Liên quan đến chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân, TP.HCM), Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Thành - phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phú (thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM) - về lý do khiến chung cư này nhiều lần bị cắt điện.
"Không muốn cắt điện cư dân"
* Chung cư này có hơn 500 người đang sinh sống, việc phải cắt điện là chuyện chẳng đặng đừng?
- Đúng là chung cư này có nhiều người dân sinh sống. Bản thân tôi không muốn chuyện này xảy ra. Do đó, chúng tôi đã chia sẻ bằng rất nhiều cách như giãn tiến độ thanh toán cho chủ đầu tư. Thậm chí, anh nói không đủ khả năng để thanh toán nợ cũ thì tôi cũng phải hỏi là khả năng anh có bao nhiêu, ít nhiều mỗi tháng phải thanh toán cho ngành điện để chúng tôi có cơ sở duy trì cấp điện.
Còn tiền điện những tháng mới, chủ đầu tư đã thu đủ thì phải trả cho ngành điện chứ, không thể bán điện mà không trả tiền. Lúc đầu chủ đầu tư trả nợ cũ mỗi tháng 100 triệu, sau đó xin xuống 50 triệu, chúng tôi cũng "xé rào" đồng ý để cấp điện cho dân.
Sau khi báo Tuổi Trẻ Online phản ánh câu chuyện, phía chủ đầu tư đã xin đóng 30 triệu đồng tiền nợ cũ, hiện họ còn nợ chúng tôi khoản nợ hơn 420 triệu đồng.
* Cư dân phản ánh chung cư có cả người già đang thở oxy, ngành điện làm đúng quy trình nhưng người dân cũng đã đóng tiền điện đầy đủ rồi nên họ không đáng để chịu "vạ lây"?
- Thực ra chúng tôi không hề muốn cắt điện, đây là lỗi của cá nhân (chủ đầu tư chung cư - PV) mà nhiều người bị ảnh hưởng. Đến nay, chúng tôi đã cắt điện 4 lần. Mỗi khi cắt, chúng tôi phải báo với đầy đủ các bên, cư dân, chính quyền địa phương, thậm chí công an quận.
Trước khi cắt điện, chủ đầu tư báo có người thở oxy, UBND phường đã cử y tế đến kiểm tra, đánh giá là không ảnh hưởng nên điện lực mới cắt.
Dù đã gửi thông báo cắt nhưng chúng tôi phải gia hạn nhiều lần, chờ thêm để chủ đầu tư có động thái song không có. Bản thân chúng tôi cũng đã báo cáo rất nhiều cấp, tham dự rất nhiều cuộc họp từ phường đến quận để gỡ vướng, trong đó đề xuất Công ty Nguyễn Quyền ủy quyền cho ban quản trị thu chi để đảm bảo thanh toán tiền điện cho ngành điện đúng hạn.
Tuy nhiên, Công ty Nguyễn Quyền vẫn không đồng ý.
Chủ đầu tư phải lắp trạm biến áp tổng theo quy định
* Chủ đầu tư kể rằng có tranh chấp tiền điện thời COVID, cụ thể như thế nào thưa ông?
- Thời COVID, chúng tôi không được ra đường để ghi tiền điện mà liên hệ qua điện thoại để họ đọc số điện 2 tháng, còn 3 tháng điện lực tạm tính, sau đó chúng tôi đã đến trực tiếp xem công tơ và chốt đúng chỉ số.
Tiếp đó, chủ đầu tư cũng phản ánh đồng hồ chạy nhanh, chúng tôi đã xuống kiểm chứng, kết quả là sai số cho phép, thậm chí chúng tôi đã hướng dẫn để đi kiểm chứng độc lập nhưng họ không chịu.
Từ đó, chủ đầu tư cứ chây ì trả tiền điện, chậm thanh toán.
* Vấn đề mấu chốt là tại sao ngành điện không bán điện trực tiếp cho cư dân như những chung cư khác mà phải thông qua trung gian là chủ đầu tư?
- Hiện chủ đầu tư đang dùng điện qua công tơ tổng, sau đó cấp lại cho khoảng 150 hộ, chủ đầu tư tự thu tiền. Chúng tôi chưa lắp đặt công tơ, mua bán điện trực tiếp với người dân do chủ đầu tư chưa hoàn thiện về hạ tầng theo Luật kinh doanh bất động sản. Nguyên tắc là chủ đầu tư phải lắp đặt trạm biến áp tổng để cấp điện cho các hộ dân, sau đó mới đề nghị ngành điện lắp công tơ cho các hộ dân.
Thời gian qua, chúng tôi đã rất nhiều lần làm việc trực tiếp với chủ đầu tư tại điện lực, tại UBND phường, quận và Sở Công Thương để giải quyết, đồng thời có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ để chúng tôi cấp điện. Thế nhưng, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa làm.
Hy vọng không phải cắt điện
* Vậy trường hợp chủ đầu tư vẫn chây ì, không đầu tư trạm biến áp hoặc không tiếp tục đóng tiền điện thì người dân lại mất điện trong khi họ đóng tiền đầy đủ. Cư dân cũng nhiều lần đề xuất với nhiều cấp là ngành điện đầu tư hạ tầng rồi truy thu từ Công ty Nguyễn Quyền và có cơ chế mua bán trực tiếp với dân?
- Đúng là theo quy định thì chúng tôi vẫn phải cắt điện để thu hồi nợ, nếu chủ đầu tư chây ì thì chúng tôi vẫn phải làm. Tuy nhiên, phía quận, phường cũng đã gởi các giấy mời họp, chủ đầu tư đang hợp tác, đóng tiền dần dần, hy vọng tình huống xấu nhất này không xảy ra.
Báo Tuổi Trẻ Online lên tiếng đã đánh động các bên, tạo nên chuyển biến tích cực, kể cả chủ đầu tư họ cũng nhận sai và hợp tác. Quận cũng có chỉ đạo bàn giao cho ban quản trị thu tiền, tôi mới trao đổi với chủ đầu tư thì họ cũng nói đồng ý và đã chuyển 30 triệu vào chiều 28-6.
Còn với các giải pháp mà cư dân đưa ra là biện pháp "xé rào", nếu quận có đề xuất lên UBND TP, sau đó có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ thực hiện, còn về mặt quy định hiện hành là không được như thế. Vừa rồi, UBND quận cũng đã trao đổi là sẽ đề xuất UBND TP để có cơ chế riêng cho trường hợp này, như vậy sẽ gỡ vướng.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn các cơ quan của TP cùng vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ đầu tư tiếp cơ sở hạ tầng và đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng về điện để công ty sớm bán điện trực tiếp đến người dân.
Chung cư Nguyễn Quyền vi phạm về phòng cháy chữa cháy
Theo đó, chung cư được Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt PCCC và khởi công xây dựng vào tháng 9-2009 đến tháng 1-2013 thì chủ đầu tư chung cư Nguyễn Quyền tự ý đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho hay, về phòng cháy chữa cháy chủ đầu tư cố tình chây ì, né tránh không tổ chức khắc phục bất kỳ tồn tại, thiếu sót nào về phòng cháy chữa cháy.
Nhiều lần không hợp tác, phối hợp làm việc với các đoàn kiểm tra khi có lịch, thông báo. Không hợp tác, phối hợp trong công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, chủ đầu tư chung cư Nguyễn Quyền thi công một số hạng mục kiến trúc xây dựng, phòng cháy chữa cháy sai thiết kế đã được cơ quan chức năng phê duyệt nhưng không trình hồ sơ điều chỉnh thiết kế để được thẩm duyệt lại.
Chủ đầu tư còn sai phạm hàng loạt hạng mục như: Chưa niêm yết biển báo, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn tại các tầng theo quy định, không thành lập đội phòng cháy và chữa cháy, không có báo cáo kết quả kiểm tra an toàn PCCC định kỳ 6 tháng của người đứng đầu cơ sở, chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc,....
Về hệ thống điện, ông Hà cho biết hệ thống điện phía trong chung cư chưa được đi vào ống nhựa bảo vệ và có câu mắc đấu nối thêm các dây dẫn điện tại các tầng trong nhà không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Không hợp tác trong công tác khảo sát khắc phục các tồn tại, thiếu sót của các hạng mục, hệ thống phòng cháy chữa cháy...
Đồng thời, chủ đầu tư không phối hợp làm việc với các đoàn kiểm tra, không chấp hành các quyết định xử lý, quyết định đình chỉ của cơ quan quản lý nhà nước.
Trước đó, vào tối 26-6, chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân) đã bị cắt điện khiến thang máy không hoạt động, người dân không có nước sử dụng.
Theo các cư dân, hằng tháng, các hộ dân đều trả tiền điện cho Công ty Nguyễn Quyền song công ty nhiều lần không thanh toán cho phía điện lực khiến chung cư thường xuyên bị cắt điện.
LƯU DUYÊN
Cư dân mong mỏi xử lý dứt điểm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 29-6, đại diện ban quản trị chung cư Nguyễn Quyền cho biết cư dân mong mỏi các bên sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại của chung cư này, trước mắt là đảm bảo cấp điện cho người dân.
Theo vị này, chung cư có đến 13 tầng, khi cắt điện, thang máy không hoạt động, nước không bơm được, trong khi trong chung cư có người già, trẻ em, bà bầu, người bệnh thở oxy... dẫn đến ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cư dân, có người phải đi ở nhà nghỉ.
Vì vậy, ban quản trị chung cư mong muốn các cơ quan chức năng giải quyết theo các đề xuất của người dân để ngành điện được mua bán điện trực tiếp với cư dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận