Ngày 28-7, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Đồng thời, liên quan đến quyền lợi những khách hàng đã mua vé trở về Việt Nam trên các chuyến bay combo, tòa án xác định dành quyền khởi kiện cho người mua vé máy bay đối với các đơn vị tổ chức chuyến bay, thu tiền. Vậy khách bay sẽ làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình, nói cách khác là đòi được tiền.
Chị Nguyễn Thúy Loan (Hà Nội) gửi câu hỏi nhờ luật sư tư vấn.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn cho khách hàng của chuyến bay giải cứu như sau.
Trường hợp này Nhà nước mà đại diện là tòa án đã xác định giao dịch giữa các cá nhân mua vé bay trong các "chuyến bay giải cứu" là quan hệ dân sự. Theo đó, ai thấy mình bị thiệt hại do việc tham gia chuyến bay thì có thể thực hiện việc khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền.
Phải chứng minh được thiệt hại bằng các chứng từ
Như vậy, đặt ra vấn đề có hay không có thiệt hại từ những người đã mua vé và bay trên các chuyến bay này? Thiệt hại là từ đâu? Cách chứng minh như thế nào? Cần các tài liệu, dữ liệu nào để làm chứng cứ, quan trọng nhất là xác định lỗi?
Cần minh định một số vấn đề đó là vào thời điểm dịch, có sân bay đóng cửa, có nơi hạn chế chuyến bay, chỉ dành cho các chuyến bay đặc biệt, có giấy phép riêng với các quy định phòng dịch, phục vụ bay khác thường, vì vậy chi phí cho một chuyến bay có thể cao hơn rất nhiều so với chuyến bay thông thường.
Khách bay biết được vấn đề này nên khi mua vé đã biết là kèm với các điều kiện ngặt nghèo trên cùng với giá vé đắt hơn bình thường nên chấp nhận, vì vậy đây là thỏa thuận dân sự.
Tuy nhiên, việc định ra giá nào là của bên tổ chức bay quyết định sau khi căn cứ vào giá vốn cùng việc đặt ra tỉ lệ lợi nhuận. Cho đến nay, giá vé bay trong các chuyến bay quốc tế không được Nhà nước quy định giá trần nên bán với giá nào đều do hãng bay quyết định trên cơ sở tính toán giá vốn và quy luật cạnh tranh.
Thời điểm dịch, tính cạnh tranh thị trường giảm xuống, chỉ tập trung vào việc tổ chức cho được chuyến bay nên được xem như cung không đủ cầu, vì vậy tùy vào quyết định giá của đơn vị tổ chức mà hình thành nên giá vé bán ra.
Ở góc độ khách bay, họ mua vé ở thời điểm đó đang trong hoàn cảnh đặc biệt, họ thỏa thuận mà không thể hiện được ý chí của bản thân, bị buộc vào tình thế không có sự lựa chọn. Vì vậy có thể xem họ ở vào tư thế không ngang bằng trong hợp đồng song vụ. Lúc này, bên có thế mạnh hơn phải ứng xử phù hợp để không bị trái quy định của pháp luật.
Như vậy, cần phải xác định rõ các cá nhân, tổ chức chuyến bay đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phán quyết của vụ án hình sự xác định sự vi phạm của các cá nhân này là để xin được chuyến bay chứ không phải bị xử lý hình sự vì bán vé máy bay với giá quá đắt, vượt quy định.
Như vậy, để đòi được thiệt hại thì phải xác định được sự có lỗi trong giao dịch của bên bán vé máy bay. Về phía đơn vị tổ chức chuyến bay vì trục lợi mà đẩy chi phí lên cao nên thỏa thuận đó không ngang bằng và bất hợp pháp.
Để thực hiện việc khởi kiện thì người khởi kiện phải có nghĩa vụ chứng minh quan hệ dân sự đó bị vô hiệu do lừa dối, bị ép buộc.
Như trên đã nói, vì ở vào hoàn cảnh không thể có lựa chọn khác nên khách bay phải mua vé với giá quá đắt, vượt mức thông thường. Như vậy, họ phải chứng minh sự "quá đắt" đó dựa trên sự so sánh.
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc xác định giá vốn vé máy bay
Như đã nói ở trên, vì không có giá trần nên gần như không có đối tượng để so sánh cho việc đắt rẻ hay vừa, vì vậy cần phải có cơ quan giám định vào cuộc để xác định giá vốn cho vé máy bay.
Vì vậy, cần có sự can thiệp của Nhà nước để buộc cho được các đơn vị tổ chức bay hợp tác cho hoạt động này thì mới mong tìm được thông tin. Điểm nghẽn này sẽ là vấn đề rất lớn nếu Nhà nước không thể dùng cơ chế nào để buộc đơn vị tổ chức cung cấp.
Cũng có thể sử dụng các báo cáo thuế để lọc các chi phí hình thành nên giá vốn cho vé máy bay. Tất nhiên lúc này, các đơn vị tổ chức sẽ bị thiệt hại vì ai cũng biết có nhiều khoản chi phí không thể đưa vào báo cáo thuế. Tuy nhiên đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp khi buộc họ phải chấp nhận yêu cầu bồi thường trong chừng mực cho các khách bay.
Ngoài ra, để chứng minh phần thiệt hại của mình thì khách bay phải có các chứng từ giấy tờ thể hiện đã nộp tiền, mà là toàn bộ các khoản tiền đã nộp để có được vé máy bay có thể phải gồm tiền mua vé máy bay và phần tiền khác.
Tất nhiên lúc này các chứng từ liên quan sẽ có giá trị chứng minh như email, tin nhắn, ghi âm thể hiện trao đổi giao dịch qua lại và xác định được số tiền đã thanh toán sẽ được chấp nhận.
Như vậy, trên cơ sở có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về giá vốn vé máy bay để quyết định khoản lợi nhuận vừa phải để tạo thành giá bán hợp lý nhằm so sánh với số tiền thanh toán thì ra số chênh lệch. Phần chênh lệch này sẽ được tòa quyết định trả lại.
Khách hàng có thể khởi kiện ra tòa
Để bảo vệ mình, khách bay có thể căn cứ vào quy định tại điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng là: "Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết".
Khách hàng có thể dùng các quyền như: khiếu nại, tố cáo, khởi kiện ra tòa hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn.
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận