Trong đó có câu hỏi đặt ra điện thoại là tài sản riêng của vợ hoặc chồng hay của chung? Và việc phá hỏng nó có thể gây hệ lụy gì?
Điện thoại mua từ thu nhập của vợ chồng là tài sản chung
Luật sư Đặng Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm thu nhập từ lao động, sản xuất, kinh doanh và các tài sản khác mà vợ chồng cùng tạo lập.
Nếu điện thoại được mua trong thời kỳ hôn nhân bằng thu nhập chung của hai vợ chồng thì đây được coi là tài sản chung, không phụ thuộc vào người đứng tên mua.
Nếu điện thoại được mua bằng tiền tặng cho riêng hoặc là tài sản có trước khi kết hôn, đây sẽ được coi là tài sản riêng của người vợ.
Dù là tài sản chung hay tài sản riêng, hành vi cố ý hủy hoại tài sản vẫn bị coi là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nếu giá trị tài sản thuộc phần quyền sở hữu riêng bị hủy hoại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc nếu người vi phạm từng bị xử phạt hành chính về hành vi tương tự nhưng tiếp tục vi phạm.
Mặt khác, theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2023), hành vi cố ý phá hoại tài sản, dù là tài sản chung hay riêng, được coi là một dạng bạo lực gia đình về kinh tế.
Điều 2 của luật xác định rõ các hành vi bạo lực gia đình, bao gồm việc cố ý chiếm đoạt, phá hủy hoặc làm hư hỏng tài sản của thành viên trong gia đình.
Đồng thời người bị bạo lực gia đình có các quyền cụ thể được quy định tại điều 9, bao gồm quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản; quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền can thiệp, bảo vệ hoặc hỗ trợ pháp lý, tâm lý, xã hội; quyền yêu cầu người gây bạo lực chấm dứt hành vi vi phạm hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.
Hủy hoại tài sản chung vẫn có thể gặp rắc rối pháp lý
Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Trường hợp nếu có ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung thì tài sản chung của vợ chồng được chia theo nguyên tắc chia đôi và có xem xét một số yếu tố liên quan đến hôn nhân, gia đình.
Còn theo luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng thì một trong hai người chỉ được quyền định đoạt khi có thỏa thuận giữa hai bên, chứ một bên không được quyền tự ý định đoạt.
Do đó khi một bên có hành vi đập phá tài sản chung thì được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi bị pháp luật cấm do xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Cụ thể là hành vi có thể phạm vào "tội hủy hoại hoặc bị hư hỏng tài sản" tại điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hành vi nóng nảy, bột phát do giận dữ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng
Theo luật sư Đặng Ngọc Thanh, mâu thuẫn gia đình là điều khó tránh khỏi, nhưng cần được giải quyết trên cơ sở tôn trọng và bình tĩnh, thay vì dùng hành động nóng nảy hoặc phá hỏng tài sản. Những hành vi như vậy không chỉ gây tổn hại đến tình cảm gia đình mà còn xâm phạm quyền tài sản, dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
Để giải quyết mâu thuẫn, đôi bên nên dành thời gian đối thoại, tìm hiểu nguyên nhân và tháo gỡ vấn đề. Nếu cần, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người thân, bạn bè hoặc các tổ chức tư vấn, hòa giải gia đình.
Trong trường hợp mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác, người bị ảnh hưởng nên tìm đến cơ quan chức năng như ủy ban nhân dân, công an hoặc hội phụ nữ để được bảo vệ theo các biện pháp cụ thể mà Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận