Thiếu nhân sự, kinh phí tổ chức thi hành án
Báo cáo về tình hình hoạt động thi hành án dân sự, ông Nguyễn Văn Hòa - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM - cho biết trong gần 7 tháng của năm công tác 2023, tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM (Thi hành án dân sự TP.HCM) tiếp tục đứng đầu trong cả nước.
Tổng số việc phải giải quyết là 78.589 việc (thụ lý mới 34.842 việc), tổng số tiền phải giải quyết là hơn 130.201 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều vụ án lớn và phức tạp, nhiều tài sản khó xử lý, có vướng mắc về vấn đề pháp lý, tài sản hình thành trong tương lai,...
Vừa qua, tình hình kinh tế khó khăn, tiền của người dân, người phải thi hành án nằm trong bất động sản nhiều, dẫn tới việc xử lý tài sản hết sức khó khăn, tài sản bán nhiều lần nhưng không ai mua.
Bên cạnh đó, biên chế của Cục Thi hành án dân sự khoảng 540 người nhưng khối lượng thi hành án rất lớn, nguồn thụ lý từ trọng tài kinhh tế, án của tòa…, đơn cử vụ Alibaba có đến 5.000 việc khác nhau.
Ông Hòa cho biết Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đóng trên địa bàn TP.HCM, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương nhưng trước đây kinh phí chủ yếu do trung ương hỗ trợ, kinh phí thiếu thốn.
Đối với các vụ án như Alibaba, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vừa viết một phần mềm để thụ lý, chuẩn bị trang thiết bị, bàn ghế, con người (Tổng cục Thi hành án dân sự chuẩn bị biệt phái 15 người từ các địa phương để hỗ trợ)… nhằm tổ chức thi hành án.
Không chỉ vụ Alibaba, mà Cục Thi hành án dân sự TP.HCM còn đang xử lý nhiều vụ khác như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, AIC… Từ đó, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đề nghị đoàn giám sát lưu ý hỗ trợ.
Tỉ lệ thi hành án hành chính thấp, người dân bức xúc
Ông Lê Minh Đức - phó trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM - cho rằng đối với việc thi hành án hành chính, trong kỳ báo cáo có 235 bản án, quyết định hành chính phải thi hành nhưng đến nay mới thi hành xong 37 bản án, quyết định.
Tỉ lệ rất thấp, dân đi kiện quan, thắng rồi nhưng mòn mỏi chờ thi hành, dẫn đến người dân bức xúc. Nhiều đơn thư gửi chủ tịch HĐND cũng liên quan đến thi hành án hành chính.
Ông Đức cho rằng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cần đốc thúc, báo cáo cho các cơ quan chức năng để thi hành án nhanh chóng.
Về số việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong là 5.300 việc.
Tuy nhiên, theo ông Đức, trong báo cáo chưa nêu cụ thể bao nhiêu vụ việc chưa thi hành trên 10 năm, trên 20 năm.
Các vụ việc này không nhiều nhưng vẫn còn tồn tại, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành TP để thi hành nhanh, tránh kéo dài.
Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Hòa cho rằng sau khi tòa án chuyển giao bản án hành chính, trong vòng 30 ngày cơ quan hành chính nhà nước phải tự nguyện thi hành án.
Nếu không thi hành thì tòa án phải ra quyết định buộc thi hành, và cơ quan thi hành án ra văn bản đôn đốc, đề nghị các cơ quan hành chính thực hiện, nếu không thực hiện sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Với vai trò theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự cho biết vừa qua tỉ lệ các cơ quan hành chính chậm thi hành án tăng lên khá lớn.
Nguyên nhân là cơ quan hành chính cho rằng việc xét xử chưa phù hợp, quy định pháp luật có xử lý, xem xét rất nặng trách nhiệm người đứng đầu từ cảnh cáo đến kỷ luật khác, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng thời gian vừa qua chưa làm.
"Tôi hy vọng với đợt kiểm tra vừa qua giữa Sở Tư pháp TP, Cục Thi hành án dân sự TP và Thanh tra TP thì sẽ có chuyển biến tích cực" - ông Hòa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận