Ngày 15-8, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) vẫn đang mở rộng điều tra vụ án giả mạo trong công tác, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn.
C03 cũng mời một số cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước để làm rõ quy trình đào tạo, cấp chứng chỉ nghề, bằng lái cho học viên ở trung tâm trên.
"Chân rết" khắp nơi
Trước khi vụ án xảy ra, theo tìm hiểu Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn có nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành nhằm thu hút học viên về đào tạo. Ở các chi nhánh, giáo viên dạy lái tiếp nhận học viên đưa vào danh sách của trung tâm để đào tạo, tổ chức thi bằng lái và được hưởng tiền hoa hồng.
Một giáo viên dạy lái cho biết Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn là đơn vị đưa vào áp dụng thiết bị chuyên dụng DAT (Distance and Time, thiết bị điện tử được lắp trên ô tô tập lái giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) từ rất sớm ở Đồng Nai, nhờ đó chiêu mộ được rất nhiều học viên.
Theo quy định, công nghệ DAT được Bộ Giao thông vận tải đưa vào sát hạch nhằm chống gian lận, giáo viên và học viên phải đăng nhập vào thiết bị DAT và thực hiện việc giảng dạy, kỹ năng đi đường để máy ghi nhận lại "lý lịch dạy và học".
Quy định cũng nêu sau khi trung tâm có chức năng dạy lái nộp danh sách về Sở Giao thông vận tải (gọi là báo cáo 1), sở sẽ duyệt, cấp mã khóa học và cho phép khai giảng lớp học đối với các lớp học thi lấy bằng B1, B2...
Trong thời gian đầu, học viên sẽ được đào tạo lý thuyết, chạy DAT và thi tốt nghiệp, được cấp "chứng chỉ sơ cấp nghề". Tiếp đó, trung tâm đào tạo nộp danh sách những người thi đậu tốt nghiệp (gọi là báo cáo 2) cho Sở Giao thông vận tải.
Lúc này, những người có trách nhiệm của sở sẽ trích xuất dữ liệu của DAT xem từng học viên chạy có đúng số giờ quy định và kiểm tra hồ sơ thực tế, đủ các điều kiện sở tiếp tục duyệt danh sách cho thi sát hạch.
"Nghe kháo trung tâm thi dễ đậu nên tôi bỏ tiền vào học. Tôi đóng tổng cộng 15 triệu đồng, thi tốt nghiệp xong, lấy chứng chỉ nghề rồi. Khi đang chờ thi sát hạch thì những người ở trung tâm bị bắt nên đến nay vẫn chưa có bằng lái" - chị D., một học viên ngụ TP Biên Hòa, nói.
Học viên lo lắng có bị thu hồi bằng lái
Sau khi Bộ Công an công bố danh sách hơn 63.000 học viên liên quan vụ án tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, nhiều bạn đọc đã phản ảnh đến Tuổi Trẻ những bức xúc lẫn lo lắng.
Bạn đọc thul***@gmail.com cho biết: "Đóng tiền đầy đủ xong học được hai buổi rồi ngồi chờ tới hôm nay vẫn chưa có thông tin gì. Không biết đợi đến bao giờ, có lấy lại tiền được không".
Còn bạn đọc Hòa kể: "Nhóm tôi khoảng 20 người học và thi tốt nghiệp ở trung tâm này hơn một năm rồi nhưng vẫn chưa được thi sát hạch. Mỗi người đóng gần 20 triệu rồi, giờ có được chuyển qua trung tâm khác để thi sát hạch không".
Nhiều bạn đọc từng học lái xe tại trung tâm này và đã được cấp bằng lái cũng rất lo lắng. Chẳng hạn như độc giả Hoàng Huế chia sẻ: "Học ngày học đêm, tốn tiền thuê xe thực hành, khổ sở biết bao nhiêu… Đi học, đi thi đàng hoàng tử tế, có cả sở GTVT tham gia sát hạch rồi cấp bằng. Tôi và những người từng học và lấy bằng ở trung tâm này (trong khoảng thời gian trung tâm sai phạm) thì có bị thu hồi bằng lái không?".
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng điều đáng chú ý trong vụ án này là ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội giả mạo trong công tác, đưa hối lộ, nhận hối lộ để xử lý đối với những người phạm tội, vì vụ việc này có liên quan đến 63.000 học viên đã từng theo học tại cơ sở đào tạo này.
Trong vụ án này, những người tham gia đào tạo sát hạch để cấp giấy phép lái xe không nhận thức được giấy phép lái xe như vậy là giả sẽ không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với họ. Tuy nhiên, các giấy tờ này nếu cấp không đúng quy định có thể bị thu hồi.
Tuy vậy, theo luật sư Cường, cơ quan điều tra cũng sẽ phân loại các trường hợp đã được cấp giấy phép lái xe để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hủy bỏ hoặc công nhận giá trị sử dụng.
Nếu trường hợp giấy phép lái xe được cấp sai quy định, sai về thủ tục hành chính như thiếu giờ lý thuyết, giáo viên không đạt chuẩn nhưng có thể sửa đổi khắc phục và sát hạch lại vẫn có thể công nhận giấy phép lái xe đó nếu học viên đạt điều kiện.
Trường hợp sai phạm nghiêm trọng, không đủ điều kiện công nhận kết quả kiểm tra lý thuyết, giáo viên không đạt điều kiện tiêu chuẩn và không tổ chức sát hạch lại hoặc tổ chức sát hạch lại nhưng học viên không đạt điều kiện thì chứng chỉ đó sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.
Để đảm bảo quyền lợi của các học viên, cơ quan điều tra có thể phối hợp với cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên (từng học lái xe trong thời gian trung tâm sai phạm) hoàn tất các thủ tục, thậm chí có thể sát hạch lại kiểm tra kiến thức, năng lực, kỹ năng lái xe trước khi quyết định có công nhận hoặc không công nhận các giấy phép lái xe này.
Những học viên đã nộp hồ sơ, đóng tiền cho trung tâm này nhưng chưa được học hoặc mới chỉ học một vài buổi, do cơ sở này không thể tiếp tục hoạt động được nữa thì phải trả lại tiền cho các học viên.
Trong trường hợp vì bị khởi tố hình sự, thu giữ giấy tờ, chưa có bộ máy lãnh đạo mới, cán bộ phụ trách bị xử lý hình sự chưa có người thay thế khiến việc đào tạo sát hạch chưa thể triển khai được, các học viên có thể đề nghị cơ sở đào tạo này phải trả lại hồ sơ và trả lại tiền.
"Nếu trung tâm này không trả lại tiền thì các học viên có quyền đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc hoặc khởi kiện để được giải quyết theo quy định", luật sư Cường nói.
Phí học bằng lái xe tăng vọt, vì sao?
Vài năm trở lại đây, chi phí học và thi giấy phép lái xe ô tô đã tăng vọt so với trước đây. Nếu như 5-10 năm trở về trước, một người dân chỉ cần bỏ ra số phí từ 6-12 triệu đồng đã đủ "trọn gói" học lái ô tô thì giờ đây một số cơ sở đào tạo có mức phí dao động từ 15-25 triệu đồng/khóa học.
Trên thực tế, trong những năm qua quy định và quy chuẩn dạy lái ô tô cũng đã có rất nhiều thay đổi. Theo nghị định 138/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trung tâm sát hạch lái xe phải thực hiện trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên.
Thiết bị này phải đảm bảo 6 chức năng cơ bản bao gồm hiển thị thông tin và thông báo các trạng thái hoạt động của thiết bị; ghi nhận thay đổi người dạy và học viên; xác thực người học lái xe bằng camera; thể hiện cảnh báo bằng đèn hoặc màn hình hiển thị; ghi - lưu trữ dữ liệu và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý.
Tiếp theo đó, từ năm 2023, thông tư 04/2022/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ yêu cầu người thi bằng lái ô tô bắt buộc phải học lái xe trên cabin điện tử với thời lượng đủ 3 giờ, nếu không sẽ không đủ điều kiện thi sát hạch.
Toàn bộ quá trình học phải đảm bảo đầy đủ học lý thuyết, lái xe mô phỏng trên cabin tại trung tâm đào tạo (bắt buộc đủ 3 giờ), làm quen xe và học các bài thi sa hình (4-20 giờ, tùy năng lực từng người), thực hành lái xe trên sân tập lái (bắt buộc đủ 290km), chạy thực tế trên đường giao thông (bắt buộc đủ 810km và đủ 20 giờ chạy xe)...
Quá trình này được thiết bị giám sát hành trình ghi lại. Đăng nhập hệ thống bằng thẻ từ và nhận diện khuôn mặt. Hành trình lái xe được ghi lại và hình ảnh học viên mỗi 5 phút sẽ được cập nhật lên hệ thống.
Rõ ràng, quy trình học giờ đây đầy đủ, chặt chẽ để đảm bảo rằng học viên hoàn thành tốt, đủ điều kiện, kiến thức cầm lái an toàn. Như vậy, mức phí tăng chính là chi phí đầu tư cho đào tạo, thiết bị, công nghệ sử dụng trong quá trình đào tạo, giám sát vừa kể trên.
Gian lận thi bằng lái xe có thể bị phạt tù
Hầu hết các nước trên thế giới đều xem việc gian lận sát hạch bằng lái xe là lỗi rất nghiêm trọng. Tại Mỹ, điển hình như ở bang California, chỉ cần bị nghi gian lận là thí sinh đã bị đình chỉ toàn bộ quá trình cấp hoặc gia hạn bằng lái.
Hồ sơ của người này sau đó sẽ được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để điều tra, giải quyết. Quy trình này gần giống với một phiên tòa cỡ nhỏ, nơi người bị nghi gian lận phải điều trần, cung cấp bằng chứng hoặc nhân chứng để chứng minh vô tội.
Nếu bị kết luận có tội, người vi phạm sẽ lập tức bị tước bằng lái xe đang có hiệu lực, đồng thời sẽ không được đăng ký thi cấp bằng lái xe trong một thời gian nhất định, thông thường tối thiểu một năm.
Ở Anh, việc xử lý gian lận thi bằng lái xe có phần nặng nề hơn vì đây bị xem là tội hình sự. Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc cấm lái xe trong một thời gian dài. Thậm chí một số trường hợp vi phạm nặng còn có thể đối diện 2 năm tù giam.
Tương tự Anh, Singapore cũng quy định hình phạt hà khắc với hành vi gian lận thi bằng lái xe. Theo báo Star, hồi năm 2022 một người đàn ông Malaysia có tên Goh Ah Hock đã bị tòa án Singapore tuyên phạt 2 năm tù vì thuê người thi hộ.
"Việc ông Goh không tự tin vượt qua bài kiểm tra lý thuyết đơn giản cho thấy hiểm họa ông ta có thể mang đến cho những người tham gia giao thông khác. Nó không khác gì hành vi lái xe dù không đạt điều kiện. Trường hợp này bắt buộc có mức án răn đe".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận