04/06/2013 09:34 GMT+7

Vụ bắt đền công an 2 tấn bạch tuộc: Sẽ kiện ra tòa

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TT - Sau khi có thông tin về việc Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức cuộc họp liên ngành và kết luận không có trách nhiệm bồi thường lô hàng 2 tấn bạch tuộc bị hư hại (Tuổi Trẻ ngày 3-6), nhiều chủ hàng cho biết họ sẽ kiện ra tòa để đòi quyền lợi.

KbCW3xut.jpgPhóng to
Xe hàng hơn 2 tấn bạch tuộc được lưu giữ tại bãi xe của Công ty TNHH Trường Giang (TP Hải Dương) đã bốc mùi hôi thối - Ảnh: Thân Hoàng

Đại diện của hơn 40 chủ hàng cho biết số bạch tuộc này được đánh bắt tự nhiên ở huyện Cần Giờ, TP.HCM rồi gom lại mang ra TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ. Hiện các chủ hàng đang sắp xếp tài liệu, làm các thủ tục chứng minh nguồn gốc số bạch tuộc này và chuẩn bị đơn khiếu nại gửi Bộ Công an, đơn kiện ra tòa. “Ba năm nay chúng tôi vẫn đánh bắt, vận chuyển bạch tuộc ra Móng Cái tiêu thụ nhưng chưa lần nào bị công an giữ hàng vì không có giấy kiểm dịch, xưa nay có nơi nào yêu cầu đâu vì trong TP.HCM chưa công bố bạch tuộc có dịch. Lô hàng trị giá gần 1 tỉ, giờ thành đống hàng thối nằm đấy, người dân thiệt thòi lớn quá” - bà Nguyễn Thị Thủy, đại diện các chủ hàng, nói.

Tuổi Trẻ tiếp tục có cuộc trao đổi với thượng tá Nguyễn Trọng Thái, phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương, để làm rõ sự việc.

Trả lời về việc người dân sẽ kiện ra tòa để đòi quyền lợi, thượng tá Nguyễn Trọng Thái nói:

- Chúng tôi làm theo đúng quy định của pháp luật. Nếu ra tòa thì chúng tôi cũng sẵn sàng vì không làm sai.

* Công an đã làm việc với các chủ hàng chưa, thưa ông?

- Đến bây giờ chúng tôi cũng không xác định được ai là chủ hàng. Ngày 28 và 29-5, có khoảng mười người từ huyện Cần Giờ, TP.HCM ra nhận là chủ hàng. Chúng tôi đã bố trí làm việc với từng người một nhưng khi yêu cầu họ ký vào biên bản làm việc thì không ai chịu ký. Họ cũng không đưa ra giấy tờ chứng minh là chủ hàng. Đến ngày 31-5, họ lại đến đưa cho ít giấy tờ photo rồi vội vàng đi vì sợ muộn chuyến bay.

* Các chủ hàng cho biết theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì mặt hàng của họ không cần có giấy kiểm dịch. Cụ thể tại điểm b, khoản 1, điều 3, thông tư 06/2010 có ghi rõ “thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong trường hợp được đưa ra khỏi vùng có công bố dịch đối với loài đó”?

- Đây là cách hiểu chưa đầy đủ của người dân. Trong cuộc họp liên ngành cũng đã phân tích rõ. Thứ nhất, tại thông tư 32/2012 ngày 20-7-2012 của Bộ NN&PTNT quy định danh mục sản phẩm phải kiểm dịch thì bạch tuộc có nằm trong danh mục này. Thứ hai, tại thông tư 06/2010 ngày 2-2-2010, chương 2, mục 1 quy định: chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch với trạm thú y khi vận chuyển ra khỏi huyện trong phạm vi tỉnh hoặc chi cục thú y khi vận chuyển ra khỏi tỉnh. Thông tư 06 phải được hiểu xuôi là sản phẩm thủy sản tại vùng có dịch thì bắt buộc phải có giấy kiểm dịch, chứ không thể hiểu ngược là vùng không công bố dịch thì không cần kiểm tra giấy kiểm dịch.

* Vậy tại sao công an không có biên bản tạm giữ hàng và có cách bảo quản hàng?

- Chúng tôi không tạm giữ mà chỉ yêu cầu đưa hàng về kiểm tra. Sau đó, phát hiện đây là hàng thủy sản lưu thông không có giấy kiểm dịch, chúng tôi lại không có đủ cơ sở vật chất để bảo quản nên đã yêu cầu lái xe phối hợp với chủ hàng đưa hàng quay lại làm giấy kiểm dịch. Chúng tôi chỉ kiểm tra trong khoảng hai giờ và trả xe, trả hàng vào lúc 1g15 ngày 28-5, khi trả xe chúng tôi đã có biên bản. Vậy trách nhiệm bảo quản hàng là của lái xe.

* Vậy tại sao khi đã phát hiện sai phạm “không có giấy kiểm dịch” mà công an vẫn không làm biên bản tạm giữ?

- Thật ra sai phạm này vẫn chưa có quy định chế tài cụ thể nên chúng tôi không lập biên bản mà chỉ nhắc nhở. Sau đó chúng tôi yêu cầu lái xe phối hợp với chủ hàng đưa hàng đi kiểm dịch.

* Từ trước đến nay Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã bắt vụ vận chuyển thủy sản không có giấy kiểm dịch tương tự như vụ này chưa?

- Cái này chúng tôi không nhớ và chưa thể trả lời ngay. Cái này thì phải tổng hợp.

* Rõ ràng việc tạm giữ hàng, không bảo quản tốt để hàng hư hại khiến người dân bị thiệt hại rất lớn. Đặt giả thiết dù họ có vi phạm như công an kết luận thì cũng phải có cách giải quyết tránh thiệt hại cho người dân. Bây giờ việc xảy ra như vậy, công an vẫn không có trách nhiệm?

- Nói “không có trách nhiệm” thì hơi nặng nề, nhưng kiểm tra lại quy trình thì thấy chúng tôi đã làm đúng. Sau khi kiểm tra trong khoảng hai giờ, chúng tôi đã bàn giao hàng và xe. Khi bàn giao chúng tôi đều làm biên bản. Tuy nhiên, có thể do lúc đó lái xe nghĩ rằng có một vài con bạch tuộc đã hỏng nên sợ và không nhận hàng.

Công an làm sai thẩm quyền

Căn cứ điểm a khoản 2, điều 29, nghị định 33/2005 và điểm B, khoản 1, điều 3 thông tư 06/2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định chỉ kiểm dịch trong trường hợp thủy sản, sản phẩm thủy sản được đưa ra khỏi vùng có công bố dịch. Ở TP.HCM chưa công bố bạch tuộc có dịch nên cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương giữ xe để kiểm tra xem lô hàng có giấy kiểm dịch hay không là sai.

Việc làm này của cảnh sát môi trường cũng sai về thẩm quyền, vì việc kiểm dịch thuộc thẩm quyền của Cục Thú y (theo điểm B, khoản 6, điều 2 quyết định 19 ngày 28-1-2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Vì không thuộc thẩm quyền mà vẫn thu giữ, lại không bảo quản, làm hư hỏng tài sản của dân nên cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương phải đền bù thiệt hại. Một cái sai nữa của cảnh sát môi trường là khi giữ xe lại không lập biên bản tạm giữ tang vật. Chủ lô hàng có thể yêu cầu Công an tỉnh Hải Dương bồi thường theo giá trị của lô hàng, nếu không được bồi thường thì có thể khởi kiện ra tòa.

Theo tôi, trong trường hợp này thì Công an tỉnh Hải Dương phải bỏ tiền túi ra để bồi thường vì họ làm không đúng quy định, không đúng thẩm quyền. Rõ ràng việc kiểm tra giấy kiểm dịch là không thuộc thẩm quyền nhưng cảnh sát môi trường vẫn cố tình giữ xe để xảy ra hậu quả.

Luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM)

Phải lập biên bản tạm giữ

Căn cứ chức năng quyền hạn của cảnh sát môi trường, tất cả hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải lập biên bản, phải có người có thẩm quyền ra quyết định bắt giữ phương tiện và sản phẩm. Khi người ta có hành vi vi phạm thì phải có quyết định xử lý theo các quy định của Bộ Công an. Việc cảnh sát môi trường giữ xe hàng mà chưa lập biên bản là sai. Hơn nữa, trong trường hợp này thì việc kiểm tra giấy kiểm dịch thuộc thẩm quyền của chi cục thú y tỉnh, tuy nhiên cảnh sát môi trường đã không kết hợp liên ngành.

Theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, Luật bảo vệ môi trường và nghị định số 117 ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mọi hoạt động tạm giữ đều phải lập biên bản, không thể có chuyện giữ tang vật mà không có biên bản. Người bị giữ hàng có thể khởi kiện hành vi hành chính của cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Luật sư Phan Minh (Đoàn luật sư TP.HCM)

TÂM LỤA ghi

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên