Ảnh cắt từ clip
Sau vụ việc công an đánh tới tấp thiếu niên chạy xe máy mà clip đang lan truyền trên mạng, có người nói làm sao công an mới đánh thế, người lại bảo dù có là bắt tội phạm thì công an cũng chỉ khống chế chứ không được quyền tấn công liên tục như vậy.
Vậy, trong tình huống những người tham gia giao thông có vi phạm thì những người thi hành công vụ xử lý thế nào, nếu tấn công người vi phạm có sai và bị xử lý ra sao?
Vi phạm giao thông chỉ xử lý hành chính
TS Thái Thị Tuyết Dung - giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM - cho rằng chưa rõ hai người đi xe máy trong clip vi phạm những lỗi gì, nhưng có thể đặt các giả thiết như những người này vi phạm nhiều lỗi: chưa đủ tuổi (chưa có bằng lái) điều khiển phương tiện có dung tích xi lanh lớn hơn 50cm3, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép trên đoạn đường có hạn chế về tốc độ…
Những hành vi đó đều là vi phạm hành chính và có mức xử phạt tương ứng.
Clip công an dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, gáy của thiếu niên chạy xe máy
Bà Dung dẫn các căn cứ từ điều 21, nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11, điều 2, nghị định 123/2021/NĐ-CP), người giao xe cho người chưa đủ tuổi lái xe bị phạt từ 800.000 - 2 triệu đồng.
Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng;
Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng.
Cần xử lý nghiêm các hành vi tấn công người khác
Đối với hành vi công an tấn công người vi phạm giao thông qua clip lan truyền trên mạng, bà Dung cho rằng "trong trường hợp hậu quả của việc tấn công người tham gia giao thông chưa đến mức độ nghiêm trọng, phía cơ quan công an cũng phải xem xét kỷ luật theo quy định của ngành nhằm giáo dục và răn đe về những hành vi ứng xử chưa chuẩn mực của lực lượng cảnh sát".
Luật sư Hoàng Văn Hướng - Đoàn luật sư TP Hà Nội - thì cho rằng các chiến sĩ công an đã có dấu hiệu vi phạm luật hình sự khi dùng các vật như gậy, mũ bảo hiểm để đánh người.
"Hình ảnh cho thấy, kể cả những thanh niên này có vi phạm luật giao thông trước đó nhưng hoàn toàn không có hành vi chống đối " - ông Hướng nói.
Ông Hướng cũng khẳng định, các hành vi của công an thể hiện tính bạo lực và lạm quyền, vi phạm quyền về danh dự, tính mạng và sức khỏe của công dân.
Về hướng xử lý, theo ông Hướng, cần phải cho những người bị đánh giám định thương tích, nếu đủ tỉ lệ phần trăm thương tích phải xem xét tính chất mức độ để xử lý trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp tính chất chưa đến mức độ nghiêm trọng, phải xem xét kỷ luật theo quy định của ngành công an nhằm giáo dục và răn đe về những hành vi ứng xử chưa chuẩn mực của lực lượng cảnh sát.
Theo ông Hướng, hành vi công an tấn công người tham gia giao thông tạo nên hình ảnh rất xấu của lực lượng công an trong dư luận. Với đạo đức và nghiệp vụ, người thi hành công vụ chỉ được thực hiện trong phạm vi công việc, quyền hạn của mình, không thể lạm quyền dù bất kể lý do gì.
Việc cơ quan công an phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là bảo vệ pháp luật và bảo vệ uy tín của lực lượng công an nhân dân.
Việc rượt đuổi nguy hiểm cho tất cả
Ngoài ý kiến chê trách hành động của các công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cũng có ý kiến nói về nỗi bức xúc của những người thi hành công vụ khi gặp phải người tham gia giao thông với hàng loạt vi phạm.
Bà Thái Thị Tuyết Dung cho rằng trong tình huống người vi phạm bỏ chạy thì công an vẫn chụp hình để xử phạt sau.
Việc rượt đuổi trong quãng đường dài với tốc độ cao gây nguy hiểm cho cả người rượt đuổi và người bỏ chạy.
Trường hợp công an tấn công liên tục người vi phạm không phản kháng, không có khả năng phòng vệ là hành động vi phạm pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận