30/05/2014 15:08 GMT+7

Vụ Bầu Kiên: Hầu tòa vì lợi ích nhóm, "đường vòng tội lỗi"

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Ngày 30-5, tranh luận lại với bào chữa của các bị cáo, luật sư trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) về vụ cố ý làm trái tại Ngân hàng ACB, đại diện VKS nói sai phạm này từ “lợi ích nhóm" và "đường vòng tội lỗi”.

6ucI0jvO.jpg
Đại diện VKSND TP Hà Nội tranh luận lại - Ảnh: Tâm Lụa
Nqtuqc7F.jpg
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa - Ảnh: Tâm Lụa

Trong ngày làm việc thứ 10 phiên tòa xử Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư ngân hàng ACB) và đồng phạm, sáng 30-5 đại diện VKSND TP Hà Nội đã tranh luận lại, đề nghị tòa bác ý kiến của các bị cáo và luật sư.

“Lợi ích nhóm, đường vòng tội lỗi”

Tranh luận lại với các bị cáo và luật sư, đại diện VKS đã dùng từ “lợi ích nhóm và đường vòng tội lỗi” khi đề cập đến hành vi cố ý làm trái xảy ra tại ngân hàng ACB.

Theo VKS, tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có liên quan đến nền tài chính quốc gia. Ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật như các doanh nghiệp khác thì các tổ chức tín dụng còn bị điều chỉnh bởi Luật các Tổ chức tín dụng. Các thành viên trong HĐQT đều được Thống đốc ngân hàng nhà nước chuẩn y, đều là những người có chức vụ quyền hạn.

Qua quá trình thẩm vấn công khai tại tòa cũng như các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đại diện VKS xác định các bị cáo trong HĐQT ACB biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm trái. Làm với động cơ, mục đích lợi ích nhóm. Lợi ích này cho riêng ACB. Các bị cáo là thành viên ACB, trong lợi ích nhóm đó có lợi ích cá nhân. Các bị cáo làm trái với mục đích, động cơ vụ lợi nên phải chịu trách nhiệm chung.

Về chủ trương của thường trực HĐQT ACB đầu tư mua cổ phiếu gây thua lỗ cho ACB 687 tỉ đồng, đại diện VKS cho rằng chủ trương này đã được đưa ra bàn bạc rất kĩ, rất sâu, rất cụ thể tại cuộc họp. Sau đó giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo công ty ACBS (là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) mua cổ phiếu của chính ACB. Các bị cáo đã bàn bạc để giữ bí mật về việc này. Theo VKS, đây là kinh doanh không lành mạnh.

“Khi tiến hành thực hiện, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty chứng khoán ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty ACI và ACI Hà Nội để mua cổ phiếu của ACB. Tiền của ACB lại quay về chính ACB. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, dòng tiền này được núp dưới các hợp đồng vay liên ngân hàng, hợp đồng hợp tác đầu tư. Tôi có thể gọi tên dòng tiền này là đường vòng tội lỗi”, lời đại diện VKS.

Về việc ngân hàng ACB cho rằng không có thiệt hại trong vụ án, không buộc các bị cáo bồi thường, đại diện VKS cho rằng ACB làm vậy để tránh hậu quả cho các bị cáo và để tránh hậu quả pháp lý cho ACB.

Về chủ trương ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào Vietinbank, đại diện VKS cho rằng thời điểm ACB ra chủ trương, Ngân hàng Nhà nước đã cấm vấn đề cho vay liên ngân hàng vì phản ánh sai lệch số tiền huy động. Thông báo, nội dung thông báo ủy thác gửi tiền là không phù hợp với quy định của pháp luât.

Việc HĐQT đồng ý chủ trương ủy thác là trái Luật các Tổ chức tín dụng, không đúng với giấy phép của ACB do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Giấy phép của ACB chỉ được tiếp nhận ủy thác chứ không được ủy thác cho vay và ủy thác gửi tiền.

“Các bị cáo giữ các vị trí trong HĐQT được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng lại làm trái quy định của pháp luật. Chỉ vì một vài cá nhân chi phối mà phải trả giá, ảnh hưởng đến uy tín của ACB. Chỉ vì lợi ích nhóm, các bị cáo đã tuân thủ một cách mù quáng. Với lập luận này, một lần nữa chúng tôi khẳng định VKS ND Tối cao truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội”, đại diện VKS nói.

Đủ căn cứ truy tố Bầu Kiên 4 tội

Về hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên, VKS cho rằng cả 5 công ty do Bầu Kiên thành lập đều không đăng kí ngành nghề kinh doanh tài chính là mua cổ phần cổ phiếu và góp vốn. Sau khi thành lập, 5 công ty vẫn mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác nhưng không kê khai đăng kí bổ sung theo quy định tại điều 26 Luật Doanh Nghiệp.

Theo đại diện VKS, căn cứ các quy định của pháp luật thì 5 công ty trên đã mua bán cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các doanh nghiệp khác nhưng các ngành này không ghi trên GCN đăng kí kinh doanh là trái quy định tại điều 9 Luật doanh nghiệp. VKS giữ nguyên quan điểm, khẳng định VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Đức Kiên tội kinh doanh trái phép là có cơ sở.

Về bào chữa của Bầu Kiên và các luật sư cho rằng không kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh giá vàng tại công ty Thiên Nam, VKS dẫn chứng các lần Nguyễn Đức Kiên đặt lệnh mua bán vàng như trong cáo trạng. Theo VKS, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty Thiên Nam kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Ngân hàng ACB chỉ là trung gian tạo dựng quy mô giao dịch theo yêu cầu của Thiên Nam.

Công ty Thiên Nam không được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, đủ để kết luận việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của Nguyễn Đức Kiên thông qua công ty Thiên Nam là trái phép.

Về ý kiến của Bầu Kiên cho rằng không phạm tội trốn thuế, đại diện VKS nói công ty B&B của Bầu Kiên đã chuyển cho Nguyễn Thị Thúy Hương (em gái Kiên) toàn bộ tiền lãi kinh doanh vàng, rồi Hương chuyển lại toàn bộ cho Kiên. Việc làm này của công ty B&B trái với điều 27 Nghị định 100/2008 của Chính Phủ. Việc công ty B&B không kê khai thuế cho Hương trong 6 tháng cuối năm 2009 là trái với thông tư 160/2009 của Bộ Tài chính.

Trong hai năm 2009 và 2010, Cục thuế Hà Nội ra quyết định thanh tra thuế tại công ty B&B và kết luận B&B đã kê khai nộp thuế nhưng không kê khai hoạt động kinh doanh vàng đã ủy thác cho bà Hương. Cục Thuế HN đã truy thu tiền thuế và tiền phạt của B&B là hơn 455 triệu đồng, nên việc truy tố Nguyễn Đức Kiên về tội trốn thuế là chính xác.

Trong bào chữa tại tòa Nguyễn Đức Kiên nói không phạm tội lừa đảo, không chiếm đoạt khoản 264 tỉ đồng của Thép Hòa Phát, tiền mua cổ phần chuyển vào tài khoản của Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (gọi tắt là ACBI) do Bầu Kiên thành lập chứ không chuyển cho Kiên, VKS cho rằng lợi nhuận của ACBI là lợi nhuận của Kiên. Công ty do Kiên là chủ tịch HĐQT và Kiên phải chịu trách nhiệm về số tiền này. Việc công ty Thép Hòa Phát đã nhận lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ tội cho các bị cáo.

Tách vụ Bầu Kiên với vụ Huyền Như là đúng luật

Về việc tách nhập vụ án, VKS cho rằng do tính chất mức độ phức tạp của từng hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã tách riêng hai vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và vụ Nguyễn Đức Kiên. Hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên là tội phạm khác nhau, dù có mối quan hệ liên quan nhưng mỗi hành vi có tính độc lập tương đối và riêng lẻ.

"Chúng tôi khẳng định việc tách vụ án là đúng luật. Các luật sư cho rằng việc tách vụ án gây nên “án chồng án”, chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng VN, thì chúng tôi cho rằng phiến diện, dùng ngôn từ đại ngôn, không phù hợp với hoạt động bình thường của cơ quan tố tụng”, đại diện VKS nói.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên