Những ngày qua, gia đình chị L.T.T.T. (cư dân chung cư 24AB, phường 25, quận Bình Thạnh) chỉ biết "kêu trời" vì dù Chi cục Thi hành án quận Bình Thạnh đã đến làm việc, yêu cầu ban quản trị, ban quản lý mở theo quyết định của tòa án, nhưng các đơn vị này vẫn chưa mở nước cho gia đình chị T..
Ban quản trị nói "không có quyền"
Ngày 14-3, Tuổi Trẻ Online có thông tin vụ việc gia đình chị L.T.T.T. kiện ban quản trị chung cư 24AB vì bị cắt nước sinh hoạt cả năm.
Dù Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ban quản trị chung cư và đơn vị quản lý vận hành mở nước sinh hoạt cho gia đình, Chi cục Thi hành án quận Bình Thạnh cũng có quyết định thi hành quyết định của tòa án, nhưng đến nay gia đình chị vẫn bị cắt nước!
Trong biên bản ghi nhận việc thi hành án ngày 15-3, đại diện ban quản trị chung cư cho rằng: "Ban quản trị là đại diện cho chung cư, do đó phải thực hiện theo nội quy chung cư. Trường hợp làm khác nội quy buộc phải thông qua hội nghị chung cư. Ban quản trị không có quyền mở các dịch vụ cho các hộ dân còn đang thiếu nợ".
Còn đại diện đơn vị quản lý vận hành - Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật giải pháp An Gia cho rằng: "Chúng tôi không có quyền làm trái các nội quy, quy chế, quy định của chung cư".
Chị T. không đồng tình với lý lẽ trên và cho rằng theo quy định, ban quản trị, ban quản lý không được quyền cắt nước sinh hoạt của cư dân. Không chỉ vậy, trước đó ban quản trị, ban quản lý cắt nước cũng không thông qua hội nghị nhà chung cư thì tại sao đến nay khi Chi cục Thi hành án yêu cầu mở nước lại lấy lý do phải thông qua hội nghị nhà chung cư.
"Nước là nhu cầu thiết yếu. Tòa án và Thi hành án đã buộc mở nước nhưng ban quản trị, ban quản lý không chấp hành. Chẳng lẽ "phép vua lại thua ban quản trị như vậy hay sao?", chị T. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện UBND phường 25 cho biết sẽ tiếp tục vận động ban quản trị thực hiện việc cung cấp nước, đảm bảo nhu cầu sống cho người dân.
Không chấp hành mở nước, coi chừng vi phạm pháp luật
Nhận định về hành vi của ban quản trị và ban quản lý chung cư, luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng hành vi đó có dấu hiệu vi phạm vào tội danh "không chấp hành bản án" quy định tại điều 380 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Nông, cho dù quy chế của chung cư có nội dung cho phép ban quản trị, ban quản lý được cắt nước của hộ dân khi hộ dân thiếu tiền hay không đi nữa thì ban quản trị, ban quản lý vẫn phải chấp hành quyết định của tòa án và của cơ quan thi hành án.
Nếu ban quản trị, ban quản lý chung cư cho rằng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án buộc mở nước là không thỏa đáng, họ có quyền khiếu nại quyết định này để tòa án xem xét. Tuy nhiên, khi quyết định của tòa ban hành có hiệu lực thì buộc phải chấp hành.
"Ban quản trị, ban quản lý không thể viện vào quy định hay lý do nào khác để không chấp hành bản án, quyết định của tòa án. Dù có điều kiện thi hành quyết định của tòa nhưng họ vẫn không chấp hành, hành vi đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật", luật sư Nông phân tích.
Đồng tình, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, chỉ ra hướng giải quyết cho sự việc trên rằng sau khi Chi cục Thi hành án quận Bình Thạnh lập biên bản về việc ban quản trị, ban quản lý không đồng ý thi hành thì phía Chi cục Thi hành án xem xét ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án.
Căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp buộc thi hành việc mở nước. Nếu đến khi ấy ban quản trị, ban quản lý vẫn không chấp hành thì cơ quan thi hành án lập biên bản có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng liên quan về việc không chấp hành dù đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, chuyển cho cơ quan công an xử lý theo quy định pháp luật.
"Bên cạnh đó, trước hành vi không chấp hành quyết định của tòa án như vậy thì cư dân của chung cư hoàn toàn có quyền gửi đơn yêu cầu đến UBND phường để đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để bãi nhiệm ban quản trị chung cư, để bầu ra ban quản trị mới hoạt động theo đúng quy định, quy chế…", luật sư Tuấn gợi ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận