19/06/2011 07:25 GMT+7

Vụ "Đổi trường học lấy trung tâm thương mại": Có nhiều cách kêu gọi đầu tư

Ông CAO HUY THẢO(hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM)
Ông CAO HUY THẢO(hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM)

TT - Liên quan đến thông tin Trường tiểu học Nguyễn Thái Học sẽ bị di dời, nhường chỗ cho một trung tâm thương mại, Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến.

Read this on Tuoitrenews.vn

cLEkoFtI.jpgPhóng to
Trường ngưng cho thuê mặt bằng, nên học sinh theo học bồi dưỡng văn hóa ở trung tâm đang thuê mặt bằng tại trường này phải chuyển đi nơi khác - Ảnh: NHƯ HÙNG

Quan điểm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới là dành những gì tốt nhất, thuận lợi nhất cho giáo dục. Xét đi xét lại, giữ nguyên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học ở địa điểm cũ và xây dựng mới là hay nhất. Theo như ông chủ tịch UBND Q.1 phát biểu trên Tuổi Trẻ, địa điểm mới của Trường Nguyễn Thái Học ở kế bên Trường THCS Minh Đức. Đây không phải địa điểm lý tưởng vì nằm gần chợ Cầu Muối, môi trường khá phức tạp, không phù hợp với giáo dục. Xét về độ ồn, hai bên (cũ và mới) là như nhau.

Như đã phân tích ở trên, vị thế Trường Nguyễn Thái Học cũ vẫn đẹp hơn. 4.000m2 của trường hiện tại không phải là quá rộng. Một trường có đủ điều kiện để giáo dục toàn diện, giáo dục hội nhập thì phải ưu tiên diện tích đất cho sân chơi, cho hoạt động thể dục thể thao... So sánh với một đất nước có diện tích nhỏ hẹp như Singapore, một ngôi trường của họ cũng có diện tích hơn 10.000m2.

Ông chủ tịch UBND Q.1 có lý khi nói rằng Nhà nước không đủ lực để xây dựng một ngôi trường mới ở khu đất hiện tại nên phải tính cách bán khu đất “vàng” cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu không có tiền, vẫn có nhiều cách kêu gọi đầu tư chứ không chỉ một cách trên. Trước đây, Q.1 từng xây dựng Trường tiểu học và Trường trung học Lương Thế Vinh bằng nguồn vốn kích cầu, sau đó phụ huynh đóng góp để lấy tiền trả nợ. Theo tôi, đây là mô hình thành công, người hưởng lợi tại ngôi trường khang trang, hiện đại chính là các học sinh Q.1.

Tôi chỉ lo rằng khi thực hiện dự án, nhà đầu tư sẽ tìm cách “co” lại diện tích ngôi trường mới bằng cách xây nhiều tầng. Chỉ hi vọng chính quyền địa phương hãy đặt lợi ích của giáo dục lên hàng đầu, để có những ràng buộc yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện tất cả những gì như đã hứa.

Nên đấu thầu hai dự án riêng biệt

Về phương án di dời Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), theo tôi, có một số vấn đề cần phải làm rõ thêm.

Quan điểm khu “đất vàng” để làm thương mại, còn cơ sở giáo dục nên để ở vị trí khác là quan điểm tương đối. Hiện nay khu trung tâm TP.HCM còn nhiều vị trí thương mại đẹp, đang xuống cấp chưa triển khai cho thấy diện tích đất dành cho thương mại không thiếu, rất cần nguồn vốn để triển khai. Trong khi những vị trí tốt như Trường tiểu học Nguyễn Thái Học lại cứ tìm cách di dời. Điều này sẽ làm giảm sự giàu có về văn hóa giáo dục của TP.

Riêng trường hợp Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, TP hoàn toàn có thể vay vốn kích cầu để xây trường đẹp ngay chính vị trí hiện tại như các dự án kích cầu giáo dục từng rất thành công trong các năm 2000-2004. Nếu UBND Q.1 nhất quyết muốn biến khu đất Trường tiểu học Nguyễn Thái Học thành trung tâm thương mại và xây dựng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học tại khu đất mới thì nên tách ra hai dự án độc lập. Trong đó dự án 2 (trường mới) cần được TP phê duyệt để xác định phương án thiết kế, chi phí đền bù, xây dựng và tổng ngân sách đầu tư, sau đó chọn đấu thầu thi công tốt nhất. Còn dự án 1 (khu đất trường cũ) là đấu thầu chuyển đổi công năng khu đất trường học thành trung tâm thương mại, người thắng thầu là người có giá đấu cao nhất và phương án kinh doanh phù hợp nhất với mục tiêu phát triển kinh tế của TP.

Với cách làm này TP bán được khu đất Trường tiểu học Nguyễn Thái Học với giá tốt nhất (dự án 1) và chọn được công ty thi công xây dựng trường học tốt nhất (dự án 2). Quan trọng hơn nữa, đây là cách thức minh bạch trong việc thực hiện đầu tư phát triển đô thị trên các khu đất công theo chủ trương của Chính phủ và TP, thay vì để cho Công ty TNHH đầu tư A&B tự xây dựng đề án.

Không thể đánh đồng

* Mỗi trường phổ thông là nơi học hành cho trẻ em ở quanh khu vực trường, của cư dân trên địa bàn, là cuộc sống văn hóa - giáo dục của hàng ngàn hàng vạn dân cư. Không thể đánh đồng đất dành cho trường học với đất kinh doanh để rồi tiến hành đổi chác. “Đất vàng” có thể có nhưng chỉ đúng với các nhà kinh doanh, chứ trường học vẫn là trường học, vẫn luôn là nơi luyện vàng cho tương lai, cho đất nước. Trường hợp Trường Nguyễn Thái Học, tại sao phải dời ở khuôn viên 4.000m2 sang 2.500m2 để phục vụ kinh doanh? Nếu vậy phải loại bớt bao nhiêu học sinh? Đâu rồi câu nói tuyệt vời làm nức lòng và là niềm tự hào của người dân thành phố mang tên Bác: Cái gì tốt nhất thì dành cho trẻ em? Nếu không đầu tư nâng cấp tốt hơn, kính đề nghị thành phố hãy để yên cho các trường phổ thông.

Không xây thêm lại còn đánh đổi

* Không xây thêm thì thôi, tại sao lại đánh đổi với môi trường giáo dục của TP nói riêng và của cả nước nói chung. Có nhiều người nông dân còn biết suy nghĩ và nhìn thấy tầm quan trọng của ngôi trường là nền tảng của sự giáo dục các thế hệ tương lai của đất nước. Vì thế, dù nghèo đói, còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn can đảm hi sinh để hiến những mảnh đất của tổ tiên để lại nhằm mục đích xây dựng những ngôi trường mới, góp phần vào việc phát triển ngành giáo dục. Thế thì tại sao TP.HCM lại có những chủ trương ngược đời như vậy?

Phải cụ thể

* Trường học phải là nơi ổn định nhất vì bản chất nó là công trình văn hóa. Trường Nguyễn Thái Học không nằm trong vùng quy hoạch đặc biệt, không làm ảnh hưởng giao thông, môi trường. Vì vậy, việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục là đúng nhưng phải hợp lý, trước hết là các trường bị quá tải, cơ sở xuống cấp, hẹp, ảnh hưởng đến quá trình dạy và học, chứ không phải kinh doanh bất động sản. Nếu như cứ nói nơi mới tốt hơn nơi cũ thì phải nêu ra cụ thể: diện tích, điều kiện địa lý, hạ tầng cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị thế nào, do hãng nào, nước nào sản xuất..., tránh tình trạng nói chung chung, định tính.

Ông CAO HUY THẢO(hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên