16/05/2018 16:17 GMT+7

Vụ án chạy thận: Bác sĩ Hoàng Công Lương dùng quyền im lặng

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi có hướng “quy kết tội” nên sử dụng quyền im lặng và cho biết không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội.

Vụ án chạy thận: Bác sĩ Hoàng Công Lương dùng quyền im lặng - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Công Lương quyết định sử dụng quyền im lặng trong ngày thứ hai của phiên toà - Ảnh: DANH TRỌNG

Diễn biến bất ngờ đã xảy ra tại phiên tòa xét xử vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chiều nay khi bác sĩ Hoàng Công Lương xin có ý kiến trước khi Viện kiểm sát xét hỏi.

Nhường quyền cho luật sư

"Trước khi phiên xử bắt đầu, thông qua báo chí, bị cáo đã nhận được thông tin người đứng đầu Viện kiểm sát quy kết tội cho bị cáo với lý do không ký thì không chết người. Khi Viện kiểm sát hỏi hai bị cáo còn lại sáng nay cũng có hướng quy kết tội cho bị cáo, nên bị cáo không tin tưởng Viện kiểm sát. Bị cáo xin giữ im lặng, bị cáo nhường quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội", bác sĩ Lương nói.

Dừng lời một lúc, bác sĩ Lương nhắc lại: "Bị cáo xin được giữ quyền im lặng với những câu hỏi Viện kiểm sát dành cho bị cáo. Bị cáo không nhất thiết phải chứng minh mình vô tội vì vậy bị cáo giữ quyền im lặng".

Chủ tọa phiên tòa giải thích việc giữ im lặng là quyền của bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát sau đó tiếp tục đặt câu hỏi, công bố các bút lục, lời khai của bác sĩ Lương tại cơ quan điều tra.

Vụ án chạy thận: Bác sĩ Hoàng Công Lương dùng quyền im lặng - Ảnh 2.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia xét hỏi tại phiên tòa chiều 16-5 - Ảnh: DANH TRỌNG

Sự cố chưa bao giờ gặp

Trong khi đó, trả lời xét hỏi của Viện kiểm sát, bác sĩ Hoàng Đình Khiếu - trưởng khoa Hồi sức tích cực - cho biết công việc cụ thể của bác sĩ Lương là khám, điều trị cho người bệnh và phân công các bác sĩ khác.

"Sự khác biệt giữa Lương và 2 bác sĩ khác tại đơn nguyên thận nhân tạo là đã học xong thận nhân tạo, là người có thâm niên công tác. Đương nhiên các bác sĩ khác phải tuân thủ ý kiến của bác sĩ Lương", ông Khiếu nói.

Theo ông Khiếu, sáng 29-5-2017, ông chưa nhận được báo cáo của ai khi sửa chữa xong hệ thống nước RO số 2 thì thiết bị đã đưa vào sử dụng. Sau khi sự cố xảy ra, khoa phải xin ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai vì đây là sự cố "chưa bao giờ gặp".

Ông Hoàng Công Tình - phó khoa Hồi sức tích cực - thì cho biết phân công bác sĩ Lương xuống đơn nguyên thận nhân tạo để làm việc chứ không phải để phụ trách đơn vị này. Bác sĩ Lương ra y lệnh với bệnh nhân mình chăm sóc chứ không phải ra y lệnh với tất cả các bệnh nhân.

Về quy trình máy móc sau khi sửa chữa có bắt buộc phải làm xét nghiệm nguồn nước trước khi đưa vào sử dụng, ông Tình nói "không nắm được vì trách nhiệm là của phòng vật tư".

"Chúng tôi chỉ học về điều trị chăm sóc bệnh nhân chứ không được học về nguồn nước. Khi thiết bị mà phòng vật tư nói được thì là đã sử dụng được. Khi xảy ra sự cố, Sơn và Quốc đều khẳng định đã sửa chữa xong và đưa ra văn bản đã nghiệm thu, đã bàn giao", ông Tình nói.

Cựu giám đốc bệnh viện cử luật sư dự tòa 8 bệnh nhân chạy thận chết

TTO - Luật sư Đỗ Quốc Quyền được ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ủy quyền đến dự phiên tòa xét xử vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên