16/03/2016 17:10 GMT+7

Vụ án “hỗn chiến” trong vườn điều: con được đoàn tụ với mẹ

TUYẾT MAI - BÙI LIÊM
TUYẾT MAI - BÙI LIÊM

TTO - HĐXX đã tuyên phạt bà Tâm bằng thời hạn tạm giam, trả tự do tại tòa, tuyên phạt ông Huynh 3 năm tù (giảm 1 năm tù).

(Từ trái sang) ông Huynh, bà Tâm và cháu Hiếu cùng các luật sư sau khi kết thúc phiên tòa
(Từ trái sang) ông Huynh, bà Tâm và cháu Hiếu cùng các luật sư sau khi kết thúc phiên tòa - Ảnh TUYẾT MAI

Ngày 16-3, TAND tỉnh Bình Phước đã xét xử phúc thẩm lần hai vụ án “hỗn chiến” trong vườn điều theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Ngô Văn Huynh (60 tuổi) và kháng cáo kêu oan của vợ ông là bà Nguyễn Thị Tâm (56 tuổi, cùng ngụ H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).

Xét thấy, ở cấp phúc thẩm, ông Huynh cung cấp thêm tình tiết có cha là liệt sĩ nên được HĐXX xem xét giảm nhẹ, tuyên phạt ông Huynh 3 năm tù.

HĐXX không chấp nhận kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Bù Đăng của bà Tâm. Tuy nhiên xét thấy bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, vai trò đồng phạm thứ yếu nên HĐXX đã tuyên phạt bà Tâm 2 năm 6 tháng 17 ngày tù, bằng thời hạn tạm giam, trả tự do tại tòa.

Đồng thời buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho bị hại 65 triệu đồng.

Trước đó, ngày 28-9-2015, TAND huyện Bù Đăng đã tuyên phạt ông Huynh 4 năm tù và bà Tâm 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Cha mẹ đi tù, cháu bé 10 tuổi bơ vơ

Theo nội dung vụ án, khoảng 6g ngày 16-2-2013, ông Nguyễn Bá Tuyên (42 tuổi, ngụ H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) vào thăm vườn điều phát hiện bà Nguyễn Thị Tâm đang nhặt điều trên đất của mình. Ông Tuyên giữ bà Tâm lại thì bà Tâm la lên.

Lúc này ông Huynh đang ở cách đó khoảng 60m nghe tiếng vợ kêu nên cầm một khúc cây tre khoảng 1,5m chạy đến đánh 1 cái vào người ông Tuyên nhưng ông Tuyên tránh được và buông tay bà Tâm ra.

Bà Tâm nhặt 1 khúc cây cao su khoảng 1,5m ở gần đó đánh 1 cái trúng vào đỉnh đầu ông Tuyên nhưng không gây thương tích. Thấy vậy ông Huynh dùng cây đánh một cái theo hướng từ trên xuống trúng vào đầu làm ông Tuyên ngã ngửa ra đất.

Bà Tâm liền dùng cây đánh 1 cái theo hướng từ trên xuống, ông Tuyên đưa tay lên đỡ nên bị bà Tâm đánh trúng vào ngón tay út.

Sau đó, ông Huynh và bà Tâm đi về nhà còn ông Tuyên đi bệnh viện điều trị, tỷ lệ thương tật 43% sức khỏe tạm thời. 

Sau khi xảy ra sự việc, ông Huynh và bà Tâm bị bắt.

Cháu Ngô Thị Cẩm Hiếu lúc đó mới 10 tuổi (nhân vật trong bài ) không có người chăm sóc, phải ăn nhờ ở đậu nhà hàng xóm, rồi chuyển xuống ở nhờ nhà họ hàng tại huyện Định Quán - Đồng Nai để tiện việc đi học. Sau này, ông Huynh đã được cơ quan tố tụng cho tại ngoại để chăm sóc con.

Trong suốt quá trình tố tụng, cả bà Tâm và ông Huynh cùng nhân chứng trong vụ án là cháu Hiếu đều khẳng định các bị cáo có đánh nạn nhân nhưng thương tích không đủ để xử lý hình sự và cả hai bên cùng đánh qua đánh lại và cùng có thương tích.

Sau đó, gia đình ông Huynh đã đi khám và có giấy y chứng của bệnh viên đa khoa huyện Bù Đăng chứng nhận ông Huynh, bà Tâm và cháu Hiếu đều có thương tích trên cơ thể, thể hiện quá trình xảy ra xô xát có sự đánh nhau qua lại.

Tuy nhiên, giấy y chứng này đã không được cấp sơ thẩm chấp nhận do quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm các bị cáo và gia đình không cung cấp, không có ai chứng kiến việc đánh nhau, đến nay thời gian trôi qua đã lâu, bị hại Tuyên không thừa nhận đã gây thương tích như trên, nên không có căn cứ xác định những thương tích trong giấy y chứng trên do ông Tuyên gây nên.

Bà Tâm và ông Huynh nghe HĐXX tuyên án
Bà Tâm và ông Huynh nghe HĐXX tuyên án - Ảnh TUYẾT MAI

Bị kích động khi nghe tiếng vợ con kêu cứu

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Huynh thừa nhận có dùng cây đánh ông Tuyên nhưng ông Tuyên cũng có dùng cây đánh lại ông và cả hai cùng có thương tích. Ông Tuyên cho rằng việc đánh ông Tuyên là muốn bảo vệ vợ con mình.  

Trong khi đó, tại tòa bà Tâm khai giữa gia đình bà và gia đình ông Tuyên đã có mâu thuẫn từ trước. Ông Tuyên thường xuyên dọa đánh bà và các người thân trong gia đình. Bà Tâm cũng cho rằng việc hai vợ chồng bà xô xát với ông Tuyên chỉ là hành động tự vệ.

Ngoài ra, bà Tâm còn khai trong quá trình điều tra đã bị ép cung, nhục hình, lời khai trong các bút lục khác hoàn toàn so với bản kết luận điều tra cũng như cáo trạng quy kết bà phạm tội.

Đối chất tại tòa, bị hại Tuyên phủ nhận hoàn toàn lời khai của hai bị cáo và nhân chứng.

Theo lời khai của ông Tuyên thì khi thấy bà Tâm đang nhặt điều nhà mình, ông chỉ giữ tay bà Tâm lại để kêu hàng xóm đến chứng kiến. Sau khi ông Huynh chạy sang, ông liên tục bị đánh không đánh lại, chỉ dùng tay đỡ.

Cộng gộp cả vết thương mới xuất hiện để xác định thương tật

Tại tòa, luật sư Nguyễn Quynh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, bảo vệ cho các bị cáo, cho biết kết quả giám định thương tật của ông Tuyên ở bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và Bệnh viện Đa khoa Bình Phước năm 2013 chỉ ghi nhận vết thương “nứt sọ trán trái”. Các bản giám định này không bóc tách tỷ lệ phần trăm thương tật cho từng vết thương.

Gần 2 năm sau đó, giám định thương tật vẫn là 43% nhưng xuất hiện thêm nhiều vết thương mới ở vị trí khác nhau, vết nứt dài hơn. Bản giám định mới đã cộng dồn tỷ lệ phần trăm thương tật các vết thương mới xuất hiện và vết thương cũ, do đó theo các luật sư, thương tích 43% không hoàn toàn do bị cáo gây nên.

Bên cạnh đó, chương 2, thông tư 20/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định đối với tổn thương xương sọ và hệ thần kinh, đường kính hoặc chiều dài vết thương dưới 3cm, điện não có tổn thương tương ứng thì lỷ lệ thương tật từ 8-10%.

Luật sư Quynh đề nghị HĐXX giám định lại thương tích đối với bị hại, tuy nhiên không được chấp nhận.

TUYẾT MAI - BÙI LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên