Sau khi nhiều lãnh đạo phương Tây đến Ukraine trong hơn hai năm qua, thủ tướng Hungary, chính trị gia thân Nga nhất trong khối EU và NATO, cũng là người từng nhiều lần chỉ trích việc viện trợ quân sự cho Kiev, mới đặt chân đến đây.
Đề xuất bất khả thi
"Mục tiêu nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary là góp phần giải quyết những thách thức mà Liên minh châu Âu đang đối mặt. Vì vậy, tôi có chuyến đi đầu tiên đến Kiev" - ông Orban tuyên bố khi gặp ông Zelensky, khẳng định cuộc xung đột Nga - Ukraine là "vấn đề quan trọng nhất đối với châu Âu".
Trong cuộc gặp, thủ tướng Hungary khẳng định ông ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine đã được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ hồi tháng 5-2024, trong đó Kiev khẳng định Nga phải rút quân hoàn toàn.
Tuy nhiên, ông Orban nói việc này sẽ mất thời gian. "Tôi đề nghị tổng thống cân nhắc về lệnh ngừng bắn để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình" - ông Orban nói, đồng thời nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn này sẽ "có thời hạn".
Ông Zelensky không phản hồi và thậm chí không nhắc đến điều này trong họp báo. Văn phòng của ông sau đó cho rằng đây không phải lần đầu tiên Ukraine nhận đề xuất đó.
Họ nhắc đến đề xuất mới đây của Pháp muốn ngừng bắn ở Ukraine và Dải Gaza trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic, nhưng Kiev vẫn theo đuổi giải pháp của mình.
"Ukraine thực sự muốn hòa bình... và chúng tôi đã có công cụ là hội nghị thượng đỉnh hòa bình", Reuters dẫn lời cố vấn Ihor Zhovkva của ông Zelensky.
Nhà lãnh đạo Ukraine đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ quốc tế dành cho kế hoạch chấm dứt chiến tranh của mình, bao gồm yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn, kể cả ở bán đảo Crimea mà Matxcơva đã sáp nhập năm 2014, và bồi thường cho những thiệt hại kể từ tháng 2-2022.
Giới phân tích cho rằng lời kêu gọi của ông Orban muốn ngừng bắn trước khi cuộc đàm phán hòa bình thực sự bắt đầu là điều không thể trong bối cảnh hiện nay.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Ukraine từ bỏ thêm nhiều lãnh thổ ở miền Nam và miền Đông nếu Kiev muốn ngừng chiến, nhưng ông Zelensky đã bác bỏ.
Nước đi khôn ngoan?
Trong khi đó, nhà cựu ngoại giao Zsomber Zeold của Hungary cho biết hẳn nhiều người hoàn toàn bất ngờ về chuyến thăm của ông Orban sau một thời gian dài phản đối Kiev ra mặt.
"Lời giải thích hợp lý nhất là ông ấy muốn xây dựng sự tín nhiệm trong Liên minh châu Âu chứ không chỉ là một bên phiến diện, thân Nga", ông Zeold nói với tờ New York Times.
Tương tự, ông Peter Kreko, lãnh đạo nhóm nghiên cứu Political Capital ở Budapest, mô tả chuyến đi là một "bất ngờ khôn ngoan" giúp Hungary thân thiết hơn với phần còn lại của châu Âu. "Ông ấy biết việc đến thăm Zelensky là tín hiệu để trở thành thành viên của câu lạc bộ", ông Kreko nói.
Giới quan sát cho biết trong cuộc gặp ông Zelensky, ông Orban tránh đề cập việc kêu gọi Ukraine đầu hàng. Ông không nhắc đến vấn đề cộng đồng thiểu số Hungary ở Ukraine - một vấn đề trước đây nhiều lần gây căng thẳng, và thậm chí còn cảm ơn ông Zelensky đã lắng nghe ý kiến của ông về việc ngừng bắn.
Nhà lãnh đạo Hungary nhấn mạnh ông muốn bỏ lại những cãi vã trong quá khứ để có "mối quan hệ tốt đẹp hơn" giữa Hungary và Ukraine.
Dù vậy, giới phân tích phương Tây vẫn hoài nghi về sự thay đổi của Hungary sau chuyến thăm. GS Zgut-Przybylska cho biết chuyến đi của ông Orban chỉ là "vũ điệu chim công" của Hungary, nghiêng về các phía khác nhau tùy theo thời điểm, và sẽ chẳng có sự thay đổi nào. "Sự phụ thuộc năng lượng của Hungary vào Nga sẽ vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết", ông nhận định.
"Các chính sách của ông ấy hướng đến lợi ích mạnh mẽ. Dù thảo luận về cách chấm dứt chiến tranh là rất quan trọng, lời kêu gọi ngừng bắn của ông Orban là vô ích vì người Ukraine sẽ chỉ chấp nhận một nền hòa bình công bằng.
Ông ấy có thể sẽ tiếp tục chính sách thân thiện với Nga, Trung Quốc và Trump", nhà phân tích Andreas Bock nhận định với Đài DW (Đức). "Hiện nay, ông ấy muốn sử dụng chức vụ chủ tịch Hội đồng châu Âu của Hungary làm nền tảng cho các đề xuất hòa bình mang lại lợi ích lớn cho Nga", bà Bock bình luận.
Niềm tin vào ông Zelensky giảm sút trên toàn cầu
Trong khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew tại 35 quốc gia, số người đặt niềm tin vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày càng giảm.
Kết quả chung cho thấy 46% không hoặc ít tin tưởng vào ông Zelensky, trong khi 40% tin vào ông. Khảo sát cũng cho thấy sự chia rẽ ở Mỹ, khi 24% cho rằng Washington cung cấp quá ít vũ khí cho Kiev trong khi 31% cho là quá nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận