Tuy nhiên đến nay, tỉnh Đồng Nai đang yêu cầu các đơn vị khai thác mỏ phải xác định khối lượng.
Xác định khối lượng khai thác để gia hạn
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý cho gia hạn nhưng các doanh nghiệp khai thác ở bốn dự án cải tạo đất nông nghiệp (kết hợp thu hồi vật liệu san lấp xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) phải xác định khối lượng đất đã thu hồi để thực hiện nghĩa vụ tài chính về khoáng sản, môi trường.
Đồng thời, doanh nghiệp xác định khối lượng còn lại ở các mỏ, khối lượng đất mặt đã thu gom để thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng như làm rõ mốc thời gian kết thúc thu hồi đất và hoàn thiện cải tạo đất.
Giải thích việc phải đưa ra yêu cầu trên, ông Khúc Ngọc Thông, trưởng phòng kế hoạch - tài chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho hay: "Sở đã chủ trì họp với các doanh nghiệp tham gia lấy đất đắp tại bốn vị trí ở huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Khi các doanh nghiệp báo cáo cụ thể khối lượng đất cần thu hồi, các sở ngành sẽ xem xét đề xuất UBND tỉnh gia hạn".
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành của Đồng Nai còn yêu cầu các doanh nghiệp khai thác đất đắp khi kết thúc thu hồi đất phải cải tạo, san gạt lại hiện trạng, tăng độ phì của đất và phân tích mẫu gửi các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát.
Cam kết hoàn thành tuyến chính cao tốc
Với các thủ tục trên, liệu các nhà thầu cung cấp kịp đất đắp cho cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết ngay khi Chính phủ cho phép gia hạn việc hạ cốt nền trên đất nông nghiệp tại bốn vị trí để tận thu phục vụ thi công hoàn thiện đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chủ đầu tư đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai hoàn thiện các thủ tục để sớm được khai thác.
Nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ thi công đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 620.000m3 nguyên khối vật liệu san lấp, thời gian thực hiện đến khi dự án hoàn thành.
"Sau khi họp bàn, tỉnh Đồng Nai thống nhất chủ trương cho gia hạn lại tại bốn vị trí hạ cốt nền cũ trước đây. Tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thiện thủ tục để được khai thác sớm.
Tuy nhiên, gần 10 ngày qua mới khai thác được một vị trí ở huyện Xuân Lộc. Các vị trí còn lại ở huyện Cẩm Mỹ chưa hoàn tất thủ tục nên chưa khai thác được", đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết.
Vị đại diện trên cho rằng do văn bản của Chính phủ mang hàm ý rộng nên mỗi nơi hiểu theo mỗi cách. Có địa phương sau khi nhận được văn bản đó đã phối hợp cho phép khai thác ngay, có địa phương phải yêu cầu hoàn tất các thủ tục khác như đánh giá trữ lượng, nghĩa vụ thuế…
Liệu tiến độ của dự án kịp về đích vào dịp lễ 30-4 không? Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cam kết vẫn đảm bảo.
Cụ thể, các công đoạn thi công dự án đều diễn ra độc lập với nhau. Phần đất đắp chủ yếu làm đường gom dân sinh, nút giao, cầu vượt ngang. Riêng tuyến chính cơ bản đã thảm nhựa gần xong nên không cần đất đắp.
Với tiến độ thi công như hiện nay, tuyến chính cơ bản vẫn đáp ứng kịp về đích dịp lễ 30-4 sắp tới. Còn phần đường gom dân sinh do thiếu đất đắp và tỉnh Đồng Nai mới yêu cầu bổ sung thêm nhiều vị trí nên có thể tiếp tục thi công sau đó. "Trong giai đoạn này, chủ đầu tư lo ngại người dân hai bên tuyến có thể gặp phiền phức đi lại", đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết thêm.
Còn đại diện Ban điều hành liên danh Vinaconex - Trung Chính (chủ dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) cho hay: "Sau khi được cấp gia hạn, nhà thầu sẽ huy động lực lượng tập trung làm các cây cầu kết nối trực tiếp vào các con đường đông dân cư để người dân đi lại được. Nhà thầu sẽ cố gắng làm ngày làm đêm cho xong để 30-4 đưa tuyến chính cao tốc vào khai thác.
Vị đại diện này cũng nói đối với các vị trí cầu đâm vào đường đất, đường quy hoạch của địa phương với hệ thống đường gom chưa thể xong được, phải lùi đến ngày 30-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận