Khi chung cư Carina cháy, người dân tự cứu bằng những phương tiện thô sơ tự chế - Ảnh: LÊ PHAN
Trở lại căn hộ thu dọn đồ đạc đến nơi ở tạm với nỗi ám ảnh, kinh hoàng, nhiều cư dân sống ở chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) thẫn thờ kể lại thời khắc tự mình mò mẫm để thoát thân bởi không nhận được tín hiệu nào hỗ trợ trước khi cảnh sát PCCC đến.
Trong khi đó, trả lời báo chí, cơ quan chức năng lại khẳng định có hệ thống báo cháy, hệ thống tự chữa cháy và mới được kiểm tra định kỳ vào tháng 1-2018!
5 không
Những cư dân ở chung cư Carina may mắn thoát được khỏi đám cháy cho biết lúc xảy ra cháy không có báo động, không có đèn tín hiệu hướng dẫn thoát thân, hệ thống phun nước chữa cháy tự động không hoạt động, không có người hướng dẫn cho đến khi cảnh sát PCCC đến.
Sau này cơ quan chức năng còn phát hiện hệ thống hút khói và ngăn khói bị vô hiệu.
Chị Nguyễn Thị Tố Lan, chủ căn hộ A1214, may mắn được cảnh sát PCCC giải cứu, khẳng định lúc xảy ra cháy chung cư không hề có báo động và không có đèn tín hiệu hướng dẫn người dân lối thoát khỏi tòa nhà trước đám cháy.
Đồ họa: V.CƯỜNG
Ngồi thẫn thờ chờ người con dọn đồ từ căn hộ xuống, chị Lan kể lại khi phát hiện cháy lúc khoảng 1h30 sáng, con chị dậy bật đèn không thấy sáng nên nhìn ra bancông thấy khói bốc lên.
Biết là có cháy nhưng không có cách thoát thân, chị và gia đình cố thủ ở phòng và may mắn đến khoảng 3h thì được cảnh sát PCCC giải cứu cả nhà.
Quá mệt mỏi từ lúc xảy ra cháy đến nay, chủ căn hộ A09... (không nêu tên) cho biết lúc xảy ra cháy vì ở tầng trên nên không có ai lên báo cho biết có cháy.
Đến khi biết thì tối om nên đưa tay mò khẩu trang rồi quàng cho cháu và cho mình để chạy ra hành lang, tự tìm cách thoát thân.
Chị cũng khẳng định khi xảy ra cháy không có báo động, không có tín hiệu chỉ hướng thoát nạn, trước khi biết cháy thì điện đã cúp.
Nhiều người dân sống ở chung cư khi được hỏi lúc cháy có những thiết bị nào hỗ trợ mọi người thoát thân không thì đều trả lời mọi người tự báo cho nhau rồi tự mình tìm cách thoát, không nhận được sự hỗ trợ nào để xác định vị trí xảy ra cháy và thoát bằng cách nào.
Chị Trần Thị Thu Huyền, ở block B, kể lại: "Lúc tôi đang ngủ, nghe la cháy nhà nên giật mình. Hai vợ chồng vội bế hai con bỏ chạy. Không thấy ai hướng dẫn nên hai vợ chồng bị lạc nhau, xuống dưới đất mới gặp lại, chỉ biết ôm nhau khóc".
Dân tự lo
Cùng chung cảnh ngộ, chị Tâm sống ở tầng 9 khu B cũng khẳng định thêm khi đang ngủ, chị giật mình bởi tiếng la hét, tiếng chân chạy rầm rập phía ngoài. Khi biết chung cư đang bị cháy, chị Tâm liều mình chạy xuống cùng đoàn người.
Chị Tâm khẳng định các thiết bị hỗ trợ và đèn tín hiệu cũng như hệ thống phun nước tự động chữa cháy ở khu chung cư Carina khi xảy ra cháy đều tê liệt.
Nhiều người dân sống ở khu chung cư này còn cho biết khi cháy lực lượng bảo vệ của chung cư rất mỏng, một số đứng dưới đất la: "Cháy rồi bà con, chạy xuống bà con ơi, cháy chung cư rồi, xuống đi!".
Người dân sống tạm tại tầng trệt khu chung cư đối diện nơi xảy ra cháy - Ảnh: XUÂN ĐÀO
Trong thời khắc xảy ra cháy, điều mà các cư dân ở đây thoát thân được trước khi lực lượng PCCC đến là nhờ thiết bị phòng cháy mà họ tự trang bị cho gia đình và nước từ vòi sinh hoạt trong căn hộ.
"Khi xảy ra cháy trong phòng tôi chỉ có 2 bình chữa cháy và 2 mặt nạ chống độc đều tự sắm. Chung cư không sắm cho bất cứ thứ gì chữa cháy trong phòng, thiết bị phun nước tự động khi xảy ra cháy cũng không thấy phun nước.
Không biết làm cách nào nên tôi cố thủ trong phòng chịu chết. Khi nghe báo lửa đã được dập tắt mới mở cửa chạy xuống" - chị Châu Thị Thu, chủ căn hộ A0903, kể lại.
Nói thêm về tình hình tại nơi mình sống, anh Trần Trọng Nghiêm, cư dân B15.12, cho rằng đội ngũ nhân sự của chung cư Carina từ khâu vệ sinh, bảo vệ chưa chuyên nghiệp và thiếu nghiệp vụ.
"Nếu ban quản lý cho đến đội nghiệp vụ trực đêm nghiêm túc thì mọi chuyện đã khác. Chuông báo động không báo cháy, đèn thoát hiểm không sáng. Toàn bộ cư dân không hề hay biết cháy phát ra từ đâu, chỉ thấy khói lùa vào nhà mình thì chạy", anh Nghiêm bức xúc.
Sáng 24-3, cư dân khu vực cháy rời khỏi chung cư Carina nhưng muốn sớm được trả lời vì sao xảy ra vụ cháy “5 không” - Ảnh: XUÂN HƯNG
Chủ đầu tư, cơ quan quản lý PCCC hay người dân?
* KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:
Làm rõ nơi kiểm tra hệ thống báo cháy
Những thông tin từ cư dân cho thấy khói từ đám cháy ở tầng hầm tràn vô thang thoát hiểm, điều này khó chấp nhận được.
Về nguyên tắc, thang thoát hiểm phải là nơi an toàn nhất cho cư dân trú ẩn. Nhưng ở đây hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động chứng tỏ chung cư trên có vấn đề trong quản lý phòng cháy chữa cháy.
Thông tin cho thấy chung cư mới được cơ quan chức năng kiểm tra vào tháng 1-2018 và xác định hệ thống báo cháy, chữa cháy bảo đảm nhưng khi có cháy lại không hoạt động. Trong khi cư dân phản ảnh hệ thống phòng cháy chữa cháy không bảo đảm an toàn.
Điều này cần xem xét trách nhiệm của người kiểm tra.
* TS LÊ VĨNH AN (trưởng khoa kiến trúc Đại học Duy Tân, Đà Nẵng):
Nhiều chủ đầu tư bỏ qua tiêu chuẩn thiết kế
Hiện nay nhiều chủ đầu tư bỏ qua tiêu chuẩn thiết kế hệ thống thoát hiểm hoặc mang tính chiếu lệ.
Quỹ đất đai chật hẹp, thay vì thiết kế chung cư phải để một khoảng cho những lối thoát hiểm, hành lang đủ tiêu chuẩn thì chủ đầu tư lại bớt xén phần diện tích này để tăng diện tích căn hộ, thu lợi nhuận. Trong trường hợp hỏa hoạn rất khó ứng cứu, chạy thoát ra ngoài.
Mặt khác, hiện rất ít chung cư đầu tư xây dựng bể nước chữa cháy trên cao. Đây là những bể nước quan trọng, khi cần có thể nhanh chóng xả nước từ trên xuống dập tắt đám cháy.
* Ông NGÔ QUANG PHÚC (tổng giám đốc Phú Đông Group):
Chủ đầu tư phải đảm bảo PCCC
Vấn đề PCCC ở chung cư có hai phía rất quan trọng là chủ đầu tư và cư dân. Đối với chủ đầu tư, khi tạo lập ra sản phẩm, việc thiết kế và thẩm duyệt PCCC của một chung cư cao tầng rất quan trọng và rất khó. Tất cả công trình phải đảm bảo mới được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, quan trọng là vận hành, quản lý sau khi công trình hoàn thành. Tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhưng chủ đầu tư lắp đặt những thiết bị PCCC rẻ tiền và không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên nó sẽ hỏng hóc, không tự động hóa được.
Chỉ làm đối phó khi xảy ra rủi ro thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, đơn vị vận hành, quản lý tòa nhà phải có bộ phận chuyên môn am hiểu hệ thống PCCC để kiểm tra và chạy thử hệ thống đó một cách trơn tru, khi đó mới đảm bảo an toàn.
Mặt khác, ý thức sử dụng của người mua nhà vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ ở chung cư. Thử tưởng tượng một chung cư 1.000 căn hộ, mỗi hộ ứng xử khác nhau về an toàn cháy nổ cũng dễ xảy ra rủi ro.
Để chung cư an toàn, ý thức người dân vô cùng quan trọng. Nếu người dân bất cẩn có thể gây họa.
* Ông NGUYỄN VĂN HIỆP (nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM):
Rất khó quy trách nhiệm cụ thể
Quy định hiện nay hồ sơ PCCC chung cư phải do cảnh sát PCCC thẩm định phương án từ khi thiết kế cơ sở, chuẩn bị thi công và nghiệm thu khi công trình hoàn thành. Tuy nhiên đến khi xảy ra sự cố rất khó quy trách nhiệm cụ thể.
Trong khi ở nhiều nước không có chuyện cảnh sát PCCC thẩm định hệ thống thiết bị PCCC trong chung cư.
Những hệ thống PCCC đạt chuẩn thì khi xảy ra hỏa hoạn phải tự động báo động. Các cầu thang bộ của chung cư phải được thiết kế ngăn khói lọt vào.
Ngoài ra, phải có hệ thống thông gió để lỡ khi khói lọt vào sẽ được nhanh chóng hút lên. Cửa cầu thang bộ thường hai lớp, kín và làm bằng chất liệu chống cháy.
Mặt khác, cửa thoát hiểm phải thông thoáng, bộ phận tay nắm gọn, đảm bảo mở được nhanh khi có sự cố. Khi đó, người dân đi theo đường bộ ra ngoài mới đảm bảo không bị ngộp thở.
Đối với tầng hầm chung thông thường sẽ có màng ngăn nước, khi có cháy xảy ra các thiết bị sẽ tự động phát hiện phun nước xuống. Khi đó giảm thiểu được đám cháy lan ra các khu vực khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận