05/12/2014 14:46 GMT+7

Vụ án Hồ Duy Hải: Nhiều câu hỏi chưa được làm rõ

H.ĐIỆP - SƠN LÂM
H.ĐIỆP - SƠN LÂM

TTO - 15g hôm nay, TAND tỉnh Long An tổ chức họp báo thông tin về vụ án Hồ Duy Hải, tử tù vừa được hoãn thi hành án tử hình vào phút cuối.

Hồ Duy Hải trong phiên xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Long An năm 2008 (bị tuyên án tử hình) - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An (giữa) chủ trì họp báo - Ảnh: S.Lâm
Nhiều cơ quan báo chí quan tâm tới vụ án của Hồ Duy Hải - Ảnh: H.Điệp
Hơn 30 phóng viên tham dự buổi họp báo tại TAND tỉnh Long An - Ảnh: S.Lâm

Từ 14g ngày 5-12 nhiều phóng viên đã đến tòa và làm thủ tục đăng ký tham dự phiên họp với bộ phận văn phòng của tòa án tỉnh. Buổi họp báo bắt đâu lúc 15g cùng ngày.

Không được ghi âm, chụp hình(?)

Các phóng viên tham dự họp báo đều được kiểm tra giấy giới thiệu, thẻ nhà báo và dù là buổi họp báo song Chánh Văn phòng TAND tỉnh Long An đề nghị không được ghi âm cuộc họp báo.

Đây là vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận khi cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên Hồ Duy Hải phạm tội giết người với mức án tử hình.

Được biết, tại các phiên tòa xét xử, Hồ Duy Hải đều kêu oan. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực (năm 2009), người thân của Hồ Duy Hải liên tục kêu oan và gửi đơn đến tất cả các cơ quan tư pháp nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng.

Ngày 25-11-2014, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An xuống UBND xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An và mời mẹ của Hồ Duy Hải là bà Loan lên UBND xã thông báo về việc chuẩn bị thi hành bản án tử hình đối với tử tù này.

Bà Loan đã ra ngay Hà Nội để làm đơn kêu oan. 

Ngày 4-12, Tòa án nhân dân tỉnh Long An xác nhận sẽ tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5-12.

Đến trưa 4-12, lãnh đạo tòa này ký vào đơn xin hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy hải.

Có 31 phóng viên tham dự buổi họp báo. Chủ trì phiên họp là ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Long An.

Ông Lê Quang Hùng bắt đầu thông tin lại về vụ án, xử sơ thẩm, phúc thẩm và việc bản án không được kháng nghị, Chủ tịch nước bác đơn ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. 

Những câu hỏi chưa được làm rõ

Các phóng viên bắt đầu đặt những câu hỏi chất vấn về những vấn đề chưa được làm rõ của vụ án này như: dấu vân tay tại hiện trường không phải của Hồ Duy Hải, thời gian xảy ra vụ án mạng trong cáo buộc Hải phạm tội không hợp lý, lời khai của những nghi can đầu tiên đi đâu?...

Có phóng viên đặt câu hỏi: dấu vân tay tại hiện trường không phải của Hải thì là dấu vân tay đó của ai? Việc các nhân chứng đi mua thớt, dao về làm vật chứng vụ án thì có hợp lý không?

Có người đặt câu hỏi với Chánh án: Vì sao có quyết định hoãn thi hành án? Có phải vụ án có dấu hiệu oan sai hay không?

Theo một số phóng viên nêu, có báo đã đặt vấn đề về vụ án này và nhiều bạn đọc phản hồi không đồng tình với bản án kết tội, tử hình Hồ Duy Hải, đề nghị Chánh án trả lời. 

Nhiều phóng viên cũng chất vấn: Buổi họp báo này có phải để thông tin công khai về việc hoãn thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải không? Vậy tại sao lại cấm quay phim chụp hình họp báo?

Việc có 2 nhân chứng trong vụ án khẳng định "thấy Hồ Duy Hải" nhưng hai nhân chứng này lại khẳng định với luật sư rằng họ chỉ nói nhìn thấy một người thanh niên chứ không nhìn thấy Hồ Duy Hải, tòa giải thích việc này thế nào?

Có 16 câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo.

Vụ việc thuộc thẩm quyền cấp Tòa, Viện Tối cao

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Lê Quang Hùng cho biết: Ông không có quyền đánh giá chứng cứ, vì bản án đã có hiệu lực pháp luật, bởi Chánh án Tòa án tối cao, Viện trưởng viện KSND Tối cao cũng đã đánh giá thông tin và chứng cứ của vụ án rồi.

Tuy nhiên, nếu các nhà báo đã thu thập chứng cứ gì liên quan đến vụ án, thì cơ quan điều tra có thể mời nhiều người, để lấy thông tin.

Về câu hỏi của các phóng viên đặt vấn đề tại sao hoãn thi hành án Hải vào ngày 5-12: "Ở đây không có gì phải giấu diếm, bởi sau khi có quyết định thi hành án với Hải, là bị án tử hình thì Luật Thi hành án Hình sự mới thì phải báo với gia đình".

Sau khi có thông báo này, bà Loan không nhận thông báo, bà Loan làm đơn khiếu nại để làm đơn gửi các cơ quan chức năng và Viện KSND Tối cao. 

Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước có làm văn bản gửi Chánh án yêu cầu ngưng ngày thi hành. Còn việc thi hành ngày nào, ra sao thì còn chờ theo đúng trình tự và thủ tục.

Ông Hùng viện dẫn việc Hồ Duy Hải có đơn gửi chủ tịch nước với nội dung: Do Hải bị cha bỏ rơi còn nhỏ nên thiếu sự quản lý giáo dục dẫn đến ăn chơi và giết cùng lúc 2 mạng người

Thứ 2, Hồ Duy Hải cho rằng gia đình bên ngoại có công với cách mạng nên xin tha tội chết.

Ngày 17-5-2012, chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình. Trước khi ra quyết định này, VKSNDTC cũng thận trọng và cử một đồng chí Kiểm sát viên cao cấp gặp Hồ Duy Hải ở trại giam. Hải thừa nhận tội và có nguyện vọng tha thiết với Chủ tịch nước xin tha tội chết.

Về lãnh đạo tòa án nhân dân tỉnh Long An, ông Hùng nói: "Vẫn lắng nghe và đánh giá dư luận. Đến nay, bản án này vẫn đúng theo trình tự pháp luật".

Ông Hùng nói những vấn đề mà gia đình bị án Hồ Duy Hải khiếu nại hoặc báo chí có cung cấp được thông tin gì thì tòa án Long An cũng không thể xem được gì nữa. Vì hiện nay vụ việc thuộc thẩm quyền của cấp TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao.

"Với lương tâm người làm thẩm phán, chỉ cần 0,01% căn cứ cũng sẽ xem xét. Còn hiện nay, nếu các cấp Tòa và Viện Tối cao phát hiện ra những gì mới thì sẽ xem xét hết, để xử đúng người đúng tội, không để oan sai", ông Hùng nói.

Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ vụ Hồ Duy HảiVăn phòng Chủ tịch nước hôm 4-12 có công văn gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Nội dung công văn nêu rõ đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Đồng thời, công văn này cũng yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước kết quả trước ngày 4-1-2015.

V.V.THÀNH - H.ĐIỆP

Chưa thấy có tình tiết mới!

Về câu hỏi của phóng viên đặt ra liên quan luật sư Nguyễn Thành Quyết, nguyên là công an huyện Thủ Thừa lại được chỉ định làm luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, ông Hùng nói:

"Khi làm luật sư thì anh Quyết đã nghỉ hưu và hành nghề luật sư. Việc chỉ định anh Quyết là đúng quy định pháp luật".

Ông nói thêm: việc phóng viên nêu luật sư Quyết nhận 10 triệu của gia đình bị cáo thì tòa không biết.

Về câu hỏi của phóng viên vì sao tòa lại cấm quay phim chụp hình buổi họp báo, ông Hùng trả lời rằng: "Nội dung chính yếu là việc hoãn thi hành án tử hình, vậy nên việc quay phim chụp hình là không cần thiết!"(?)

Theo ông Hùng, đơn yêu cầu của gia đình Hồ Duy Hải gửi đến Tòa án tỉnh Long An gồm 3 nội dung: đề nghị hoãn thi hành án, trả tự do cho Hải và trả lời những vấn đềchưa được giải quyết của vụ án.  Theo ông Hùng, "sau khi Tòa xác nhận vào đơn gia đình bị án ra về rất vui vẻ".

Chánh án TAND tỉnh Long An cũng nói rằng: "Lãnh đạo Tòa tối cao đã chỉ đạo có gì mới liên quan đến vụ án thì phải báo cáo ngay. Nhưng đến nay thì chưa có gì".

Phó Chánh án Lê Quang Hùng cũng nói từ nay đến ngày 4-1-2015 sẽ giải quyết yêu cầu khiếu nại của gia đình Hồ Duy Hải!

Bị buộc tội giết người dã man

Tối 13-1-2008, hai nữ nhân viên Bưu Điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) bị giết hại dã man gây bàng hoàng dư luận người dân địa phương. Sau khi giết hại nạn nhân, hung thủ còn lấy đi nhiều tài sản của họ.

Sau điều tra, Hồ Duy Hải bị khởi tố, bắt giam về hai tội "giết người" và "cướp tài sản".

Tháng 11-2008, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm, tuyên án tử hình Hồ Duy Hải. Bản án phúc thẩm năm 2009 đã y án sơ thẩm, tuyên tử hình Hồ Duy Hải.

H.ĐIỆP - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên