Hiện trường vụ xe bồn đâm vào nhà dân bốc cháy tại Bình Phước rạng sáng 22-11 - Ảnh: BÁ SƠN
Báo cáo nhanh của Công an tỉnh Bình Phước và trích xuất camera quan sát cho thấy vụ tai nạn xảy ra khoảng 4h30 ngày 22-11.
Khi đó, xe bồn do tài xế Thạch Vân (25 tuổi, quê Trà Vinh) điều khiển chở đầy xăng dầu đi trên quốc lộ 13, hướng từ Chơn Thành đi Bình Long.
Khi đi qua đoạn thuộc xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, xe bồn va chạm với xe ba gác cùng chiều, tông gãy trụ đèn chiếu sáng giữa dải phân cách, lao qua bên kia đường rồi bị lật. Hàng nghìn lít nhiên liệu đổ ra đường, gây ra vụ cháy kinh hoàng.
Không lối thoát
Tối 22-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Trần Thắng Phúc - giám đốc Công an tỉnh Bình Phước - cho biết sẽ khởi tố vụ án để làm rõ vụ tai nạn giao thông, xe bồn chở xăng dầu lật dẫn tới hỏa hoạn tại xã Minh Hưng.
Ông Phúc cho biết chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ việc, nhưng điều làm ông đau đáu là thiệt hại có thể giảm hơn nếu các căn kiôt, nhà ở... có lối thoát hiểm.
"Qua khám nghiệm 19 căn nhà bị cháy, những căn nào có cửa phía sau thì không có người chết" - đại tá Phúc nói.
Trong 19 căn nhà, kiôt bị cháy đều có người ở, nhưng số người tử vong chỉ tập trung ở 2 căn (một căn 4 người chết, một căn 2 người chết), các căn còn lại mọi người thoát được nhờ có cửa phụ hoặc phá được tường.
Điều đau lòng nhất xảy ra với gia đình anh Lê Văn Tuấn, quê Vĩnh Long, khi vợ và hai con của anh tử vong ngay tại hiện trường vì căn kiôt gia đình anh thuê không có cửa phía sau.
Một nhân chứng kể lại sau khi dập tắt đám cháy vào trong kiôt, lực lượng cứu hộ thấy thi thể 4 nạn nhân chết trong tư thế còn ôm nhau gồm: chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (37 tuổi) - vợ anh Tuấn, hai con là bé Lê Hoàng Anh (15 tuổi), bé Lê Ngọc Hân (6 tuổi) và chị Thắm (36 tuổi) - bạn chị Tú.
Anh Tuấn cho biết vợ chồng anh thuê kiôt này đã hơn 2 năm để vừa ở vừa làm nơi buôn bán trái cây. Rạng sáng 22-11, anh lái xe lấy hàng từ Vĩnh Long lên, khi vừa tới huyện Hóc Môn, TP.HCM thì nghe một người cháu điện thoại: "Kiôt bị cháy rồi cậu ơi"...
Tương tự người thân anh Tuấn, hai cậu cháu anh Nguyễn Tùng Chinh (18 tuổi) và bé Võ Hồng Anh (6 tuổi) chạy ra được cửa bên hông nhà nhưng do lối đi bị chặn, lại có khói lửa quá lớn nên cũng tử vong ngay tại hiện trường.
Anh Lê Văn Tuấn có vợ và hai con thiệt mạng trong vụ cháy - Ảnh: B.S.
Xe bồn chạy gần 100km/h
Theo dữ liệu giám sát hành trình từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe bồn đã chạy với tốc độ 96km/h thời điểm xảy ra tai nạn lúc 4h33 ngày 22-11.
Trong khi đó, quốc lộ 13 đoạn qua ấp 3B, xã Minh Hưng là đường đôi, có dải phân cách cứng ở giữa nên tốc độ tối đa cho phép 60km/h.
Đáng chú ý, trước khi xảy ra tai nạn, xe bồn cũng thường xuyên chạy với tốc độ trên 80km/h. Cụ thể lúc 3h39, xe bồn chạy với tốc độ 100km/h tại đoạn quốc lộ 13 qua thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương.
Lúc 3h45, xe bồn chạy với tốc độ 101km/h tại đoạn quốc lộ 13 qua xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, Bình Phước. Đến 4h31, xe bồn liên tục chạy tốc độ trên 80km/h. Xe tăng tốc từ 85km/h lên 93km/h, đạt tốc độ 96km/h lúc 4h33 là thời điểm tai nạn.
Tài xế xe bồn bị thương nặng, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Trong khi đó, tài xế xe ba gác là Bùi Thanh Vĩnh, 43 tuổi, bị thương nhẹ. Tài xế xe ba gác cho biết khi đang đi sát lề để giao đá thì bất ngờ nghe tiếng "ầm" phía sau, ông té ngã, quay đầu nhìn lại đã thấy xe bồn lao qua bên kia đường, bị lật.
Đồ họa toàn cảnh vụ lật xe bồn
Thăm hỏi các nạn nhân
Ngay trong ngày 22-11, đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước và các cơ quan chức năng của tỉnh đã thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn, với số tiền ủng hộ bước đầu cho gia đình có người tử vong lên tới hàng chục triệu đồng. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu công an tỉnh nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Ông Nguyễn Kim Lăng (nguyên phó giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam):
Quản lý lỏng lẻo hành lang an toàn giao thông
Theo quy định pháp luật, không ai được xây nhà trong phạm vi hành lang an toàn giao thông.
Vì vậy, trước đây phần lớn ở hai bên tuyến quốc lộ đều là ruộng đồng, nhưng dần dần người dân xây dựng nhà ở, công trình xâm phạm hành lang an toàn giao thông.
Như vậy, khi gặp sự cố trên quốc lộ, lái xe thường đâm vào nhà dân, thay vì trước đây đâm xuống ruộng.
Có thể nói việc quản lý quá lỏng lẻo hành lang an toàn giao thông trên quốc lộ có yếu tố vì lợi ích của cá nhân hoặc lợi ích của địa phương.
Hậu quả là tuyến quốc lộ đi qua các tỉnh TP đã trở thành đường đô thị, nên nhiều địa phương đã "chữa cháy" bằng cách xây dựng tuyến tránh. Liệu các tuyến tránh này được quản lý có chặt chẽ, hay sau đó nó trở thành đường đô thị?
Không đâu xa, tại TP.HCM do không quản lý chặt chẽ đất ở hai bên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (khu vực quận 2, 9) nên nhiều khu dân cư mọc lên.
Mới đây, TP lại "chữa cháy" bằng cách xây dựng đường song hành đường cao tốc. Điều này cho thấy đằng sau việc quản lý không chặt chẽ đất trong hành lang an toàn giao thông chủ yếu vì lợi ích đất đai.
NGỌC ẨN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận