Hàng ngàn xe máy trong bãi xe chìm trong biển lửa - Ảnh: MINH HÒA
Đến tối ngày 6-6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vẫn đang phối hợp cùng Công an TP Thủ Đức phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy bãi xe tang vật và xe vi phạm của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM quản lý trên đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước vào lúc 13h35.
Theo ghi nhận, hàng ngàn xe máy các loại cùng ôtô, xe tải... và cơ sở vật chất trong bãi xe bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, các xe đều bị cháy trơ khung. Tuy nhiên, lực lượng PCCC đã nỗ lực khống chế đám cháy sớm và bảo vệ được nhiều xe máy còn lại trong bãi.
Lực lượng PCCC nỗ lực bảo vệ được số xe máy nằm sát mép tường - Ảnh: MINH HÒA
Cơ quan chức năng vẫn chưa có thông tin chính thức về số lượng, chủng loại và tình trạng pháp lý của số xe bị cháy.
Do cơ quan chức năng chưa thống kê và công bố thiệt hại, một số người dân có xe bị Phòng PC08 tạm giữ lo lắng, không biết "số phận" tài sản của mình ra sao. Nếu chẳng may xe bị cháy trong thời gian cảnh sát giao thông tạm giữ, thiệt hại ai chịu?
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết điều 9 nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính quy định trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu như sau:
"Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật...".
Theo điều 349 Bộ luật dân sự năm 2015, nghĩa vụ của bên cầm giữ là "bảo quản tài sản cầm giữ, không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ, bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ".
Như vậy, trường hợp cảnh sát giao thông hoặc người đang trực tiếp bảo quản xe của người vi phạm làm cháy nổ, hư hỏng thì cảnh sát giao thông hoặc người đang trực tiếp bảo quản tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Nếu các bên không thương lượng được, chủ xe có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường.
Cột khói bốc cao hàng chục mét từ đám cháy - Ảnh: MINH HÒA
Cũng theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, theo khoản 2, điều 11 nghị định 115/2013, cá nhân có xe bị tạm giữ có nghĩa vụ nhận lại xe theo đúng thời hạn ghi trong quyết định tạm giữ.
Quá thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan.
Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu xe để xử lý theo quy định tại điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, xe sau khi bị tịch thu, cơ quan công an sẽ thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm thực hiện việc bán đấu giá. Trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá. Tiền bán đấu giá sung công quỹ nhà nước.
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm, trong quá trình thực hiện thủ tục đấu giá, số xe này bị cháy nổ, hư hỏng thì trách nhiệm vẫn thuộc về người đang trực tiếp quản lý, bảo quản những tài sản nói trên. Nếu xác định được người nào có hành vi cố ý gây cháy nổ làm mất mát, hư hỏng thì cá nhân, cơ quan đang trực tiếp quản lý có quyền yêu cầu người đó phải bồi thường thiệt hại cho ngân sách.
Lực lượng PCCC dập tắt đám cháy sau nhiều giờ nỗ lực - Ảnh: MINH HÒA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận