18/02/2025 18:44 GMT+7

Vụ du khách rơi xuống sông ở chợ nổi Cái Răng: Chính quyền 'đã kiểm tra', sao lại ra răng?

Cơ quan chức năng khẳng định đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra nhưng vẫn xảy ra chuyện hàng chục du khách rơi xuống sông khi tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Sao lại như thế?

Video hàng chục du khách rơi xuống sông khi tham quan chợ nổi Cái Răng

Nhiều người không khỏi giật mình trước vụ việc nhiều du khách rớt xuống sông vì sập cầu tạm nối nhà bè với bến tàu ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Đã kiểm tra sao không phát hiện sự cố?

Theo đó vào sáng 16-2, có khoảng 20 du khách lên cầu tạm để đi lên sà lan của một cơ sở kinh doanh tại chợ nổi Cái Răng mua sắm. Mối hàn cầu tạm bị hở làm cầu bị nghiêng khiến nhiều người rơi xuống sông. 

Ngày 17-2, đoàn thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã đến kiểm tra nơi xảy ra tai nạn và phát hiện cơ sở này chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh, đăng kiểm đã hết hạn, không đảm bảo an toàn cho khách... 

Sau kiểm tra, đoàn thống nhất tạm đình chỉ hoạt động cơ sở này.

Điều đáng nói, sở khẳng định thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành nhiều văn bản, cũng như tổ chức thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói chung và tại khu vực chợ nổi Cái Răng nói riêng, nhằm đưa hoạt động du lịch đi vào nề nếp; bảo vệ sự an toàn, cũng như quyền và nghĩa vụ của du khách.

Dư luận không thể không đặt vấn đề: Đã kiểm tra, sao không phát hiện các sai phạm để dẫn đến tai nạn như trên? 

Thực tế nhiều lần đưa khách lên nhà bè ở chợ nổi Cái Răng, không ít lần chúng tôi hồi hộp vì sợ. Tôi nghĩ sự cố như vụ ngày 16-2 trước sau gì cũng xảy ra, chỉ là nhanh hay chậm và mức độ thiệt hại.

Còn nhớ trước đó năm 2016, tai nạn sập nhà bè ở Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) làm 2 người chết và 4 người bị thương cũng do quá tải...

Không phải tự nhiên mà tất cả trang thiết bị đều ghi hạn sử dụng an toàn; các phương tiện đều quy định tải trọng (cầu, đường, xe cộ, tàu thuyền); sức chứa (nhà hàng, điểm tham quan, vui chơi); thậm chí độ tuổi và sức khỏe (trò chơi cảm giác mạnh, độ cao địa lý)…

Các quy định đều nhằm bảo đảm an toàn tối đa khi gặp sự cố. Khi xảy ra hỏa hoạn hoặc lật tàu xe; nếu sức chứa quá tải sẽ là thảm họa. Các tai nạn giẫm đạp kinh hoàng đều do đám đông vượt ngưỡng, không kiểm soát được. 

Thực tế các quy định này lâu nay bị xem thường, cả người tham gia lẫn cơ quan quản lý. Và khi gặp sự cố, không ai chịu trách nhiệm.

Hoạt động nào cũng có rủi ro. Mọi sản phẩm đều có sai sót rất nhỏ, trong khả năng kiểm soát chủ động. 

Phải giảm thiểu tối đa sự cố bằng phòng ngừa. Không thể tồn tại kiểu suy nghĩ "Tới đâu hay đó", "Trời kêu ai nấy dạ". 

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Để chấm dứt điệp khúc "Mất bò mới lo làm chuồng", cơ quan quản lý cần có quy định an toàn cụ thể trong mọi hoạt động; đặc biệt là tải trọng và sức chứa các nhà bè, nhà nổi, tàu thuyền, các hang động…

camera giám sát và can thiệp kịp thời khi quá tải. Các điểm tham quan, nhà vườn, các sự kiện đông người cũng vậy. 

Kiểm tra định kỳ, không đợi sự cố. Nhẹ thì nhắc nhở. Nặng hơn thì cảnh cáo, rút giấy phép có thời hạn. Tái phạm, cấm kinh doanh. Trầm trọng, chuyển qua hình sự.

Phạt thật nặng các vi phạm an toàn của chủ dịch vụ lẫn người kiểm tra nếu có hiện tượng du di, bảo kê vi phạm. Có đường dây nóng để phản ánh kịp thời các dấu hiệu sai phạm. 

Quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và chính quyền địa phương.  

Về phía chủ dịch vụ: Thượng tôn pháp luật, thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn. 

Quá tải, có thể thêm doanh thu nhưng "lợi bất cập hại" vì phục vụ không chu đáo, ảnh hưởng thương hiệu, mất khách. Gặp sự cố thiệt hại khôn lường. 

Giám sát lượng khách theo quy định. Yêu cầu khách đăng ký trước để xếp lịch lần lượt. Nếu quả tải thì từ chối. 

Hướng dẫn nội quy an toàn trước khi khách sử dụng dịch vụ (mời đọc nội quy, hướng dẫn trực tiếp). Cử người giám sát và nhắc nhở khách có dấu hiệu vi phạm.  

Về phía người dùng dịch vụ, bao gồm các công ty lữ hành: Tìm hiểu các quy định an toàn trước khi sử dụng dịch vụ. Tuyệt đối không tham gia nếu không đảm bảo an toàn hoặc thiếu các quy định cụ thể. 

Triệt để tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Luôn mặc áo phao khi đi tàu thuyền, phà, vào nhà bè. Lên xe kiểm tra búa cứu hộ, đai an toàn. 

Nếu lái xe, tài công có dấu hiệu không bình thường (chạy quá tốc độ, lạng lách, hành xử sai…) báo ngay công ty tổ chức hoặc cơ quan quản lý. 

Hỏi lối thoát hiểm khi vào khách sạn, nhà hàng, quán karaoke… Tự lượng sức khi tham gia leo núi, chạy marathon, trekking và các trò chơi mạo hiểm, du lịch độ cao. Nhờ công ty lữ hành tư vấn khi chọn tour.  

Nếu mọi người cùng có ý thức, sự cố giảm thiểu tối đa. Sinh mạng con người là trên hết. An toàn luôn là mục tiêu hàng đầu của các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch.

Đã kiểm tra sao vẫn để du khách rơi xuống sông khi tham quan chợ nổi Cái Răng? - Ảnh 2.Du khách rơi xuống sông khi tham quan chợ nổi Cái Răng: Chấn chỉnh dịch vụ du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đề nghị kiểm tra, nhắc nhở hoạt động kinh doanh các bè nổi trên chợ nổi Cái Răng và xử lý nếu xảy ra vi phạm.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên