Gần đây, đoạn clip quay vụ cột chân chim để chụp ảnh khiến nhiều người đam mê chụp ảnh thiên nhiên hoang dã bức xúc. Theo nguyên tắc, người chơi ảnh thiên nhiên hoang dã không được can thiệp đến đời sống của động vật.
Nhận sai trong vụ cột chân chim để chụp ảnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đoàn Hoài Trung - chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM - cho biết đã triệu tập hai nhân vật trong đoạn clip để viết bản tường trình.
"Trước vụ việc gây ảnh hưởng uy tín đến hội, chúng tôi phải rà soát và yêu cầu các chi hội cho các hội viên của mình họp, nghe bản kiểm điểm.
Trên cơ sở đó sẽ đề xuất việc kỷ luật và đồng thời rút kinh nghiệm. Sau đó, ban chấp hành sẽ họp với hội đồng kỷ luật cùng với ban điều tra và ra quyết định phù hợp" - ông Đoàn Hoài Trung chia sẻ.
Trong bản tường trình được viết ngày 3-4, ông D.C.S. - hội viên Hội Nhiếp ảnh TP.HCM - cho biết khoảng 14h-15h ngày 2-4, ông đến sân golf quận 7 để chụp chim. Khi ông đến, một nhóm người đi ô tô vừa rời đi. Sau đó ông thấy ba chú chim con trên cành và lấy máy chụp.
"Trong lúc chờ chim mẹ về đút mồi cho con thì bất chợt có một nam thanh niên cầm điện thoại quay từ bên ngoài vào và cố tình làm cho chim con rớt xuống. Lúc đó tôi mới biết là chim con bị cột bằng chỉ mỏng từ trước, và anh ấy nói với tôi là đem chim vào tổ. Tôi đã giựt chỉ và đưa chim lại vào tổ, sau đó thu dọn máy đi về" - ông viết.
Bản tường trình của bà N.T.K.C. có nội dung tương tự là phủ nhận cột chân chim trẩu vào cây để chụp ảnh. Tuy nhiên, ở cuối bản tường trình, bà lên tiếng xin lỗi: "Qua vụ việc này tôi thấy bản thân mình có lỗi vì đến thấy ba chú chim trên cành mà còn tham gia chụp".
Về phần mình, ông D.C.S. nói: "Tôi xin rút kinh nghiệm khi chụp thể loại này cho dù tôi không có ý làm hại chim con và không có hành động cột chim trên cành".
Hiện Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đang tiến hành xác minh thông tin vụ việc.
Nâng cao ý thức người chụp ảnh thiên nhiên
Một tuần trở lại đây, giới nhiếp ảnh thiên nhiên tại TP.HCM tập trung về một bãi cỏ ở quận 7 để chụp chim trẩu.
Các nhiếp ảnh gia thường chọn một vị trí cố định để lắp đặt thiết bị, sau đó theo dõi và chờ chim mẹ mang mồi trở về.
Vì chim non mới nở còn rất yếu và nằm sâu trong tổ, rất khó để thấy được. Để chụp được khoảnh khắc chim trẩu mớm mồi cho con, nhiều người đã cố tình khoét đất quanh miệng hang thành một hố rộng để dễ chụp hơn.
Không dừng tại đó, một số người còn mang hẳn chim con ra ngoài. Vì thời tiết nắng nóng và yếu ớt nên nhiều chim non đã chết hoặc thoi thóp bên ngoài miệng hang. Điều này gây bức xúc đối với cộng đồng nhiếp ảnh.
Về điều này, ông Ngô Đình Hoàng - ủy viên ban kiểm tra của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM - khẳng định: "Hội sẽ không bao giờ ủng hộ loại hình nhiếp ảnh theo kiểu này, thậm chí cấm luôn các hội viên của mình để ngăn hành vi can thiệp thô bạo vào đời sống thiên nhiên của động vật".
Sắp tới, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM sẽ đề xuất tổ chức các buổi tọa đàm bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Hội sẽ mời chuyên gia tập huấn cho các nhiếp ảnh gia, từ đó nâng ý thức bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã của người chụp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận