Lúc được quyền tiếp cận, khi thì phải xin phép
Liên quan đến vụ việc chủ lô đất bị hàng xóm ngăn cấm mở cửa tiếp cận lối đi thứ 2 theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trong quá trình giải quyết vấn đề chính quyền có nhiều quan điểm không thống nhất.
Việc đối thoại qua lại cũng kéo dài nhưng lại không mang lại kết quả khiến sự việc "trở về nơi bắt đầu" dù đã qua 7 năm.
Chủ lô đất bị hàng xóm ngăn mở cửa tiếp cận lối đi thứ hai, 7 năm chưa giải quyết xong
Trước khi gia đình ông Lê Duy Trung ở kiệt 72/4 đường Phạm Nhữ Tăng (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) gởi đơn kêu cứu vì bị trồng cây, hàn sắt bít lối đi trước cửa nhà thì chủ cũ của thửa đất có số hiệu CH00009 cũng gặp tình trạng tương tự.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, chủ của thửa đất có số hiệu CH00009 là ông Trương Văn Trẻ cũng đã nhiều lần có đơn thư gởi đến chính quyền.
Năm 2017 khi làm nhà, ông Trẻ muốn mở cửa ra lối kiệt 72/4 đường Phạm Nhữ Tăng.
Trong quá trình UBND quận Thanh Khê giải quyết đơn thư, trả lời đơn công dân đã ban hành các văn bản có nội dung chồng chéo, thậm chí trái ngược nhau.
Theo đó, vào ngày 15-9-2017, chủ tịch UBND quận Thanh Khê khi đó đã ký cấp giấy phép xây dựng cho phép thửa đất có số hiệu CH00009 trổ cửa ra hướng kiệt 72/4.
Tuy nhiên, ngày 21-10-2017, UBND quận Thanh Khê cũng có công văn đề nghị các hộ có lối đi ra kiệt 72/4 giữ nguyên hiện trạng, trường hợp có hộ muốn mở lối đi chung ra hẻm 4 phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Tiếp đó đến ngày 14-6-2018, chủ tịch UBND quận Thanh Khê cũng có văn bản nêu rõ việc cấp giấy phép xây dựng là đúng quy định và việc được quyền trổ lối ra kiệt 72/4 là phù hợp.
Đến ngày 16-11-2021, UBND quận Thanh Khê lại có công văn trả lời cho rằng giấy phép xây dựng số 1484 do UBND quận Thanh Khê cấp liên quan đến thửa đất có số hiệu CH00009 trước đây đã được hủy bỏ, thay thế bằng giấy phép xây dựng mới.
Trong đó, theo hồ sơ thiết kế kèm theo giấy phép thì tại phía tiếp giáp ranh giới kiệt 72/4 được xây tường kín dày 20cm và không mở lối đi ra kiệt.
Công văn này nêu trường hợp chủ đất muốn mở cửa ra đường kiệt 72/4 thì liên hệ với các cơ quan chức năng để sao lục toàn bộ hồ sơ địa chính, giấy tờ nhà đất, nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân trong khu vực và làm hồ sơ cấp phép…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Duy Trung cho biết quá trình mua nhà này vào năm 2020, gia đình ông tiếp cận nguyên hiện trạng và có ra vào kiệt 72/4 một thời gian, đến khi bị hàng xóm chặn lại.
"Nhiều lần hàng xóm kéo người đến trước nhà đe dọa, chửi bới khiến gia đình tôi bất an. Tôi là quân nhân, ý thức được việc chấp hành các quy định pháp luật nên rất kiềm chế nhưng sự việc kéo dài quá lâu. Gia đình tôi mong muốn được giải quyết dứt điểm" - ông Trung nói.
Khó hiểu vì chuyện nhỏ kéo dài nhiều năm
Sự việc tranh chấp lối đi như trường hợp "bà Châu quận 8" dù nhỏ nhưng ảnh hưởng đến an ninh trật tự và mỹ quan. Nhiều bạn đọc cho rằng suốt 7 năm mà không giải quyết dứt điểm được vụ việc thì "cần phải xem xét lại năng lực quản lý của chính quyền địa phương".
Bạn đọc tên Trung cho rằng: Cần thiết phải xem lại công tác cán bộ địa phương ở nơi xảy ra tranh chấp. Đã có pháp luật, không hiểu tại sao nhiều năm như vậy mà không giải quyết được!?
Còn bạn đọc tên Do cho rằng: "Nếu chính quyền đã xác định lối đi này là của chung, chủ nhà được sử dụng chung thì sau 3 lần gửi thông báo đến đối tượng gây sự mà không chấp hành thì chính quyền phải cử lực lượng xuống dẹp ngay.
Nếu đối tượng gây sự chống cự có thể xử lý tội chống người thi hành công vụ. Làm nhanh, dứt khoát và đúng luật".
Một bạn đọc khác bình luận: "Chẳng lẽ phép vua thua lệ làng? Chỉ có lối đi chung công cộng chứ có phải riêng đất của ông Thắng đâu mà không cho người khác đi? Tôi chỉ là người đọc sự việc qua báo mạng đưa tin mà còn bức xúc huống gì gia đình ông Trung".
Hầu hết, bạn đọc đều đề xuất theo hướng xử lý dứt khoát, kiểm tra thấy sai phạm thì phạt thật nặng. Trường hợp phạt mà không có tiến triển thì xử lý hình sự xem có còn coi thường pháp luật nữa không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận