27/11/2018 08:58 GMT+7

Vụ cô phạt học sinh 231 cái tát: Hãy dạy trẻ phản biện

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Giáo viên phạt học sinh bằng 231 cái tát là quá tàn nhẫn. Nhưng còn học sinh, các em cần được học những kỹ năng gì để không bị bạo hành trong trường học?

Vụ cô phạt học sinh 231 cái tát: Hãy dạy trẻ phản biện - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM tập thuyết trình và phản biện với nhau trong giờ học chính khóa. Hiện nay, một số trường phổ thông công lập ở TP đã đổi mới phương pháp giảng dạy để tránh kiểu giáo dục một chiều - Ảnh: H.HG.

Chúng tôi đã thử hỏi 30 học sinh lớp 6 ở các quận 1, 3, Bình Tân (TP.HCM) với tình huống của 231 cái tát thì 14/30 học sinh trả lời: "Sẽ không ngồi im cho bạn tát, sẽ tìm cách đi ra khỏi lớp để cầu cứu những người lớn trong trường như thầy cô giáo bộ môn, hiệu trưởng, hiệu phó... bằng những cớ như "xin cô cho đi vệ sinh rồi ra ngoài la toáng lên để mọi người trong trường đến cứu mình".

Hoặc "Em sẽ vùng chạy ra khỏi lớp"! 16/30 học sinh còn lại trả lời bằng những nụ cười ngại ngần: "Em cũng chưa biết mình sẽ làm gì vì chưa hề nghĩ đến việc này", "Em cũng không biết phải làm sao nữa", "Chắc phải chịu phạt thôi vì mình có lỗi mà"...

Giáo dục một chiều

Với câu hỏi: "Nếu là một trong 23 học sinh bị cô giáo bắt phải tát bạn 10 cái thật đau, em sẽ làm gì?" thì 15 học sinh cho biết sẽ không làm như vậy vì "Tự nhiên đi đánh bạn là sai", "Em sẽ không đánh vì như vậy rất tội nghiệp bạn", "Em có ghét bạn đâu mà đánh bạn".

Nhưng với việc bị ép thì sao? Câu trả lời của các em khá giống nhau: nếu vẫn bị ép phải tát bạn thì sẽ tìm cách ra ngoài và tìm thầy/cô hiệu trưởng. 15/30 em còn lại trả lời sẽ phải tát bạn vì cô giáo yêu cầu thì cứ làm thôi.

Vụ cô phạt học sinh 231 cái tát: Hãy dạy trẻ phản biện - Ảnh 2.

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - giảng viên Trường phát triển tài năng và tính cách John Robert Power - cho rằng nguyên nhân sâu xa của sự việc 231 cái tát là tất cả học sinh không dám phản ứng chính là hậu quả của thói quen giáo dục một chiều. 

Trong đó, cấp trên chỉ đạo - cấp dưới biết sai vẫn làm theo; ban giám hiệu chỉ đạo, giáo viên thấy khó thực hiện vẫn gật đầu tuân thủ; cô giáo bắt học trò tát bạn, học sinh khó chịu vẫn cố gắng thực hiện... 

Thông tin báo chí tường thuật rằng có học sinh vừa tát bạn vừa khóc, có em hỏi cô có tát nữa không... tức là trong lòng học sinh có điều trắc ẩn nhưng không dám cãi lại cô chủ nhiệm.

Theo ThS Thụy Anh, ngay từ nhỏ học sinh đã được yêu cầu nghe theo, làm theo lời giáo viên mà không được phép có ý kiến. Ở nhà cũng vậy. Nhiều phụ huynh bắt buộc con mình phải răm rắp làm theo lời người lớn, dần dần thành thói quen không dám có chính kiến phản biện lại những điều mà mình cho là không đúng.

Trong bối cảnh như hiện nay, để con em ít bị ảnh hưởng bởi kiểu giáo dục một chiều thì các phụ huynh hãy tự "cứu" con mình trước: dạy con cách tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp. Khi gặp những sự cố hoặc những vụ việc không hài lòng, trẻ sẽ biết trình bày, phản biện lại để bản thân mình không phải làm (hoặc không phải chịu đựng) những điều không mong muốn".

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh

Tạo cơ chế lắng nghe

Ở TP.HCM hiện nay, nhiều phụ huynh đã dạy con tập phản biện ngay từ nhỏ. ThS Thụy Anh nêu ví dụ: "Muốn con ăn cơm thì phụ huynh đưa cho con 2 lựa chọn, ăn ngay thì chiều con sẽ được xem bộ phim mà con thích và ăn món kem rất ngon. Ngược lại thì con không được gì cả. 

Họ tập cho trẻ lựa chọn và hiểu được lựa chọn đó của mình sẽ đi kèm với hậu quả nào. Hoặc khi con vòi vĩnh một việc gì đó thì phụ huynh sẽ yêu cầu con trình bày những lý do để thuyết phục cha mẹ chứ không áp đặt theo kiểu phải làm theo vì được yêu cầu". 

Có lẽ vì những phân tích trên của ThS Thụy Anh mà kết quả cuộc khảo sát "bỏ túi" của chúng tôi có dấu hiệu khá tích cực: 50% học sinh không đồng tình và không đứng chịu trận cho bạn đánh, cũng không chịu đánh bạn theo yêu cầu của giáo viên.

Quay trở lại vụ 231 cái tát, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - giáo viên môn GDCD Trường THCS Đức Trí, quận 1, TP.HCM - chia sẻ: "Không nên trách học sinh trong vụ này vì chính những "người lớn" đã tạo ra "cơ chế" cho các em hành xử như vậy. 

Theo thông tin báo chí thì trước em N. đã có một số em bị phạt giống như vậy. Tôi cũng thắc mắc: sự việc diễn ra trong nhiều ngày như thế mà sao học sinh không kể cho phụ huynh nghe?". 

"Tôi cho rằng Trường THCS Duy Ninh chưa tạo được cơ chế lắng nghe và các phụ huynh lớp 6/2 cũng chưa thực sự gần gũi, quan tâm và thường xuyên nói chuyện với con cái" - cô Thủy nhận định.

Cô Thủy kể: "Năm học này, tôi làm công tác chủ nhiệm học sinh lớp 6, chỉ cần trong ngày ở lớp diễn ra sự việc nào hơi bất thường thì ngay buổi tối hôm đó phụ huynh đã biết được và trao đổi với tôi ngay. Như vậy, việc đầu tiên là phụ huynh phải tạo được niềm tin để con sẵn sàng tâm tình, sẻ chia những lo lắng, tâm tư... của mình. 

Trong nhà trường cũng vậy, khi học sinh có điều không hài lòng, bức xúc với giáo viên chủ nhiệm thì các em phải gặp ai để giãi bày? Nếu không giãi bày được trực tiếp thì nhà trường có thùng thư "Điều em muốn nói" (chỉ hiệu trưởng được đọc thư này) hay không?...".

Khởi tố vụ án cô giáo bắt cả lớp tát bạn hàng trăm cái

TTO - Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình xác nhận đã khởi tố vụ án cô giáo bắt cả lớp tát bạn vì bị "tố" nói tục.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên