Thầy giáo “tháo giày” đi làm báo
50 năm trước, tôi quen ông khi ở Cư Xá sinh viên Quảng Đức lúc đó ông đang học Sư phạm văn, suốt ngày tôi nghe ông nghêu ngao một đoạn cổ văn nào đó. Sau đó vì thời cuộc anh em chia tay nhau mãi đến năm 79 mới gặp lại. Lúc đó, ông làm giáo viên lưu dụng lương ba cọc ba đồng, thu nhập chính là… câu cá bán tăng... thu nhập. Một lần nghe tin ông bị bệnh nặng tôi mang chục hột gà và mấy lon sữa lên thăm, ông vui lắm luôn miệng xuýt xoa: "Quý quá, quý quá...".
Năm 1979, ta đánh giặc Tàu ở biên giới phía Bắc. Tôi nghĩ cách kiếm tiền cho ông, biết ông giỏi các loại văn biền ngẫu, tôi gợi ý ông viết bài kiểu như "Bình ngô đại cáo”. Mấy ngày sau ông gửi tôi bài "Phá Bành Đại Cáo" thật hay và đăng Tuổi Trẻ Xuân năm 80. Thừa thắng xông lên tôi và ông bàn với nhau viết thêm mấy bài nữa cũng theo thể văn biền ngẫu.
Ông lên thư viện báo Tuổi Trẻ lục báo ra đọc mấy ngày, ghi ghi chép chép, sau đó viết một loạt nhiều kì có tựa đề “Hồng vệ binh liệt truyện”. Cứ như thế, ông viết khá nhiều bài độc đáo trên báo Tuổi trẻ thời bấy giờ, nhuận bút coi bộ cũng khá so với đồng lương khiêm tốn của nhà giáo lưu dụng.
Ông viết dưới nhiều bút danh có những bút danh ít ai biết như: Mạc Đại, Bảy Dế tiên sinh, Đồ Bì… Tôi hỏi tại sao lại có tên Bảy Dế ông cười cười: “Thì ông nói lái lại thử coi”. Từ những năm 90 về sau, viết báo trở thành cần câu cơm của ông.
Anh Huỳnh Bá Thành (tổng biên tập báo Công An thời đó) là người giúp anh rất nhiều: kêu anh về báo Công An, can thiệp để anh có nhà ở Thanh Đa vì ở Nhà Bè đi lại quá xa… Cuối những năm 90, không hiểu vì lí do gì đó anh bỏ báo Công An, tôi mời về làm báo Pháp Luật. Hỏi lí do, anh cười cười: "Người quân tử ra đi không nói xấu kẻ ở lại".
Thời gian ở báo Pháp Luật anh viết và làm nhạc rất sung, mỗi năm đều cho ra đời một đến hai đầu sách. Anh học Sư phạm Văn nhưng anh viết khá nhiều bài báo về tòa án, về pháp y. Hóa ra sau lưng anh có hai ông thầy tuyệt vời đó là luật sư, tiến sĩ Phan Đăng Thanh và chuyên gia pháp y Ngô Văn Quỹ. Anh đi lấy tư liệu về kể cho hai chuyên gia này, các ông phân tích về chuyên môn anh chỉ việc ghi chép lại thành một bài báo rất hoành tráng. Bạn bè đọc những bài báo đó quá ngạc nhiên, anh cười: “Thì nhờ tôi đứng trên vai những người khổng lồ đó".
“Âm dương hòa hợp tán” xứ Phú Yên
Vài chuyện khôi hài trong nghề báo khiến cho ông gặp nhiều chuyện cười ra nước mắt. Có lần ông và tôi đi Tây nguyên công tác, nhìn hai bên đường có nhiều khoảng đất mọc đầy cây mai dương (còn gọi là cây mắc cỡ tây), một loại cây thiên địch rất khó nhổ bỏ. Ông bỗng cười ha ha: “Tôi có cách rồi, tôi sẽ làm cho người ta lùng và diệt cây mai dương cho ông coi. Ông còn nhớ mấy năm trước đây khi bia Vạn Lực của Trung Quốc tràn lan, chỉ một tin đồn uống bia Vạn Lực bị liệt dương thế là sau đó bia Vạn Lực rút khỏi thị trường Việt Nam”.
Tôi tiếp lời: “Ngoài cây mai dương còn một loại thiên địch khác phá hại mùa màng đó là con ốc bươu vàng”. Ông cười: “Để tôi, để tôi!”.
Sau đó một bài báo Xuân ra đời, kể chuyện nghiêm chỉnh y như thật rằng có bài thuốc lạ ở Tây Nguyên do một nhà thám hiểm người Pháp tìm ra trên đỉnh Ngọc Linh. Bài báo kể tình cờ ông gặp được môt thầy Lang người Raglay chỉ cho loại thuốc "ông uống bà khen". Chỉ cần lấy mấy ký ốc bươu vàng sao vàng hạ thổ sau đó rang lên và nghiền nát. Cây mai dương cắt nhỏ phơi khô trộn với bột ốc bươu vàng ngâm thêm lít rượu...
Bài thuốc đại bổ đó ông Attala Batu, người Ấn Độ, dùng và bà vợ sau đó đẻ sinh đôi. Ông Yo Yamaha một người Nhật 70 tuổi tìm gặp bài thuốc này bà vợ cũng sinh cho ông một lèo hai quý tử. Tác giả còn xạo rằng, Viện hàn lâm Y học Pháp sau đó đã nghiên cứu và đưa vào y văn thế giới (!)
Ông viết cứ y như thật, chỉ khổ cho báo Pháp Luật TP.HCM sau đó liên tục nhận được những túi cây mai dương khô gửi về hỏi tác giả Đồ Bì phải cây này không. Chuyện còn xảy ra vài năm sau nữa, báo hại báo phải in sẵn thư trả lời rằng đó là chuyện hài hước đọc chơi cho vui ngày Xuân, bạn đọc nên bỏ ngay chứ không được dùng.
Đó là chuyện “tai hại”, còn chuyện tích cực cũng có. Số là lần đó trong một chuyến đi miền Trung, tôi với ông có đi ngang qua Phú Yên, thấy ở vịnh Xuân Đài người ta bán rất nhiều cá ngựa. Ông lại cười: Tôi nẩy ra một tứ cho báo Xuân. Ngày hôm sau, ông đưa tôi xem một bài bài báo nói về nguồn gốc của thuốc" âm dương hòa hợp tán".
Trong bộ tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ tác giả Kim Dung có kể rằng Chung Vạn Cừu vốn thù Nam Đế Đoàn Chính Thuần, bèn bắt con gái Nam Đế giam chung với Đoàn Dự rồi cho hai người uống thuốc âm dương hòa hợp tán loại thuốc này uống vào sẽ bị kích thích đòi hỏi chuyện chăn gối. Tác giả viết thêm một lần Chung Vạn Cừu từ Vân Nam đi xuống, qua miền Trung đất Giao Chỉ, ông phát hiện ra con cá ngựa ở Phú Yên ngâm với rượu Bàu Đá ở Bình Định đó là nguồn gốc thuốc âm dương hòa hợp tán.
Bài báo đó đăng ở báo Xuân khoảng năm 2005, 2006 gì đó tôi không nhớ, nhưng có lần tôi và ông ghé Vịnh Xuân Đài tạt vào một quán cơm. Quán này bán rất nhiều cá ngựa.Tôi hỏi chủ quán, cá này có tác dụng gì không ông chủ nhà quảng cáo nhiệt tình về rượu ngâm cá ngựa, xong ông chạy vào nhà lấy một bài báo có lồng kiếng chỉ đây báo chí viết hẳn hòi.
Tôi hỏi, ông có biết ông Đồ Bì viết bài nầy không. Ông chủ tiệm nói làm sao tôi quen được. Tôi cười chỉ: “Là cái ông nầy nè”. Ông chủ tiệm quá ngạc nhiên xin bắt tay Sao Biển và sau đó, bữa cơm trưa không tính tiền khi đi còn tặng hai bình rượu ngâm cá ngựa.
Đại loại những chuyện hài hước kể về ông bạn già cả ngày cũng không hết. Tối qua ông đã cỡi hạc về trời, nhắc lại những kỉ niệm như một lời tiễn đưa. Mong rằng cõi bên kia ông vẫn mang theo tính hài hước để luôn mỉm cười ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận