01/11/2019 09:10 GMT+7

Vụ đấu thầu xây dựng Nhà máy nước thải: Nhà nước có thiệt hại 343 tỉ đồng?

NGỌC ẨN - ĐỨC PHÚ
NGỌC ẨN - ĐỨC PHÚ

TTO - UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện gói thầu XL-02 xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất nước của dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2.

Vụ đấu thầu xây dựng Nhà máy nước thải: Nhà nước có thiệt hại 343 tỉ đồng? - Ảnh 1.

Thi công gói thầu XL-01 - xây dựng tuyến cống bao thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - Ảnh: N.ẨN

Đây là gói thầu thiết kế, xây dựng, vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có công suất xử lý 480.000m3 nước thải/ngày. Tổng mức đầu tư gói thầu XL-02 là 307,3 triệu USD tại P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2), trong đó vay Ngân hàng Thế giới 278,3 triệu USD, ngân sách TP góp 29 triệu USD.

Bỏ thầu thấp nhất bị loại

Tháng 12-2017, Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP (gọi tắt là IMA) đã mở thầu với sự tham gia của 5 liên danh nhà thầu. Tới tháng 3-2019, IMA ký kết hợp đồng chọn nhà thầu bỏ giá thấp thứ hai trúng thầu là liên danh Acciona - Vinci với giá 240,64 triệu USD. 

Ngay sau đó, liên danh Samsung (Hàn Quốc) - Kolon (Hàn Quốc) - TSK (Nhật Bản), đơn vị bỏ giá thấp nhất là 222,8 triệu USD, đã gửi đơn khiếu nại.

Theo liên danh này, IMA thông báo liên danh không đủ điều kiện (chọn thầu) và không giải thích chi tiết. Trong khi đó, IMA cho rằng liên danh Samsung - Kolon - TSK có mâu thuẫn lợi ích tư vấn đấu thầu khi một thành viên là Công ty TSK có nắm giữ 2,32% cổ phần ở đơn vị tư vấn đấu thầu là Công ty Nippon Koei.

Tuy nhiên, IMA cũng thừa nhận trong quá trình lựa chọn nhà thầu đã có sự thay đổi đơn vị tư vấn đấu thầu. Cụ thể, lúc đầu tư vấn là Công ty tư vấn CEEM, sau đó thanh lý hợp đồng và chọn tư vấn mới là Công ty Nippon Koei. 

Trước khi thay đổi tư vấn, liên danh Samsung - Kolon - TSK đã nộp hồ sơ sơ tuyển và vẫn được đánh giá đạt sơ tuyển và không nhận được thông báo thay đổi tư vấn.

Cục An ninh kinh tế đề nghị xem xét

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP nêu liên danh Samsung - Kolon - TSK cho biết lý do nhà thầu bị loại theo kết luận của Ngân hàng Thế giới (thư ngày 15-2-2019) là Công ty TSK thuộc liên danh trên có xung đột lợi ích với tư vấn đấu thầu của gói thầu là Công ty Nippon Koei.

Nhưng liên danh này cho rằng Công ty TSK chỉ nắm giữ 2,32% cổ phần ở Công ty Nippon Koei, nếu căn cứ theo hồ sơ mời thầu cũng như Luật đấu thầu của VN và quy định của Ngân hàng Thế giới thì phải từ 5% cổ phần trở lên mới "xung đột lợi ích". 

Trong khi chủ đầu tư là IMA nhận định trong hồ sơ mời thầu và hướng dẫn mua sắm đấu thầu không quy định tỉ lệ % sở hữu cổ phần, tức là xung đột lợi ích không xét theo tỉ lệ %.

Theo UBND TP, từ đơn khiếu nại của liên danh nhà thầu, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) nêu ý kiến: Gói thầu XL-02 đã triển khai đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới. IMA đã trao thầu cho liên danh Acciona - Vinci có giá cao hơn liên danh 1 là Samsung - Kolon - TSK 14,76 triệu USD (tương đương 343 tỉ đồng). Lý do theo IMA là có "xung đột lợi ích" như đã nêu.

Tuy nhiên, theo Cục An ninh kinh tế, tại kết quả chấm thầu trước đó của đơn vị tư vấn đấu thầu (sau khi đã thay thế tư vấn Nippon Koei) xác định "không có xung đột lợi ích". Vì vậy, việc lựa chọn liên danh trúng thầu gói thầu XL-02 chưa thật sự thuyết phục, có nguy cơ thất thoát hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước do chênh lệch giá trị hợp đồng.

"Chủ đầu tư không có ý kiến phản hồi và không đề nghị làm rõ kết luận Ngân hàng Thế giới về xung đột lợi ích cho thấy chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong việc đấu tranh với Ngân hàng Thế giới về kết luận xung đột lợi ích và bảo vệ kết quả xét thầu khách quan của đơn vị tư vấn", Cục An ninh kinh tế nêu rõ.

Từ đó, Cục An ninh kinh tế cho biết thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an đề nghị UBND TP xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-02. 

Đồng thời, UBND TP cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với Ngân hàng Thế giới về vấn đề "xung đột lợi ích" của liên danh Samsung - Kolon - TSK nhằm tránh gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước.

Vụ đấu thầu xây dựng Nhà máy nước thải: Nhà nước có thiệt hại 343 tỉ đồng? - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Dự án chậm thêm 3 năm

Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD, trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới là 450 triệu USD, vốn đối ứng tương đương 74 triệu USD.

Dự án gồm nhiều hợp phần như tuyến cống bao dẫn nước thải từ giếng Bờ Đông đến Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại Q.2 (8km); Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày; mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại Q.2.

Theo kế hoạch dự án thực hiện năm 2015 - 2021, tuy nhiên đến tháng 2-2017 mới khởi công gói thầu đầu tiên XL-01 thi công tuyến cống bao. Vì vậy tháng 5-2018, UBND TP kiến nghị các bộ, ngành xem xét trình Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện dự án kết thúc vào tháng 4-2023.

Tiếp đó, việc thực hiện gói thầu XL-02 lại bị chậm nên tháng 7-2019, ban quản lý dự án tiếp tục đề nghị UBND TP kiến nghị Thủ tướng gia hạn thời gian kết thúc dự án đến tháng 6-2024.

Dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 sẽ kết nối với dự án giai đoạn 1 (đã hoàn thành năm 2012) thu gom toàn bộ nước thải lưu vực tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (các quận: 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình) đưa về nhà máy xử lý nước thải thành nước sạch bơm ra sông Sài Gòn, thay vì hiện nay nước thải được bơm thẳng ra sông Sài Gòn.

TP.HCM tính dùng nước thải sau xử lý làm nguyên liệu cho nhà máy cấp nước TP.HCM tính dùng nước thải sau xử lý làm nguyên liệu cho nhà máy cấp nước

TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa có kết luận chỉ đạo liên quan đến đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

NGỌC ẨN - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên