18/09/2020 18:16 GMT+7

Vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn: có thiệt hại hay không?

TUYẾT MAI - TÂM LỤA
TUYẾT MAI - TÂM LỤA

TTO - Đây là vấn đề đang được tranh cãi gay gắt tại phiên tòa xét xử vụ giao đất, cho thuê đất trái quy định tại số 8-12 Lê Duẩn, chiều 18-9.

Vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn: có thiệt hại hay không? - Ảnh 1.

Luật sư cho rằng việc xác định thiệt hại trong vụ án là chưa hợp lý

Cáo trạng vụ án xác định thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là 1.900 tỉ đồng. Khi luận tội, đại diện VKS cũng nhận định riêng thiệt hại do làm mất tài sản trên khu đất số 12 Lê Duẩn, quận 1 là 4,7 tỉ đồng. Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa buộc bị cáo Nguyễn Thành Tài và Lê Thị Thanh Thúy liên đới bồi thường 4,7 tỉ đồng thiệt hại.

Đồng thời đề nghị HĐXX tịch thu hơn 230 tỉ đồng của Công ty Hoa Tháng Năm; thu hồi 157 tỉ của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM để chuyển trả vào ngân sách nhà nước.

Luật sư Nguyễn Thành Công, bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP.HCM, cho rằng việc xác định thiệt hại trong vụ án là chưa hợp lý.

Luật sư cho rằng ông Kiệt hay Sở TN&MT không tham gia vào quá trình phê duyệt chủ đầu tư, do đó cần tách bạch hành vi của ông Kiệt ra khỏi hành vi chọn chủ đầu tư của UBND TP.

Việc không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chuyển sang hình thức liên doanh, liên kết là chủ trương được phê duyệt bởi chủ tịch UBND TP và được Ban chỉ đạo 09 họp bàn, tham mưu, triển khai mà không có sự tham mưu nào của Sở TN&MT.

Đến tháng 1-2011 Sở TN&MT mới nhận được thông tin phải nghiên cứu ý kiến về nghĩa vụ tài chính mà Công ty Lavenue đề nghị. Thời điểm này, Công ty Lavenue đã là chủ đầu tư dự án. Sở TN&MT chỉ còn nghĩa vụ chấp hành.

Việc UBND TP chấp thuận chủ trương cho Công ty Lavenue được áp dụng 2 hình thức sử dụng đất theo đề xuất của Sở TN&MT là đúng với pháp luật. Bởi tại thời điểm này, nghị định 121 đã có hiệu lực. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì chủ trương cho thuê đất trả tiền hằng năm tại số 12 Lê Duẩn đã được phê duyệt. Nếu pháp luật có thay đổi thì vẫn tiếp tục cho thực hiện chủ trương đã phê duyệt mà không được thay đổi.

Hơn nữa, luật sư cho rằng có sự mâu thuẫn giữa Luật đất đai 2003 và nghị định 121. Cụ thể, theo Luật đất đai 2003 thì tổ chức kinh tế có quyền chọn lựa hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền hoặc thuê đất trả tiền hằng năm khi sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhưng nghị định 121 lại quy định tổ chức kinh tế chỉ được quyền chọn hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Bên cạnh đó, việc xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án để quy kết trách nhiệm hình sự trong vụ án là trái với quy định mà phải là thời điểm xảy ra vụ án. Ở đây thiệt hại là 4,7 tỉ giá trị nhà số 12 Lê Duẩn đã bị phá hủy do xử lý sai khu đất 8-12 Lê Duẩn dẫn đến thất thoát.

Viện kiểm sát xác định ông Tài và bà Thúy có trách nhiệm bồi thường 4,7 tỉ, nên việc duy trì lệnh kê biên tài sản của bị cáo Kiệt là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, tài sản này thuộc sở hữu chung của vợ chồng bị cáo. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự với bị cáo Kiệt.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài) đề nghị Viện kiểm sát phân tích thêm tội danh cấu thành điều 219 là gây thất thoát và lãng phí. Lý do vì con số mà Viện kiểm sát đưa ra không nói lên được thất thoát bao nhiêu và lãng phí bao nhiêu. Vì sao thất thoát và vì sao lãng phí? Theo luật sư Nghĩa, vụ án này không có thất thoát và lãng phí.

"Lý do vì miếng đất 2.500 tỉ thì Nhà nước có thể thu hồi lại khi doanh nghiệp, người dân, kể cả doanh nghiệp nhà nước vi phạm điều cấm. Nhà nước có quyền hủy hết, vô hiệu hóa các thỏa thuận, lấy tài sản nhà nước về. Nếu Nhà nước lấy miếng đất này và bán lấy 2.500 tỉ thì Nhà nước không thất thoát gì cả. Nếu Viện kiểm sát tính lên được thất thoát bao nhiêu, lãng phí bao nhiêu thì lúc đó mới có tranh luận việc gây ra thất thoát này có do các bị cáo không" - ông Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Luật sư của bị cáo Tài cho rằng trong vụ án này các công ty tham gia dự án đã nộp ngân sách 612 tỉ đồng và Nhà nước sử dụng số tiền này 8 năm.

"Nếu như số tiền này chỉ đem gửi tiết kiệm thôi thì cho đến nay nó lên trên 1.000 tỉ. Việc tính thiệt hại trong vụ án là không hợp lý. Nhà nước thu hơn 600 tỉ đồng giờ vẫn tính thiệt hại của vụ án hàng ngàn tỉ và buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm" - ông Nghĩa phân tích.

Những vấn đề này đang được tranh luận làm rõ tại tòa.

Bà Thúy bật khóc nói về Bà Thúy bật khóc nói về 'nỗi oan' tình cảm với ông Nguyễn Thành Tài

TTO - Bị cáo buộc lợi dụng tình cảm của cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM để trục lợi, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy khóc trước tòa và cho rằng đó chỉ là lời thừa nhận đơn phương của ông Tài chứ không có căn cứ gì chứng minh.

TUYẾT MAI - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên