29 bị cáo đều là người ở xã Đồng Tâm tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG
Sau hơn một tuần xét xử và nghị án, chiều nay (14-9), TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 29 bị cáo trong vụ án đổ xăng làm chết 3 chiến sĩ công an xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Hậu quả đau lòng
HĐXX nhận định về tố tụng, cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện đúng quy định và thẩm quyền. Tại tòa các bị cáo đều không khiếu nại các quyết định tố tụng liên quan.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Công trình bày để Công an Hà Nội điều tra ảnh hưởng tính khách quan vụ án, HĐXX thấy rằng đây là vụ án xảy ra trên địa bàn Hà Nội liên quan tội "giết người, chống người thi hành công vụ" nên Công an Hà Nội điều tra là đúng quy định.
Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, lời khai phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và các chứng cứ khác.
HĐXX tuyên án đối với 29 bị cáo - Video: DANH TRỌNG
Theo bản án, từ năm 2013 tại xã Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình và một số người thành lập tổ đồng thuận lôi kéo nhiều người dân tham gia khiếu kiện, vu khống chính quyền cướp đất, thực hiện nhiều vụ bắt giữ người gây mất trật tự.
Các bị cáo Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến có vai trò chính trong nhóm bị truy tố tội giết người.
Các bị cáo nhiều lần tổ chức họp quay video kêu gọi chống đối, tuyên bố nếu lực lượng công an về Đồng Tâm sẽ giết 300 - 500 người.
Bị cáo Công cùng Nguyễn Quốc Tiến đã bàn bạc mua lựu đạn, mua khối lượng xăng lớn để làm 85 chai bom xăng, nhiều tuýp sắt, gạch đá để chống đối lực lượng chức năng.
Rạng sáng 9-1, khi công an di chuyển đến gần thôn Hoành để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch, các bị cáo đã đánh kẻng, bắn pháo sáng. Các bị cáo cũng dùng gạch đá, bom xăng ném về lực lượng công an.
Tổ công tác nhiều lần phát loa kêu gọi các bị cáo dừng hành vi chống đối nhưng các bị cáo vẫn tiếp tục ném bom xăng.
Bị cáo Chức dùng tuýp sắt gắn dao bầu đâm làm 3 chiến sĩ công an rơi xuống hố. Chức tiếp tục dùng tuýp gắn dao bầu chọc xuống hố. Chức và Doanh đổ xăng ra chậu đốt rồi gạt xuống hố, tiếp tục đổ thêm 3-5 lần xăng xuống hố làm 3 chiến sĩ thiệt mạng.
HĐXX nhận định bị cáo Công là một trong những người gây ra cái chết của 3 chiến sĩ nên có vai trò quan trọng nhất. Tại tòa dù bị cáo thể hiện sự ăn năn hối cải nhưng vẫn cần áp dụng hình phạt cao nhất là loại bỏ khỏi xã hội.
Bị cáo Lê Đình Chức trực tiếp dùng tuýp sắt gắn dao bầu đâm các chiến sĩ công an rơi xuống hố, cùng Doanh đổ xăng đốt. Ba chiến sĩ chết vô cùng tang thương, thể hiện sự quyết liệt của bị cáo trong thực hiện hành vi phạm tội.
Hành vi của bị cáo Chức là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết đối với 3 chiến sĩ nên cần áp dụng hình phạt cao nhất là loại bỏ khỏi xã hội.
19 người được đổi tội danh
Bản án cũng xác định bị cáo Lê Đình Doanh trực tiếp ném gạch đá bom xăng về phía lực lượng chức năng, cùng bị cáo Chức đổ xăng ra chậu đốt gạt xuống hố. Doanh là một trong những người trực tiếp gây ra cái chết của 3 chiến sĩ. Bị cáo có thân nhân xấu, 3 lần bị xét xử về các tội khác nhưng không ăn năn mà còn tiếp tục phạm tội với tính chất nghiêm trọng hơn.
Hội đồng xét xử sẽ đưa ra phán quyết với 29 bị cáo trong vụ án tại Đồng Tâm - Ảnh: GIANG LONG
HĐXX cho rằng lẽ ra cần áp dụng hình phạt loại bỏ bị cáo Doanh ra ngoài xã hội nhưng xét thấy bố và chú ruột đã bị tuyên án tử hình, tại tòa bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nên cần phạt tù vĩnh viễn để đảm bảo tính răn đe phòng ngừa chung. Tòa tuyên bị cáo Doanh mức án chung thân.
Bị cáo Nguyễn Viết Hiểu khi phạm tội là người già cao tuổi, không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Hành vi của các bị cáo Công, Chức, Doanh, Hiểu, Tuyển, Tiến đủ yếu tố cấu thành tội "giết người". Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội giết người với tình tiết giết 2 người trở lên, giết người thi hành công vụ, hành vi phạm tội có tính tổ chức là có căn cứ.
Đối với 19 người còn lại trong nhóm bị cáo bị truy tố tội giết người, HĐXX cho rằng họ bị ông Kình, Công, Hiểu lôi kéo tham gia khiếu kiện hứa hẹn chia đất Đồng Sênh nên đã tham gia tổ đồng thuận chống đối lực lượng chức năng.
Một số bị cáo họp bàn mua xăng, làm bom xăng, làm bùi nhùi, góp 33 triệu mua lựu đạn và vận chuyển về nhà ông Kình. Hầu hết các bị cáo có mặt tại nhà ông Kình tối 8-1 để họp bàn phương thức chống đối.
Tòa nhận thấy các bị cáo đều là nông dân chất phác, thiếu hiểu biết pháp luật nên đã bị ông Kình, Công, Hiểu lôi kéo. Họ đều không trực tiếp thực hiện hành vi gây ra cái chết cho 3 nạn nhân.
Các bị cáo cũng ăn năn thừa nhận hành vi phạm tội, không tham gia cùng Chức, Doanh đổ xăng làm chết 3 chiến sĩ, tại tòa đã thành khẩn gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 chiến sĩ công an.
HĐXX đồng quan điểm với viện kiểm sát việc thay đổi tội danh với họ từ "giết người" sang "chống người thi hành công vụ".
Bác đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung
Bản án cũng nêu quan điểm của luật sư cho rằng nguyên nhân sâu xa xảy ra vụ án là do chính quyền không giải quyết thấu đáo khiếu kiện đất đai kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên tài liệu vụ án và thực tế cho thấy khu đất Đồng Sênh là đất quốc phòng để xây dựng sân bay Miếu Môn. Do vậy tòa không chấp nhận quan điểm này của luật sư.
Về quan điểm luật sư cho rằng cơ quan điều tra chưa làm rõ được nguyên nhân tử vong của 3 chiến sĩ, theo HĐXX, các giám định đã thể hiện nguyên nhân tử vong là do ngạt khí cháy toàn thân. Bị can Chức, Doanh và một số bị cáo khác tại tòa đều khai khi nghe tiếng người rơi xuống hố đã đổ xăng ra chậu đốt rồi gạt xuống hố và thêm 3-5 lần đổ xăng tiếp.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) - người cao tuổi nhất trong số 29 bị cáo hầu tòa - Ảnh: GIANG LONG
HĐXX cho rằng đủ cơ sở khẳng định cái chết của 3 nạn nhân là do hành vi của các bị cáo gây ra, không chấp thuận lập luận trên của luật sư.
HĐXX cũng khẳng định yếu tố thi hành công vụ của lực lượng công an rất rõ nên quan điểm đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung của luật sư không được chấp thuận.
Về ý kiến cho rằng các bị cáo bị ép cung, quá trình điều tra đã ghi âm ghi hình khi hỏi cung theo đúng quy định. Tại phiên tòa, trước chứng kiến của luật sư và cơ quan báo chí, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ.
Do đó HĐXX cũng cho rằng quan điểm của luật sư việc bị cáo bị ép cung là không đúng nên cũng không chấp nhận quan điểm này.
Căn cứ vào các lẽ trên, HĐXX tuyên án với nhóm các bị cáo tội "giết người": Lê Đình Công án tử hình, Lê Đình Chức án tử hình, Lê Đình Doanh án chung thân.
Các bị cáo Bùi Viết Hiểu bị tuyên 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù.
Nhóm 19 bị cáo được đổi tội danh từ "giết người" sang "chống người thi hành công vụ" bị tuyên phạt mức án cao nhất 6 năm tù, mức thấp nhất 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Bốn bị cáo bị truy tố tội "chống người thi hành công vụ" gồm: Lê Đình Hiển, Nguyễn Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng cùng bị tuyên phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận