Liên quan đến vụ việc chú chó ở quảng trường Lâm Viên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị đánh đập dã man, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tam Thanh - trưởng ban phúc lợi động vật Hội Bảo vệ động vật Việt Nam - xung quanh vấn đề này.
Ông Thanh cho rằng đây không phải là lần đầu phát hiện sự việc động vật được sử dụng cho mục đích du lịch bị hành hạ dã man hoặc bỏ đói.
* Có những quy định nào về việc ứng xử với động vật được sử dụng để kinh doanh du lịch thưa ông?
- Thời gian qua có nhiều nơi hình thành các trại động vật, trại cừu, trại thỏ, trại nhím… để hút khách, làm du lịch. Hầu hết các trại đều là hoạt động tự phát với quy mô nhỏ, nhiều người cũng chưa hiểu hết các vấn đề về đối xử nhân đạo với động vật.
Theo quy định, các cơ sở chăn nuôi động vật và sử dụng động vật cho mục đích du lịch cũng thuộc sự điều chỉnh của Luật Chăn nuôi 2018 và phải có nghĩa vụ "Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật" theo điều 57 và điều 69 của Luật Chăn nuôi 2018.
Điều này có nghĩa rằng cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
* Việc kinh doanh động vật làm du lịch nhưng chưa đối xử đúng mực với động vật có thể thấy qua những biểu hiện nào?
- Theo tìm hiểu, có rất nhiều cơ sở sử dụng động vật làm du lịch không đáp ứng được các yêu cầu như quy định ở trên.
Cụ thể như việc họ không có bác sĩ thú y thường trực, điều kiện chuồng trại và chăm sóc, thậm chí dinh dưỡng không phù hợp, điều này thường phản ánh qua tình trạng động vật gầy ốm, bề ngoài ủ rũ, xơ xác, thương tích.
Mặc dù nước ta đã có các quy định về phúc lợi động vật như trên, tuy nhiên theo tôi để áp dụng vào thực tế, vẫn cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.
Ví dụ cần cụ thể hơn về điều kiện chuồng trại, chăm sóc thế nào được coi là phù hợp?
Cần quy định rõ những hành vi bị ngăn cấm, như việc bỏ đói, không chăm sóc thú y cần thiết cho động vật, không đáp ứng nhu cầu đặc trưng của các loài về tâm sinh lý…
* Ông có khuyến cáo gì cho du khách khi tới các điểm đến này?
- Đây đó vẫn có nhiều cơ sở kinh doanh du lịch dù có đăng ký kinh doanh hoặc tự phát sử dụng động vật bị phản ánh về tình trạng ngược đãi động vật.
Tôi cho rằng du khách cũng nên nâng cao nhận thức hơn trong vấn đề này. Đối với khách tham quan, tôi khuyến cáo không ủng hộ hay tham gia vào các hoạt động mang tính bóc lột động vật như cưỡi voi, ngựa, đà điểu…
Thậm chí không ghé thăm những cơ sở nơi động vật được chăm sóc không đảm bảo phúc lợi bằng cách tìm hiểu trước địa điểm bạn dự tính ghé thăm.
Trong trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh du lịch có ngược đãi động vật, du khách nên chủ động phản ánh đến cơ quan chức năng. Hoặc có thể nhờ sự lên tiếng của các tổ chức bảo vệ động vật nếu thấy cảnh động vật bị bỏ bê, bóc lột hoặc ngược đãi.
Khi được thông tin, có thể các tổ chức bảo vệ động vật sẽ có hoạt động theo dõi hoặc có hình thức can thiệp chính thức như tư vấn, cứu hộ thông qua hợp tác với các bên liên quan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận