20/12/2018 11:22 GMT+7

Vũ Đình Rạng - phi công đầu tiên trên thế giới bắn 'pháo đài bay' B52

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Nhiều năm sau chiến tranh, người Mỹ mới thừa nhận ông Vũ Đình Rạng là phi công lái Mig-21 đầu tiên trên thế giới tiếp cận được với B52, bắn thẳng vào 'pháo đài bay bất khả xâm phạm' của Mỹ.

Vũ Đình Rạng - phi công đầu tiên trên thế giới bắn pháo đài bay B52 - Ảnh 1.

Sự thân thiết của hai con người từng là kẻ thù trên bầu trời khi gặp nhau sau 47 năm: ông và ông Volker - Ảnh: MY LĂNG

Nếu hôm đó ông Rạng bắn rơi chúng tôi, hôm nay tôi không còn được ở đây nói chuyện cùng ông về chuyện ngày xưa nữa. Tôi và tổ bay sáu người trên B52, mỗi người nợ ông một cuộc đời đấy

Ông VOLKER

Đêm 27-12-1972, Phạm Tuân - phi công Mig-21 - được cho là người đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên trong chiến dịch '12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không'.

Nhưng phi công Mig-21 đầu tiên trên thế giới tiếp cận được và bắn được B52 lại là một người khác trong chuyến xuất kích một năm trước đó, đêm 20-11-1971.

"Bắt sống" đối phương tháng 10-2018, sau 47 năm

Người phi công ấy là Vũ Đình Rạng (trung đoàn 921, sư đoàn 371). Nhiều năm sau chiến tranh, người Mỹ mới thừa nhận ông là phi công lái Mig-21 đầu tiên trên thế giới đã tiếp cận được với B52 và bắn thẳng vào " bất khả xâm phạm" của Mỹ.

Thời điểm đó, không thấy xác máy bay, không bắt được giặc lái. Phía Việt Nam hoàn toàn không có thông tin nào về số phận hai "pháo đài bay" B52 bị phi công Vũ Đình Rạng bắn.

Cho đến 47 năm sau, tháng 10-2018, cựu phi công chiến đấu Vũ Đình Rạng mới "bắt sống" được ông David Robert Volker - người lái chiếc máy bay B52 đó, khi ông Volker đến Việt Nam cùng nhóm cựu phi công chiến đấu Hoa Kỳ. Khi gặp nhau, hai ông lập tức hỏi nhau về những uẩn khúc của tình huống đêm đó.

Câu chuyện được mổ xẻ từ các góc độ chuyên môn sâu mà chỉ có họ mới diễn tả được: Tại sao đêm đó Mig-21 lại tiếp cận được B52? Hệ thống phòng thủ bảo vệ B52 của Mỹ đã mắc phải những sai lầm nào? Kết quả của trận đánh đối với số phận của những người trong cuộc và cái giá phải trả? Và quan trọng nhất: kết quả của trận đánh nằm ở đâu?

Ông Vũ Đình Rạng, nay đã 73 tuổi, kể: "Mỗi buổi chiều, chúng tôi thay phiên nhau bay chuyển sân bí mật vào các sân bay tiền tiêu ở Khu Tư. B52 xuất hiện thì chúng tôi cất cánh đánh chặn, không tìm thấy B52 thì quay về hạ cánh tại các sân bay phía Bắc.

Cơ quan tác chiến Hoa Kỳ nhận ra quy luật này: Mig luôn luôn chỉ có một chiếc trực phục đâu đó trong vùng cán xoong, khi cất cánh săn B52 xong thì sẽ quay ra Bắc, và nghĩ rằng Bắc Việt đã hết Mig trực đánh đêm từ các sân bay tiền tiêu! Biết được điều đó, chúng tôi đã tạo ra một cái bẫy".

Ông Rạng cho biết đêm 20-11-1971, hai máy bay trực tại sân bay Anh Sơn và Vinh. "19h40, khi thấy có tín hiệu của B52, Sở Chỉ huy lệnh cho anh Hoàng Biểu ở sân bay Vinh cất cánh lên đánh chặn B52, sau đó quay ra Nội Bài hạ cánh. Còn tôi nằm phục tại sân bay Anh Sơn. Nghĩ rằng không còn Mig nữa nên một tiếng sau, 20h40, B52 ung dung bay vào" - ông Rạng nhớ lại.

Nghe đến đây, ông Volker mỉm cười đầy sửng sốt về bất ngờ vừa được tiết lộ này sau gần 50 năm. Ông cho biết đêm hôm đó, máy bay của ông là máy bay chỉ huy trong biên đội mang tên Copper gồm ba chiếc B52, bay ở ba độ cao. Mỗi chiếc cách nhau 15 giây bay. Biên đội Copper xuất phát từ sân bay Utapao (Thái Lan) hướng về Việt Nam, được một biên đội tiêm kích F4 bay yểm trợ để chặn Mig.

"Nghĩ là không có Mig nữa, chúng tôi chủ quan, mở cả đèn hàng hành để giữ đội hình. Ngay sau khi vừa cất cánh lên, máy bay tôi bị hỏng rađa nên phải để chiếc bay ở vị trí số hai làm đội trưởng. Bình thường tôi luôn mở một lúc hai kênh liên lạc, nhưng thế nào hôm ấy lại không mở kênh cảnh giới từ hải quân, nên mọi thông báo nguy hiểm về Mig đều không nghe!

B52 có 15 máy gây nhiễu. Nhưng hôm đó sĩ quan tác chiến điện tử chủ quan tới mức tắt cả máy gây nhiễu chống rađa của Mig nữa chứ!" - ông Volker kể.

Nghe vậy, đại tá phi công Từ Đễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thắc mắc: "Thế xạ thủ 20mm ở đuôi làm gì mà không thấy Mig?".

Ông Volker phẩy tay bảo: "Cậu ta... ngủ gật!". Ông Vũ Đình Rạng thắc mắc: "Hôm đó ông có thả thiết bị bẫy nhiệt bay sau đuôi không?". Ông Volker cười, đáp: "Không! Chúng tôi lúc đó bị ma ám hay sao ấy".

Bình thường B52 có bẫy nhiệt đeo dưới bụng máy bay. Khi vào vùng nguy hiểm, B52 sẽ bật bẫy nhiệt. Bẫy nhiệt rời ra khỏi máy bay nhưng vẫn nối với máy bay bằng dây xích. Bẫy nhiệt phát nhiệt rất lớn để nhử tên lửa. Những lần trước, phi công luôn thả bẫy nhiệt nên tất cả tên lửa của Việt Nam cứ nhằm vào bẫy nhiệt mà lao đến.

Tình huống bất ngờ

Trong khi biên đội B52 ung dung bay vào thì ở sân bay Anh Sơn, phi công Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh. Để tiếp tục đánh lừa hệ thống cảnh báo của hải quân Mỹ ngoài biển, trong quá trình bay, ông Rạng không liên lạc với Sở Chỉ huy.

"Khi đến địa phận Đô Lương, máy bay đang ở độ cao 1.500-2.000m, tôi bắt được mục tiêu B52 rất rõ. Sở Chỉ huy ra lệnh tôi lên độ cao 9.000m và cho phép tôi tiếp cận B52. Suốt quá trình đó, tôi cứ nghe thông báo mục tiêu phía trước 40km, 30km rồi 15km..." - ông Rạng kể.

Khi cách mục tiêu 10km, phi công Vũ Đình Rạng bật rađa lên và sững sờ thấy màn hình xuất hiện tới... ba chiếc B52! Ông Rạng bảo: "Tôi lập tức cảm giác như đứng tim: sao lại có thời cơ như thế này! Mong muốn của phi công chúng tôi là gặp B52 để bắn rơi, mà không ngờ lại gặp được dễ dàng như thế. Không chỉ một mà là ba chiếc!

Khi phát hiện ra B52, tôi tập trung tinh lực điều khiển. Tiếp cận với tốc độ siêu âm 1.400km/h và khi cách mục tiêu 2km thì tôi phóng quả tên lửa tầm nhiệt. Tôi nhìn thấy quả tên lửa ra khỏi cánh máy bay, lao vào mục tiêu và thấy vệt nổ. Sau đó tôi làm động tác kéo máy bay lên cao.

Nhìn sang bên phải thấy một máy bay B52 khác, trên lưng nó nhấp nháy đèn, tôi tiếp tục lao xuống. Tôi phóng nốt quả nữa vào mục tiêu và thoát ly quay về hạ cánh ở sân bay Anh Sơn. Khi hạ cánh, tôi tắt tất cả đèn để không bị lộ mục tiêu và nghe thấy tiếng ù ù của tiêm kích F4 các ông ngay trên đầu".

Ông Rạng nói đến đây, ông Volker hào hứng kể tiếp để hoàn thiện tình huống đầy bất ngờ đó: "Thì ra là vậy. Hèn chi lúc đó chỉ còn 30 phút nữa là đến điểm thả bom thì tôi nhận lệnh của đài số 1 báo "chuyển hướng ngay lập tức" mà không biết tại sao.

Và đó là lúc chiếc Mig-21 của ông Rạng đây xuất hiện! Khi tôi đang vòng 90 độ thì nghe "pằng" một phát! Tiếng nổ rất gần nhưng cái gần này kiểu như ném lựu đạn thôi. Sau này về đến Utapao mới biết thùng dầu phụ bên cánh trái bị bắn thủng và toàn bộ dầu bên cánh đó mất hết. Nhưng lúc đó chúng tôi không biết bị trúng tên lửa. Chúng tôi thả bom không nổ cho nhẹ và lấy hướng về Thái Lan".

Cơn chấn động khiến B52 phải dừng bay 4 tháng

Ông David Robert Volker khẳng định đó là lần đầu tiên trên thế giới, B52 của Hoa Kỳ bị phi công Mig-21 tiếp cận được và bắn bị thương.

"Với Hoa Kỳ, đó là một cơn chấn động. Chúng tôi từng tuyên bố B52 là bất khả xâm phạm, không có vũ khí nào có thể tấn công được! Nhưng giờ đây B52 đã bị không quân Bắc Việt bắn trúng! Nhưng không ai muốn thừa nhận thất bại của mình. Nước Mỹ phải bảo vệ danh dự. Đó cũng là bí mật quốc gia nên chúng tôi không dám công bố B52 bị Mig-21 tấn công" - ông Volker nói.

Đó là lý do sau đó báo chí phương Tây hoàn toàn im lặng. Lực lượng không quân Việt Nam không có chút thông tin nào về số phận của hai chiếc B52 bị ông Rạng bắn vào đêm 20-11-1971.

Thế nên, thời điểm đó chiến công của ông Vũ Đình Rạng không được nhìn nhận. Về chiếc B52, sau khi hạ cánh ở Thái Lan thì cũng không thể sử dụng được nữa.

Ông Volker cho hay: "Cùng thời điểm tôi bị bắn, trên trời có một trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đang bay và nghe được chuyện B52 bị Mig bắn bị thương. Sau đó, hàng loạt chỉ huy liên quan bị cách chức! Chúng tôi phải chấn chỉnh lại toàn bộ các chỗ hở về kỹ chiến thuật trên máy bay B52".

Sự kiện chấn động đó khiến Hoa Kỳ phải lệnh cho dừng toàn bộ B52 một thời gian rất dài (bốn tháng) để nghiên cứu tìm cách chống Mig. Và điều đó đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, cung cấp vũ khí, khí tài, đạn dược trên con đường 559 vào chiến trường miền Nam, đặc biệt là chiến dịch Quảng Trị năm 1972.

"Mục đích của việc đánh B52 là làm cho nó không dám bén mảng ra Bắc cản trở tuyến đường vận chuyển 559. Cho nên việc khiến cho B52 phải dừng bay trong bốn tháng đã là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi.

Trước đó, nhiều người cứ nghĩ phải bắn rơi máy bay địch mới là mục tiêu cao nhất. Nhưng tôi cho rằng hoàn thành nhiệm vụ mới là mục tiêu cao nhất" - đại tá phi công Từ Đễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, khẳng định.

Hà Nội những ngày B52...

TT - Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đặc biệt trong cuộc tập kích chiến lược pháo đài bay B52 năm 1972 của không lực Hoa Kỳ vào Hà Nội, suốt 12 ngày đêm nhà báo nhiếp ảnh Chu Chí Thành (hiện là chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN) luôn có mặt trên nóc các nhà cao tầng, các góc phố để ghi lại những hình ảnh người dân Hà Nội phải gánh chịu...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên