Ngày 20-8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lập tổ công tác giám định và thực hiện đền bù cho nông dân có bò sữa chết và bị bệnh sau tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC, do Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Công ty Navetco) sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết tổ công tác phải thực hiện rà soát, thống kê, tính toán thiệt hại của nông dân có bò bị bệnh, chết do tiêm vắc xin. Đồng thời phối hợp với Công ty Navetco để thực hiện hỗ trợ, đền bù cho người dân có liên quan đến vụ việc.
Thành phần tổ giám định có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Kim Lan - tổng giám đốc Công ty Navetco - với vai trò là tổ phó.
Trước đó, sau khi xác định nguyên nhân chính của vụ bò sữa chết hàng loạt, ông Nguyễn Thái Học - quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện 4 nội dung liên quan vấn đề này.
Trong đó có việc xây dựng phương án, kế hoạch bồi thường, hỗ trợ người dân nuôi bò sữa bị thiệt hại; dồn lực lượng hỗ trợ nông dân cứu chữa đàn bò bị mắc bệnh.
Việc làm rõ quy trình đấu thầu; quá trình giao nhận và bảo quản, các quy trình, hướng dẫn sử dụng và các vấn đề liên quan khác về việc lần đầu tiên sử dụng chủng loại vắc xin này để tiêm cho đàn bò trên địa bàn cũng được yêu cầu làm rõ.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, từ cuối tháng 7-2024 đến nay, nhiều khu vực nuôi bò sữa thuộc hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương xuất hiện tình trạng bò sữa sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục đã bỏ ăn, bị tiêu chảy ra máu rồi chết, trong khi số bò không tiêm loại vắc xin này vẫn khỏe mạnh.
Loại vắc xin nêu trên đã được chỉ đạo dừng tiêm sau khi bò chết bất thường, nhưng hiện nay số bò chết tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo Cục Thú y, nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng là do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty Navetco.
Tính đến 16h ngày 19-8, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 6.400 con bò bệnh, trong đó có 348 con chết, 718 con hồi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận