20/01/2019 12:15 GMT+7

Vụ chạy thận: cần xác minh chứng cứ 'đầu độc giết người' của luật sư

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Tại tòa xử vụ chạy thận tại Hòa Bình ngày 19-1, luật sư bất ngờ cung cấp bằng chứng cho rằng có dấu hiệu của một vụ đầu độc. Bằng chứng mới này làm thay đổi bản chất vụ án như thế nào?

Vụ chạy thận: cần xác minh chứng cứ đầu độc giết người của luật sư - Ảnh 1.

Bị cáo Hoàng Công Lương rời tòa sau phiên xét xử ngày 19-1 - Ảnh: DANH TRỌNG

Tại phần xét hỏi chiều 19-1, luật sư Phạm Quang Hưng bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn - giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn - cho hay ông đang giữ bằng chứng chứng minh sự cố ở Hòa Bình là một vụ " giết người".

Luật sư Hưng đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) ngừng phiên tòa để cung cấp bằng chứng.

Nếu có dấu hiệu vụ án giết người, phải trả hồ sơ

Thẩm phán chủ tọa Nghiêm Hoài Anh đề nghị trình bày và cung cấp ngay tại phiên xử nhưng ông Hưng nói đây là "tài liệu bí mật nên mong được cung cấp cho giám đốc Công an tỉnh, viện trưởng Viện KSND tỉnh và chánh án TAND tỉnh Hòa Bình".

Là luật sư bào chữa cho bị cáo , luật sư Trần Hồng Phúc - người có mặt tại phiên tòa - cho biết bà rất bất ngờ với thông tin từ luật sư Hưng.

"Tôi cho rằng đây là một tình tiết hoàn toàn mới, chưa từng được đưa ra xem xét trong suốt quá trình tố tụng. Bởi vậy, nếu bằng chứng này có thật, HĐXX phải trả hồ sơ để điều tra lại nhằm xác định sự thật vụ án", bà Phúc nói.

Bà Phúc cũng cho rằng nếu thực sự có ai đó "có hành động đầu độc các nạn nhân" thì có thể các bị cáo đang bị xét xử sẽ thoát trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp bị cáo đó có tham gia vụ việc.

Về trách nhiệm của luật sư, bà Phúc cũng cho rằng khi luật sư tìm thấy tình tiết mới thì có quyền cung cấp cho tòa, còn việc xác minh, đánh giá ra sao là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

"Nhưng tôi cho rằng khi luật sư đưa ra nhận định và đánh giá như vậy tức đã có cơ sở chứ không phải đưa ra để 'nói chơi' làm mất thời gian của HĐXX", bà Phúc bình luận.

Đồng thời, bà Phúc cũng cho rằng có thể đây là chứng cứ gián tiếp chứ không phải trực tiếp. Để làm rõ chứng cứ gián tiếp này cũng cần phải có thời gian để xác minh.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Hà - chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội - cho biết nếu bằng chứng luật sư cung cấp là thật thì đây là thông tin chấn động và cần được điều tra đánh giá lại toàn bộ vụ án.

Thế nhưng HĐXX cũng cần phải đánh giá xem chứng cứ này có tính xác thực hay không. Cũng đã có nhiều trường hợp luật sư cung cấp bằng chứng tại phiên tòa nhưng không có giá trị pháp lý.

Nếu bằng chứng không có giá trị, xét xử bình thường

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trí Tuệ - phó chánh án TAND tối cao. Ông Tuệ cho biết ông cũng mới nghe thông tin về việc luật sư cung cấp chứng cứ mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Thế nhưng, theo ông, việc đánh giá giá trị của chứng cứ luật sư mới nêu như thế nào đang được HĐXX xem xét. Nếu chứng cứ không đáng tin cậy, phiên tòa vẫn được xét xử bình thường.

Cùng có ý kiến về vấn đề trên, ông Vũ Phi Long - nguyên phó chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM - cho rằng chứng cứ do luật sư cung cấp nếu là thật thì sự việc rất khủng khiếp, nó không còn là vụ án giết người mà là dấu hiệu của tội khủng bố và giết người hàng loạt và có vấn đề về an ninh.

Tuy nhiên, việc chứng cứ có xác thực hay không thì không thể xác định bằng lời công bố đơn giản như thế được.

"Trong trường hợp chứng cứ không xác thực, tòa có thể yêu cầu VKS cùng cấp xác minh xem mục đích của nguồn tin xem có mục đích gì không. Nếu cố ý cung cấp chứng cứ giả mạo để làm sai lệch hồ sơ vụ án thì có dấu hiệu của tội vu khống", ông Long chỉ ra.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên