Ngày 14-5, phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, bà Hoàng Thị Thu Hương - ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - cho biết bà là em ruột của bị hại H.A.T., trong vụ án võ sư "giết người", xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Du, phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá.
Bà đã gửi đơn kiến nghị đến Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc "trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với bị can P.T.G." - nghi phạm đâm nhiều nhát dao giết người trong năm 2022.
Giết người nhưng sau đó có chứng nhận tâm thần
Bà Hương kiến nghị tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung với bị can P.T.G.. Kiến nghị trưng cầu giám định lại pháp y tâm thần đối với bị can G..
Vì gia đình không đồng ý với kết luận giảm định 2023 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ đối với bị can P.T.G..
Theo hồ sơ vụ án, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ đã có kết luận giám định đối với bị can G. trước, trong khi phạm tội và hiện tại. Cụ thể kết luận nêu đương sự có bệnh lý tâm thần: Rối loạn nhân cách Paranoid.
Về năng lực, tại thời điểm phạm tội và hiện tại, đương sự hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, rối loạn nhân cách ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi.
Đưa đi giám định tâm thần lần 2
Trước đó, ngày 22-5-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án hình sự "Giết người" và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để truy tố.
Ba ngày sau, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành cáo trạng để truy tố bị can P.T.G. ra trước tòa, nhưng sau đó không đưa ra xét xử được.
Nói về vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang khẳng định: "Chúng tôi đã ban hành cáo trạng gửi tòa án từ tháng 5-2023 rồi. Việc chậm xét xử là do tòa, chứ không phải do viện, vì đơn vị cũng có văn bản đề nghị xét xử sớm rồi".
Vì sao vụ án có cáo trạng nhưng mãi đến nay gần 1 năm mà chưa đưa ra xét xử? Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một thẩm phán của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang (thụ lý vụ án) nói: "Do gia đình yêu cầu giám định chỗ khác nên chúng tôi mới phối hợp với các ngành đưa bị can đi giám định lại.
Họ yêu cầu đưa bị can G. đi giám định ở Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa. Do quy trình, thủ tục đưa người đi giám định phức tạp nên chậm trễ, chứ không phải muốn đưa đi giám định là được. Đi giám định lần này, trước mắt là toàn bộ chi phí giám định sẽ do người nhà lo".
Quá thời gian quy định của luật
Có ý kiến về vụ việc trên, luật sư Trương Văn Bảo - Đoàn luật sư Đồng Nai - cho rằng thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn 30 ngày đến 3 tháng tùy theo tội phạm, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Thẩm phán phải ra một trong các quyết định: Xét xử; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Nếu vụ án phức tạp, chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử từ 15-30 ngày tùy theo tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
"Như vậy, thời hạn tối đa để đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là 4 tháng kể từ ngày tòa nhận được hồ sơ vụ án từ viện kiểm sát. Thời gian giám định tâm thần tối đa là 3 tháng, còn trong vụ án trên đã vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật", luật sư Bảo nói.
Theo cáo trạng, khoảng 7h30 ngày 7-9-2022, anh P.T.G. đang đứng ở nhà đa năng của Trường THCS Nguyễn Du thì thấy anh H.A.T. và anh M.T.L. (giáo viên) đi xuống căng tin nhà trường ăn sáng. Khi đi ngang có cười nên G. cho rằng thầy T. cười đểu mình.
Lúc này, P.T.G. bực tức đi từ nhà đa năng xuống căng tin của trường và cầm cây dao mũi nhọn đi đến bàn của H.A.T. đang ngồi, dùng dao đâm nhiều nhát trúng vào vùng ngực, bụng, vùng hạ sườn (khoảng 10 vết thương) gây đứt thủng tim, phổi và gan làm H.A.T. tử vong.
Sau khi gây án, P.T.G. bẻ gãy cây dao và ném bỏ lưỡi dao ở khu vực sân trường. Riêng cán dao ném xuống sông 3-2, TP Rạch Giá rồi đến Công an phường Vĩnh Bảo đầu thú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận