Bịt mũi và chạy nhanh, cảnh thường thấy ở khu vực gần hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông
Mặc dù đám cháy (xảy ra ngày 28-8) tại khu nhà xưởng sản xuất của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã được dập tắt hoàn toàn nhưng mùi khét vẫn bao trùm khu vực.
Không khí khu vực vụ cháy an toàn?
Chiều 30-8, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm tra bằng test nhanh với các mẫu không khí lấy tại khu vực cháy cho thấy nồng độ bụi và các chỉ số ở ngưỡng an toàn cho sức khỏe.
Tuy nhiên đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết mẫu đất và nước vẫn phải kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Cán bộ của viện sẽ làm việc cả ngày nghỉ lễ nhưng phải 4-5 ngày tới mới có kết quả.
Vị cán bộ trên cũng cho biết kết quả test nhanh mẫu không khí cũng chưa nói lên điều gì. Bởi sau vụ cháy, trời Hà Nội đã mưa to liên tiếp, nhờ đó chất lượng không khí có tốt hơn. Dự kiến hôm nay 31-8, chuyên viên của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội lấy thêm mẫu rau và cá ở lân cận khu vực cháy để kiểm tra.
Chiều 30-8, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã có văn bản báo cáo UBND quận Thanh Xuân, trả lời các lo ngại của người dân về nghi vấn rò rỉ thủy ngân sau vụ hỏa hoạn.
Văn bản của Công ty Rạng Đông cho biết: "Công ty đã nghiên cứu, sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016. Chúng tôi cam kết ngay sau khi cơ quan điều tra xong vụ việc này, sẽ mời các cơ quan chuyên môn đánh giá tác động môi trường và thuê xử lý môi trường, đảm bảo sức khỏe cán bộ nhân viên công ty và người dân sống xung quanh".
Người dân bán rau quả ở gần hiện trường vụ cháy - Ảnh: D.TRỌNG
Còn nhiều người cần xét nghiệm
Ngày 31-8, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thông báo kết quả xét nghiệm của 12 người đã đến khám và làm các xét nghiệm sau vụ cháy. Trong đó có 10 phóng viên tác nghiệp trong khoảng cách 5m từ rìa đám cháy và 2 người dân sống tại khu vực lân cận đám cháy. Những người này đã có một hoặc các biểu hiện như nôn, đau đầu, cay mắt, ngứa mũi... sau vụ cháy.
"Còn nhiều người trong diện cần phải đánh giá, như cảnh sát PCCC, công nhân Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông tham gia chữa cháy và những người sống gần sát khu vực có đám cháy" - ông Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, nói thêm trong cuộc gặp với báo chí chiều 30-8.
Theo ông Nguyên, thực tế có nhiều loại thủy ngân, trong trường hợp đám cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông là thủy ngân kim loại. Trong điều kiện nhiệt độ bình thường, thủy ngân ít gây hại, nhưng khi được hun nóng và bốc hơi vào không khí, thủy ngân có nguy cơ gây các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tê chân tay, sốt, khó thở, tức ngực... cho những người hít phải khói bụi có chứa thủy ngân.
"Nguy cơ này còn phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với khói bụi có thủy ngân đã bị hun nóng và bốc hơi, nồng độ thủy ngân trong không khí hay chiều gió thuận lợi. Trẻ em có nguy cơ bị tác động nhiều hơn người lớn" - ông Nguyên giải thích.
Ngoài ra, ông Nguyên cũng cho rằng chưa cần khuyến cáo người dân di dời ra khỏi khu vực xảy ra đám cháy do đám cháy đã tắt. "Chúng tôi đang đợi kết quả xét nghiệm của 12 người đến khám đầu tiên và tính toán tiếp các nguy cơ" - ông Nguyên nói. Ông Nguyễn Khắc Hiền - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cũng cho rằng các gia đình gần đám cháy chưa cần phải tạm rời khỏi nhà.
Ngày 30-8, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng đã quan trắc, lấy mẫu đất, nước, không khí ở khu vực bị cháy.
Cấp nào có thẩm quyền ra khuyến cáo?
Sáng 30-8, lãnh đạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã có quyết định thu hồi văn bản số 112 có nội dung khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm tự nuôi trồng, nước trong bán kính 1km từ Công ty Rạng Đông.
"Việc UBND phường Hạ Đình khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, nhỏ mắt, súc miệng... đảm bảo vệ sinh cá nhân là tốt. Tuy nhiên, việc khuyến cáo người dân tiêu hủy trái cây, thay đổi cây trồng... gây lãng phí và không đúng thẩm quyền", vị lãnh đạo quận nói.
Tuy cảnh báo là "hơi quá", nhưng qua đó cũng nhắc mọi người cảnh giác hơn trước các nguy cơ.
Tuy nhiên, theo đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, khi ban hành văn bản chính thức từ cơ quan hành chính nhà nước cần dựa trên cơ sở khoa học. Ở vụ việc này, chưa có kết quả kiểm tra từ cơ quan chuyên môn, khuyến cáo như vậy là chưa đủ cơ sở.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, hiện chưa có quy định về việc trong tình huống cụ thể như vụ cháy này chính quyền cấp phường đưa ra những khuyến cáo gì.
Trong khi đó, lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho rằng: "Việc khuyến cáo các biện pháp phòng vệ sức khỏe phải trên cơ sở khoa học. Trước mắt người dân nên đeo khẩu trang, súc miệng và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, các biện pháp khác cần chờ hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn sau khi có kết quả xét nghiệm".
Chuyên gia: amalgam bản chất là thủy ngân
Liên quan đến thông tin về vấn đề môi trường và những ảnh hưởng của vụ cháy đến sức khỏe con người, trong văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã thông tin cụ thể về các vật tư, nguyên vật liệu chính sản xuất sản phẩm bóng đèn huỳnh quang, CFI, đèn tròn.
Theo đó, bầu đèn CFL được làm bằng nhựa PC, đạt chứng chỉ UL, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người kể cả khi cháy. Vỏ bóng đèn các loại làm bằng thủy tinh không chì nên không có hàm lượng kim loại nặng. Đầu đèn làm bằng nhôm với công nghệ hàn dập không sử dụng thiếc hàn. Dây tóc làm bằng wolfram. Từ đó Công ty Rạng Đông khẳng định khôngảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, đối với vật liệu là thủy ngânđược sử dụng sản xuất bóng đèn, công ty này cho biết từ năm 2016 đã có nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đỗ Thanh Bái - Hội Hóa học Việt Nam - cho rằng amalgam (tên tiếng Việt gọi là hỗn hống) bản chất là thủy ngân, song ở một dạng khác và được đưa vào bóng đèn ở dạng thủy ngân tinh khiết.
Đây là một dạng kim loại nằm trong các kim loại khác nên có thể lượng thủy ngân ít hơn, nhưng bản chất cũng không làm giảm tính nguy hại nếu bị đốt cháy. Bởi thông thường thủy ngân sử dụng trong bóng đèn, nhiệt kế không có gì nguy hiểm, là chất không màu, không mùi, nhưng khi được đốt cháy hoặc bay hơi vào không khí thì sẽ nguy hại.
Ngoài ra, các chất khác sản xuất bóng đèn như thủy tinh, nhựa, nhôm... khi được đốt cháy có thể sinh ra chất hữu cơ, các biến chất khác như CO, H2S và nhiều hợp chất khác ảnh hưởng đến sức khỏe con người. T
uy nhiên, TS Bái cũng cho rằng cần phải có đầy đủ thông tin số liệu được đánh giá mức độ thủy ngân và các nguyên liệu đã bị đốt cháy trong vụ việc tại Công ty Rạng Đông mới có thể đưa ra kết luận được, đặc biệt là khối lượng amalgam sử dụng sản xuất bóng đèn tại công ty này để đánh giá tác động và mức độ nguy hại đến môi trường.
N.AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận