26/11/2012 01:12 GMT+7

Vụ bắt người gây bức xúc tại Trung Quốc

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Vụ thả tự do một cán bộ thôn bị bắt đi cải tạo lao động 15 tháng đang gây bức xúc cho dư luận và báo giới Trung Quốc.

86zCd6nC.jpgPhóng to

Nhậm Kiến Vũ tại một nhà hàng ở Trùng Khánh ngày 19-11 - Ảnh: Reuters

Theo báo chí Trung Quốc, vào tháng 8-2011 Nhậm Kiến Vũ bị bắt giữ do sao chép, chuyển tiếp và bình luận về các bài viết chỉ trích chiến dịch hát nhạc đỏ của ông Bạc Hy Lai - bí thư thành phố Trùng Khánh lúc bấy giờ - các bài viết mà Ủy ban quản lý giáo dục lao động đánh giá là “công kích” chính phủ trên Weibo. Sau 15 tháng, bước ra khỏi trại cải tạo lao động, Nhậm Kiến Vũ bị sụt hơn 15kg.

Theo Báo Cuối Tuần Nam Phương, Ủy ban quản lý giáo dục lao động thành phố Trùng Khánh buộc “thanh niên không bình thường” Nhậm Kiến Vũ cải tạo lao động hai năm mà không thông qua bất kỳ phiên tòa nào.

Theo ủy ban này, bằng chứng buộc tội anh cán bộ thôn họ Nhậm chính là “hàng trăm tin tức tiêu cực” trên Weibo cùng “vật chứng rành rành” là một chiếc áo có dòng chữ “không tự do, thà chết còn hơn” do bạn gái anh này đặt mua trên mạng. Chỉ trong phút chốc, tội danh “có dính líu đến việc phát tán các tin đồn vô căn cứ” đã biến Nhậm Kiến Vũ thành kẻ “kích động lật đổ chính quyền nhà nước”.

Ngày 18-11-2012, một ngày trước khi diễn ra phiên tòa “kêu oan” theo đơn của cha Nhậm Kiến Vũ, Ủy ban quản lý giáo dục lao động đã “đánh bài lùi” khi ra lệnh hủy bỏ quyết định cải tạo lao động đối với Nhậm. Lý do được đưa ra là do ủy ban đã “đưa ra quyết định không xác đáng”!

Trước sự kiện “Nhậm Kiến Vũ”, dư luận và báo chí Trung Quốc lại đang lên tiếng chỉ trích chế độ cải tạo lao động và yêu cầu hủy bỏ ngay chế độ bắt giữ người vô căn cứ này. Trên các trang mạng xã hội, người dân đã mạnh dạn ký tên để yêu cầu bãi bỏ việc bắt bớ vi phạm quyền công dân. “Hễ mỗi lần phiền lòng là các vị sẵn sàng tống giam người khác mà chẳng cần qua xét xử” - một cư dân mạng viết trên Weibo.

Kết quả khảo sát do Sina.com thực hiện với những người sử dụng mạng xã hội Weibo cho thấy 97% ủng hộ việc xóa bỏ chế độ cải tạo lao động. Nhiều người cho rằng chính quyền không có lý do gì duy trì một hình thức cải tạo mà theo các nhà luật học là trái với hiến pháp và pháp luật.

Ngày 22-11, Nhân Dân Nhật Báo đã tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến “Từ vụ án Nhậm Kiến Vũ bàn việc cải cách chế độ cải tạo lao động”. Tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu luật học Vương Công Nghị cho rằng chế độ cải tạo lao động đang tồn tại hàng loạt vấn đề, quan trọng nhất là không phù hợp, nếu không nói là vi phạm hiến pháp và pháp luật Trung Quốc.

Theo ông Vương, chế độ cải tạo lao động ở Trung Quốc không hề có một trình tự tư pháp nghiêm túc và thường xuyên bị lạm dụng để phục vụ mục đích không chính đáng. Dù trên danh nghĩa Ủy ban quản lý giáo dục lao động do phía công an và các tổ chức khác hợp thành, nhưng thực tế ủy ban này đều nằm trong tay công an. Người bị kết tội không được phép biện hộ hay mời luật sư để biện hộ cho mình và việc bắt giữ cũng không thông qua một phiên tòa nào.

Theo nhiều nhà luật học khác, “đây chỉ mới là khởi đầu cho một cuộc cải cách mà trước sau gì các lãnh đạo Trung Quốc cũng phải đối mặt”. Trung Quốc hiện có khoảng 350 trại cải tạo lao động với nhiệm vụ “giáo dục” hơn 190.000 người dân.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên