22/03/2019 10:28 GMT+7

Vụ chùa Ba Vàng: Khó xem xét trách nhiệm hình sự?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Dư luận xôn xao việc chùa Ba Vàng nhận tiền cắt duyên nghiệp để chữa bệnh cho phật tử, thuyết giảng chuyện bị vong nhập… việc làm này có vi phạm pháp luật hay không?

Vụ chùa Ba Vàng: Khó xem xét trách nhiệm hình sự? - Ảnh 1.

Chùa Ba Vàng - Ảnh: TTO

Không có cơ sở khoa học

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc tín ngưỡng hay tâm linh hoàn toàn là việc tự do tín ngưỡng của mỗi cá nhân và pháp luật tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Ngay việc người nhà chùa cho rằng có tiền kiếp, có nghiệp duyên từ kiếp trước để giải thích cho kiếp này con người chịu mọi khổ đau, sướng khổ, hạnh phúc và khuyên dạy con người phải sống hướng thiện thì đó cũng là chuyện tín ngưỡng của mỗi tôn giáo.

Tuy nhiên, khẳng định rằng bởi duyên nghiệp sinh ra bệnh tật, đau khổ, xui rủi và phải cúng giải nghiệp để trị các loại bệnh nan y là không có cơ sở khoa học.

Được biết, nhà chùa không chỉ thuyết giảng về duyên - nghiệp mà còn thu tiền để cắt duyên nghiệp, hóa giải duyên nghiệp từ kiếp trước để trị bệnh thì không đúng với giáo lý nhà Phật. Bởi, Phật phổ độ chúng sinh. Vậy nên Phật sẽ chẳng lấy tiền của những người mắc bệnh hiểm nghèo khi sử dụng Phật pháp để an ủi cho phần tinh thần của họ.

Việc cho rằng cắt duyên nghiệp để trị được mọi bệnh tật, có dấu hiệu của việc gian dối đối với người khác và thu lời, là một trong những dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại BLHS 2015.

Tuy nhiên, nếu những người đến nộp tiền để được giải nghiệp chữa bệnh mà không cho rằng mình bị lừa, không cho rằng mình bị thiệt hại, không bị sử dụng hành vi gian dối thì cũng khó xử lý được trách nhiệm của những người thu tiền của người bệnh.

Ngoài ra, hành vi này có phải là hành nghề mê tín dị đoan không thì còn phải xem xét kỹ, thậm chí phải có cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội) giải thích cho điều luật quy định về hành vi này. 

"Theo tôi, với những việc làm của người nhà chùa đã gây phẫn nộ trong dư luận, nhưng có dấu hiệu trách nhiệm hình sự của những người này hay không còn phải xem xét rất kỹ. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì có thể họ thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ khác mới đủ căn cứ để kết luận" - luật sư Nghiêm nói.

Vụ chùa Ba Vàng: Khó xem xét trách nhiệm hình sự? - Ảnh 2.

Một góc chùa Ba Vàng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Chỉ có thể xử lý hành chính!

Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng người dân có quyền bức xúc với những gì thấy, nghe được đối với việc người nhà chùa nói về ác nghiệp và ví dụ cụ thể đối với các trường hợp. 

Tuy nhiên, ông Hướng cũng nói cho đến thời điểm này, việc có hay không tiền kiếp, vong hồn, ma quỷ thì chưa ai chứng minh được chính xác, nhưng chủ nghĩa duy vật cũng không bác bỏ được. Và hiện, pháp luật hình sự Việt Nam cũng chưa điều chỉnh các hiện tượng này. Mặt khác, pháp luật Việt Nam thừa nhận tín ngưỡng, tôn giáo, việc tin hay không là quyền của mỗi người.

Thực tế, những người tham gia các hoạt động này hoàn toàn mang tính tự nguyện và không bị ép buộc. Vậy nên rất khó để xem xét một trách nhiệm nào khác ngoài trách nhiệm hành chính.

Do đó, ông Hướng cho rằng sự việc xảy ra tại chùa Ba Vàng chỉ có thể xử lý hành chính khi người nhà chùa lợi dụng những hiện tượng này để gây mất an ninh trật tự.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên