08/02/2018 20:46 GMT+7

Vụ án Huyền Như: Tranh cãi trách nhiệm bồi thường

TUYẾT MAI - GIA MINH
TUYẾT MAI - GIA MINH

TTO - Chiều 8-2, TAND TP.HCM bắt đầu phần xét hỏi đối với các bị cáo, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Vụ án Huyền Như: Tranh cãi trách nhiệm bồi thường - Ảnh 1.

Bị cáo Võ Anh Tuấn sau phiên tòa - Ảnh: Xuân Hưng

Khi được hỏi về hành vi đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như trong việc chiếm đoạt trên 1.085 tỉ đồng của 5 công ty, Võ Anh Tuấn (Nguyên cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TP.HCM) cho rằng khi Huyền Như ra Hà Nội huy động vốn, Tuấn đang ở Hà Nội, Tuấn không hẹn, bàn bạc gì với Huyền Như, cũng như không biết đại diện 3 công ty Vĩnh Phúc, Thịnh Phát và Hưng Yên.

Tuấn hoàn toàn không biết gì về các giao dịch tiền gửi mà Như làm và việc Như giả chữ ký, con dấu của Vietinbank CN Nhà Bè Tuấn cũng không được biết cho tới khi vụ án xảy ra.

Tuấn cho biết mình và Như quen biết nhau khi cả hai cùng công tác tại ngân hàng Vietinbank CN TP.HCM. Sau đó, cả hai cùng góp vốn mở công ty XNK Hoàng Khải, trong đó Tuấn góp 500 triệu.

Số tiền 10 tỉ mà cáo trạng xác định là tiền Tuấn được hưởng lợi từ việc giúp Như chiếm đoạt tiền của các công ty, thực chất là tiền Như chuyển vào tài khoản của công ty Hoàng Khải để Tuấn đầu tư xây dựng Nhà máy lau bóng gạo tại tỉnh An Giang để trả cho các đối tác làm ăn.

Bị cáo Tuấn cũng cho rằng hành vi của mình đã được xem xét trong các phiên tòa trước đây (trước đó bị cáo Tuấn bị tuyên phạt 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), đến nay một phần bản án bị hủy, bị cáo bị xét xử lại về cùng hành vi đó là bất lợi cho bị cáo.

Tại tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố. Nhưng do kinh doanh thua lỗ, phải trả lãi cao nên Như nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của 5 công ty để trả nợ cá nhân.

Bị cáo Huyền Như trả lời về việc chi lãi ngoài - Video: Xuân Hưng

Như lấy danh nghĩa đi huy động vốn cho Vietinbank để gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, người đại diện của 5 công ty về việc nhận tiền gửi của các đơn vị này với lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần Nhà nước quy định.

Như cũng hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng... Sau khi các công ty này chuyển tiền vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank CN TP.HCM thì Như dùng thủ đoạn gian dối chuyển tiền đi trả nợ cá nhân.

Tuy nhiên, Như cũng khai rằng, Tuấn không biết về các giao dịch và việc Như giả chữ ký của Tuấn.

Để xác định được trách nhiệm bồi thường trong vụ án, nhiều luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn dân sự đã dành nhiều thời gian tham gia xét hỏi đại diện Vietinbank.

Theo đó, 5 công ty này cho rằng tiền của họ gửi vào Vietinbank không có lệnh chi nhưng bị Huyền Như (trưởng phòng giao dịch, kiểm soát viên) chiếm đoạt là trách nhiệm của Vietinbank nên đã yêu cầu Vietinbank bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, Công ty Hưng Yên yêu cầu bồi thường hơn 400 tỉ đồng, Công ty SBBS hơn 220 tỉ đồng, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu yêu cầu bồi thường hơn 149 tỉ đồng. Công ty Phương Đông yêu cầu bồi thường gần 900 tỉ đồng. Công ty An Lộc yêu cầu bồi thường hơn 400 tỉ đồng

Trả lời câu hỏi của HĐXX và các luật sư, đại diện Vietinbank cho rằng tất cả hoạt động của ngân hàng đều đúng quy định của pháp luật.

Các công ty trên "sập bẫy" của Huyền Như vì bị Như dẫn dụ. Như trả lãi suất chênh lệch hợp đồng, hoa hồng…cho người môi giới, người đại diện công ty để các công ty này chuyển tiền vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank.

Về hình thức các tài khoản là hợp lệ, hồ sơ mở tài khoản là thật, tiền chuyển vào các tài khoản này là tiền thật. Tuy nhiên Huyền Như đã sử dụng thủ đoạn gian dối, chuyển tiền từ các tài khoản này để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Từ đó, Vietinbank đề nghị bác bỏ các yêu cầu bồi thường của năm công ty đối với ngân hàng.

TUYẾT MAI - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên