hiện ước mơ như thế nào.

Cách sống đẹp của miền Nam

Miền Nam sống đẹp lại là một quãng đời khác với những câu chuyện ly kỳ không kém. 

Tuổi hoa niên của Vũ Đức Sao Biển gắn bó với Sài Gòn và miền Nam. Không nhằm viết về sống đẹp, nhưng qua câu chuyện giao tế, làm nghề, tiếp bạn, theo thầy... tác giả khéo léo làm lộ ra nét đẹp của đất và người miền Nam.

Vũ Đức Sao Biển ra Phượng ca và Miền Nam sống đẹp trong cơn bạo bệnh - Ảnh 3.

Miền Nam sống đẹp - câu chuyện của Vũ Đức Sao Biển về quãng đời gắn bó với đất và người Sài Gòn - Ảnh: L.ĐIỀN

Với một chặng đời hoạt động sôi nổi tại vùng đô thị lớn nhất thời trước 1975, Vũ Đức Sao Biển có được chất liệu dồi dào cho trang viết.

Chỉ riêng các nhân vật ông từng tiếp xúc, nay được kể lại ở cự ly gần, có thể xem là những sử liệu về nhân vật mà giới nghiên cứu đời nay không dễ tìm thấy được.

Như câu chuyện ông kết giao với nhà văn Lê Tất Điều trong buổi đầu chập chững học nghề báo, hay những kỷ niệm với người thầy, học giả Giản Chi.

Rồi câu chuyện Mậu Thân 1968, chuyện phong trào sinh viên trước 1975 vắt qua câu chuyện làm báo làm nhạc sau 1975... ; tất cả được tác giả xếp vào dòng hồi ức có tên là "cách sống đẹp của miền Nam".

Những trang viết này cũng có thể là chất men gợi hứng để những cây bút về sau tiếp tục mạch cảm xúc của mình với một Sài Gòn "sống đẹp".

Vũ Đức Sao Biển: Lắng nghe giai điệu boléro Vũ Đức Sao Biển: Lắng nghe giai điệu boléro

TTO - Lắng nghe giai điệu boléro được thực hiện như một công trình khảo cứu về lịch sử ra đời của dòng nhạc này và các bước định hình, lan tỏa xuyên biên giới.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên