02/04/2018 15:21 GMT+7

Vụ điệp viên bị đầu độc: Ai hưởng lợi khi nổ ra đối đầu với Nga?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Thủ tướng Anh Theresa May đang thúc đẩy một màn đối đầu quy mô toàn cầu với Nga sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal. Câu hỏi là ai có lợi trong cuộc chơi chính trị này?

Vụ điệp viên bị đầu độc: Ai hưởng lợi khi nổ ra đối đầu với Nga? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May - Ảnh: AFP

Nhà báo người Mỹ Patrick Lawrence đã trả lời câu hỏi trên trong một bài phân tích thú vị đăng trên chuyên trang phân tích Salon của Mỹ. Tuổi Trẻ Online lược dịch lại ý kiến của ông:

Anh, Mỹ, Canada, Úc, châu Âu và thậm chí NATO "đánh hội đồng" dựa trên vụ án Skripal trong suốt một tuần qua, vượt qua mọi tiên lượng xấu nhất thời điểm sau khi vụ việc xảy ra ngày 4-3.

Trục xuất ngoại giao, triệu hồi đại sứ, những lời đe dọa về hậu quả nối tiếp nhau... Nó bắt đầu trông có vẻ giống một đợt tấn công phối hợp và toàn diện chống lại "nước Nga của ông Vladimir Putin".

Tính đến đầu tháng 4-2018, đã có ít nhất 150 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi 27 quốc gia, một số tuy không làm lớn nhưng cũng mang tính biểu tượng. Nhóm Scandinavia, trừ Đan Mạch, mỗi nước trục xuất 1 người, phần lớn Đông Âu cũng vậy.

Úc và Đan Mạch trục xuất 2 người, Canada 4 người. Các nước nhỏ như Slovakia, Malta thì triệu hồi đại sứ từ Matxcơva về nước "để tham vấn". Rồi đến NATO tuyên bố cắt giảm phái bộ thường trực của Nga từ 30 xuống còn 20 người.

Có thể suy luận rằng các động thái leo thang sẽ tiếp tục xuất hiện, sớm thôi. Anh và Iceland tuần trước thông báo sẽ không gửi phái đoàn chính thức tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup tổ chức ở Nga mùa hè này.

Đây có thể là tín hiệu gợi ý liên minh phương Tây sẽ chọn cách tẩy chay World Cup trong bước đi kế tiếp chống lại Nga. Chúng ta sẽ phải chờ xem.

Vụ điệp viên bị đầu độc: Ai hưởng lợi khi nổ ra đối đầu với Nga? - Ảnh 2.

Cô Yulia Skripal và ông Sergei Sekripal trước khi bị - Ảnh: REUTERS

Nếu nhìn lại sự việc từ khi mọi thứ bắt đầu, có một điều khá rõ ràng: Sau khi hai cha con ông Sergei Skripal bị ám hại, Thủ tướng Anh Theresa May đã làm căng vụ việc một cách lộ liễu, biến nó thành cuộc khủng hoảng London - Matxcơva chỉ trong vài ngày.

Không có bằng chứng nào đưa ra, mọi thứ có vẻ được suy diễn một cách hời hợt. Không ai nhìn thấy chất độc thần kinh trừ chính quyền Anh. Không ai giải thích làm cách nào chỉ trong vài ngày, phòng thí nghiệm Bộ Quốc phòng Anh có thể định danh được chất độc, trừ khi họ đã có sẵn trong tay.

Khả năng Cục Tình báo hải ngoại Anh (MI6) chịu trách nhiệm vụ tấn công cha con ông Skripal (nếu xét bản chất gián điệp hai mang của ông này) nghe hợp lý nhất về mặt logic. Nhưng không ai bàn đến khả năng này cho đến khi một quan chức cao cấp của Nga, trong một cử chỉ thể hiện sự mất kiên nhẫn của Matxcơva, lên tiếng hồi tuần trước.

Trên mặt báo chí Anh, những lời đề nghị liên tục của Nga về hợp tác điều tra bị biến thành những lời từ chối liên tục. Dân Anh có vẻ như không còn phân biệt được đâu là lời nói dối.

Những diễn biến trong tuần trước gợi ý rằng có điều gì đó mờ ám sau bức màn. Nếu nhìn vào màn phối hợp trục xuất nhanh - gọn - lẹ, người ta không thể không tự hỏi liệu vụ Skripal có phải đã được lên kế hoạch trước bởi liên minh phương Tây để dùng như một cái cớ khiêu khích?

Vụ điệp viên bị đầu độc: Ai hưởng lợi khi nổ ra đối đầu với Nga? - Ảnh 3.

Cuộc đối đầu Anh - Nga đang kéo cả thế giới phương Tây vào cuộc. Liệu đây là một âm mưu? - Ảnh: REUTERS

Ít ra thì đó là điều Matxcơva đang cố chỉ ra vào thời điểm này. Tiếc là công chúng sẽ không thể biết được sự thật. Tuy nhiên, có một số thực tế có thể khẳng định ngay, tôi đề xuất 3 thứ sau đây:

Một, vụ án Skirpal là sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc của nền pháp lý điện đại, vốn được bảo vệ trong thế giới phương Tây, bao gồm xét xử công bằng, suy đoán vô tội và quyền được phản bác.

Các chính phủ có liên quan nghĩ gì về các nguyên tắc trên? Như chúng ta đã biết trong nhiều thập kỷ, câu trả lời trong trường hợp này là "Không có gì hết, trừ khi nó có lợi cho mục đích của chúng tôi".

Hai, có một thứ quan trọng chúng ta cần nhớ: Không có sức mạnh đối lập nào chống lại chủ nghĩa bài Nga đang thống trị thế giới phương Tây, riêng người Mỹ chắc chắn không ai quan tâm.

Mọi thứ đang trở nên nguy hiểm nếu đặt trong những diễn biến tuần qua. Phe Dân chủ của Mỹ phát hiện ra việc chỉ trích Nga và nhà lãnh đạo Putin là một cách vô cùng tiện lợi để hàn gắn vết nứt giữa hai phe cánh của ông Bernie Sanders và bà Hillary Clinton.

Ba, Lầu Năm Góc chọn ngay dịp này để công bố kế hoạch của NATO chuẩn bị các lực lượng không, thủy và bộ để triển khai nhanh chống lại "sự hung hăng của Nga".

Năm ngoái, NATO triển khai 4.600 lính đến Ba Lan và các nước Baltic và chẳng ai than phiền đó là "hung hăng" dù khoảng cách động binh rất gần với biên giới phía tây của Nga.

Nhưng Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis chưa bao giờ coi đó là đủ. Con số mới bây giờ là: 30.000 lính triển khai nhanh, hỗ trợ bởi 30 chiến hạm và 360 máy bay thường trực!

Nếu tôi nhìn đúng sự việc, chúng ta đang chứng kiến khởi đầu của một chiến dịch lâu dài đẩy Nga vào thế bị cô lập ngoại giao. Cũng đúng nếu xem đây là phản ứng của phương Tây trước thực tế lệnh cấm vận không phá nổi nền kinh tế Nga.

Nhưng đó không phải vấn đề chính, khi trời sắp vào Hạ, chúng ta sẽ chứng kiến NATO một lần nữa đẩy căng thẳng dọc theo biên giới với Nga lên một mức nguy hiểm mới.

Liệu đây có phải là đề khúc cho một chương thảm họa mới trong lịch sử nhân loại?

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: skripal Nga Anh NATO Mỹ Putin