28/03/2014 09:24 GMT+7

Vụ Diễm Hương: Bắt quá khứ trả nợ cho hiện tại

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Khi Công ty Cát Tiên Sa gửi thông báo cho báo chí với nội dung Diễm Hương rút lui khỏi bộ phim Mỹ nhân Sài thành, đa số mọi người đều hiểu đây là hệ lụy của những tai tiếng liên quan đến việc kết hôn mà Diễm Hương đã giấu khi làm hồ sơ tham dự Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2012.

45fcXqUH.jpgPhóng to
Hoa hậu Diễm Hương (giữa) tại cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 - Ảnh: T.T.D.

1 Diễm Hương vi phạm quy chế thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2012 mà cô là thí sinh đại diện cho VN nên ngay sau khi thẩm tra, ngày 7-3 Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã có văn bản gửi sở VH-TT&DL các địa phương, yêu cầu: “Tạm dừng cho phép bà Lưu Thị Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đẹp, người mẫu”.

Trao đổi với báo chí ngày 21-3, ông Nguyễn Đăng Chương - cục trưởng Cục NTBD - cho biết cục còn tiếp tục gửi văn bản sang Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị tạm ngừng các hoạt động quảng cáo, đóng phim của hoa hậu Diễm Hương (Tuổi Trẻ ngày 7 và 22-3). Đồng thời, trả lời trên báo (sau công văn ngày 21-3 của Công ty cổ phần Vinpearl - ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 mà Diễm Hương là hoa hậu - xin ý kiến về việc họ sẽ phải hành xử ra sao trước sai phạm của Diễm Hương), ông Chương cũng cho biết: Ban tổ chức Hoa hậu thế giới người Việt có quyền tước vương miện của hoa hậu Diễm Hương, sau khi nhận được sự chấp thuận từ cục vì Diễm Hương tham dự cuộc thi này năm 2010, thời điểm chưa có nghị định 79 nên vẫn áp dụng nghị định 87.

Như vậy là, để trả giá cho việc đã kết hôn mà không trung thực khi khai báo thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2012, hoa hậu Diễm Hương ngoài việc bị cấm biểu diễn nghệ thuật (không có thời gian cụ thể cấm bao lâu), mất vai diễn trong phim truyền hình 45 tập Mỹ nhân Sài thành (khi phim đã quay được hơn 20 tập), cô còn có nguy cơ bị tước vương miện hoa hậu của cuộc thi mà cô đoạt giải từ bốn năm trước. Đáng lưu ý, cuộc thi mà Diễm Hương đoạt hoa hậu diễn ra năm 2010, trong khi Diễm Hương kết hôn ngày 21-11-2011 (theo giấy chứng nhận kết hôn tại UBND P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Hệ lụy liên đới mà Công ty Cát Tiên Sa phải chịu trong vụ này có thể đong đếm bằng tiền ngay lập tức vì hơn 20 tập phim quay xong mà thay vai thì ai cũng biết tiền đổ vào để làm lại từ đầu là không nhỏ.

Mỹ nhân Sài thành là một phim truyền hình VTV đặt hàng Cát Tiên Sa sản xuất. Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ thì điều đó có nghĩa là Cát Tiên Sa đã phải trình duyệt kịch bản, phương án sản xuất, trong đó bao gồm cả bảng phân vai từng diễn viên để VTV duyệt. Đồng thời, thỏa thuận sản xuất cũng có một ý đã được ghi thành văn bản là nhà sản xuất phải lưu ý rằng các thành viên tham gia đoàn phim như diễn viên chính, đạo diễn phải đảm bảo về tư cách - cả về đạo đức lẫn pháp luật - để không ảnh hưởng đến việc phát sóng phim sau này! Công việc này đã làm xong từ năm 2013 trước khi đạo diễn Lê Cung Bắc khởi quay. Và quay được 20 tập thì công văn “ngưng diễn” được thông báo.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, sau công văn của cục, ngày 14-3 phía VTV đã yêu cầu nhà sản xuất Mỹ nhân Sài thành phải có phương án xử lý. Ngày 20-3, nhà sản xuất gửi cho VTV đề xuất thay thế Diễm Hương bằng Ngân Khánh. Ngày 25-3, sau khi thẩm định xong, VTV đã đồng ý với phương án trên.

2 Nhưng giữa khoảng thời gian của các quyết định trên, báo Đất Việt Online (dẫn lại từ báo khác) cho biết: “Sau quyết định cấm diễn của Cục NTBD, đơn vị sản xuất phim truyền hình Mỹ nhân Sài thành đã gửi công văn lên cục để xin phép cho hoa hậu Diễm Hương được tiếp tục đóng phim với lý do cô tham gia dự án này trước khi xảy ra xìcăngđan ly hôn chồng, đồng thời để đoàn phim không bị thiệt hại về sức lực và tiền bạc. Tuy nhiên, phía Cục NTBD cho rằng nếu bộ phim đang ở giai đoạn cuối thì cục sẽ xem xét để xử lý sao cho vẫn đảm bảo được lợi ích của doanh nghiệp. Riêng Mỹ nhân Sài thành mới thực hiện được nửa chặng đường nên cục yêu cầu đơn vị sản xuất chọn lựa diễn viên khác...”.

PV Tuổi Trẻ đã liên lạc với Công ty Cát Tiên Sa - đại diện nhà sản xuất, họ thừa nhận có gửi công văn xin ý kiến cục nhưng rất dè dặt phát ngôn và không cung cấp cho báo chí nội dung công văn trên. Cũng dễ hiểu quyết định này của Cát Tiên Sa vì họ còn rất nhiều hoạt động khác liên quan đến những quyết định cấm hay không cấm của Cục NTBD, và không phải ai cũng dám lên tiếng phản ứng với cục như cách Công ty Rồng Việt đã khởi kiện Cục NTBD ra tòa (Tuổi Trẻ ngày 22-3). Ngày 27-3, Diễm Hương cùng người quản lý của cô cũng đã tắt điện thoại, từ chối chia sẻ thêm thông tin.

Đằng sau hành vi thiếu trung thực của một hoa hậu, cái cần phải xem xét là những quyết định liên tiếp (bằng văn bản, bằng miệng khi trả lời báo chí) từ Cục NTBD đối với Diễm Hương (mà có người đùa là “truy đuổi đến cùng”) có đúng pháp luật? Đây không phải là lần đầu tiên một cá nhân tham gia showbiz Việt bị vướng lệnh cấm biểu diễn từ Cục NTBD (câu chuyện luật pháp ở đây có lẽ sẽ còn phải tranh cãi), nhưng cách hành xử trong vụ việc này có lẽ là cách bắt quá khứ phải trả giá cho hiện tại và thiệt hại sẽ không chỉ nằm ở riêng phía Diễm Hương!

Quyết định của Cục NTBD không có cơ sở pháp lý

Quyết định cấm Diễm Hương “tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật” vì sai phạm trong cuộc thi hoa hậu của Cục NTBD có cơ sở pháp lý không? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của hai luật sư:

* Quyết định cấm của Cục NTBD hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, là hành vi vi phạm pháp luật, nó tước đoạt quyền tự do lao động của công dân một cách vô căn cứ. Các công chức của Cục NTBD chỉ được phép ra một văn bản với hình thức và nội dung mà luật quy định rõ là mình được hoặc phải làm. Đó là nguyên tắc của pháp quyền. Ra một quyết định cấm mà không nêu căn cứ pháp luật cũng là hành vi vi phạm pháp luật của Cục NTBD, tôi cho rằng rất nghiêm trọng.

* Việc Lưu Thị Diễm Hương không trung thực khi khai hồ sơ dự thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới năm 2012, hành vi này đáng bị chê trách. Tuy nhiên, để xử lý hành chính việc này nhất thiết phải có quy định pháp luật và việc xử lý phải theo một trình tự thủ tục rất cụ thể. Theo hiểu biết của tôi, không có quy định pháp luật nào quy định rằng với lỗi như thế, hoa hậu Diễm Hương sẽ bị tạm dừng “tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu” như văn bản của Cục NTBD.

Mà ngay cả nếu văn bản “tạm dừng” trên của cục có hiệu lực thì cũng không thể buộc hoa hậu Diễm Hương dừng vai diễn trong bộ phim đang quay. Do hoạt động đóng phim của diễn viên không phải là “hoạt động biểu diễn nghệ thuật” (tại khoản 1 điều 2 của nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định “biểu diễn nghệ thuật là trình diễn chương trình, tiết mục, vở diễn trực tiếp trước công chúng của người biểu diễn”).

Thanh tra Bộ VH-TT&DL:

Cục NTBD không có thẩm quyền can thiệp việc Diễm Hương đóng phim

Tối 27-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Xuân Thành (chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL) cho biết: Cục NTBD chỉ có thẩm quyền khuyến cáo sai phạm của Diễm Hương để các đơn vị khác biết chứ không có quyền can thiệp vào việc Diễm Hương đóng phim. Lệnh tạm dừng của cục công bố trước đó cũng chỉ có phạm vi điều chỉnh trong lĩnh vực NTBD. Diễm Hương chỉ vi phạm về NTBD chứ chưa có vi phạm gì trong lĩnh vực điện ảnh.

Ông Thành cho biết thêm: Đối với các chương trình, dự án phim thuộc Bộ VH-TT&DL thì có thể không mời Diễm Hương tham gia. Nhưng đối với các dự án tư nhân thì quyền quyết định mời Diễm Hương tham gia thuộc về các hãng phim và các nhà sản xuất.

Xử phạt là cần thiết, nhưng...

Xung quanh việc xử lý vi phạm của hoa hậu Diễm Hương đang gây ồn ào dư luận, có ba câu chuyện cần chia sẻ:

Thứ nhất, khi Diễm Hương đăng ký dự thi Hoa hậu hoàn vũ năm 2012 mà không khai báo đã kết hôn thì vi phạm đó đáng bị xử lý theo mục đ, khoản 1, điều 19 nghị định 79/CP/2012 “đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi do ban tổ chức quy định” (quy định của ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2012 là thí sinh chưa kết hôn). Hoặc cũng có thể bị xử lý thêm theo quy định tại mục đ, khoản 6, điều 6 “thực hiện hành vi thiếu văn hóa hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại”. Đó là đối với cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2012.

Còn đối với cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 mà Diễm Hương đã tham dự hợp quy định, đã đăng quang ngôi vị hoa hậu và đến nay vẫn là đương kim hoa hậu của cuộc thi này như Công ty Vinpearl khẳng định tại công văn gửi Cục NTBD ngày 21-3 thì khó có thể áp dụng các quy định hiện hành đối với Diễm Hương, vì danh hiệu này cô đạt được từ bốn năm trước và các văn bản có giá trị điều chỉnh đã bị bãi bỏ cùng lúc với việc ban hành nghị định 79/CP/2012 (trừ khi các văn bản đó có quy định: sau khi đăng quang, nếu người đạt danh hiệu có các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cuộc thi thì sẽ bị tước bỏ danh hiệu).

Thứ hai, trong nghị định 79/CP/2012 không có quy định nào đặt ra để cấm Diễm Hương đóng phim như đã quy định ở các mục, khoản, điều đã nêu ở câu chuyện thứ nhất.

Thứ ba, giả như Cục NTBD cần xử phạt Diễm Hương vì hành vi thiếu trung thực khi làm hồ sơ dự thi Hoa hậu hoàn vũ năm 2012 (xử phạt là cần thiết), thì cũng cần phải có thời hạn về hiệu lực mới là đúng đắn chứ không thể dừng ở việc “cấm” một cách vô thời hạn.

Sau ba câu chuyện trên, vẫn còn lời chia sẻ cuối cùng không thể không nói ra. Đó là, làm sai thì phải phạt là đúng. Nhưng đừng quên, xung quanh ta vẫn còn không ít trường hợp gian dối để trộm cắp tài sản công với giá trị từ lớn đến quá lớn nhưng mãi mới được phanh phui và phanh phui rồi mà mãi vẫn chưa được xử lý thỏa đáng; vẫn còn những người quyền cao chức trọng mà gian dối thành tích để được phong danh hiệu cao quý và nhờ những người dũng cảm tố giác nên danh hiệu ấy đã bị thu hồi. Đừng quên, để khi xử phạt hành vi sai phạm nào đó không gây ra suy nghĩ “bên thì quá nặng nề, bên thì nhẹ như không”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên