Thông báo truy tìm Lê Minh Sơn của Công an tỉnh Bình Thuận vào năm 1999 - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Tuy nhiên khi ông Tê bị bắt, những người dân ở xã Tân Minh lại đặt nghi vấn lên một người khác vì có nhiều dấu hiệu bất thường.
Người xuất hiện, trước, trong và sau khi xảy ra vụ án chính là anh cọc chèo của cậu ruột anh Đỗ Thanh An, đó là ông Trương Đình Khôi (có tên khác là Trương Đình Chi), sinh năm 1956, ngụ thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải cũ, nay là tỉnh Bình Thuận.
Giàu lên bất thường sau vụ án mạng
Hệ thống lại các báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận, chúng tôi thấy: Đầu năm 1980 vợ chồng ông Khôi cùng một số hộ dân khác đến xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang cũ (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) để lập nghiệp.
Quá trình sinh sống tại đây, ông Khôi có xảy ra mâu thuẫn nên ngày 27-7-1980, ông Khôi và vợ là Võ Thị Bung về lại xã Tân Minh.
Tuy nhiên, khi về lại nơi cũ, ông Khôi không có nhà ở nên được người em cọc chèo là ông Phan Thanh (em ruột nạn nhân Phan Thị Khanh) cho ở nhờ. Hoàn cảnh vợ chồng ông Khôi lúc đó rất khó khăn, toàn bộ tài sản họ mang theo chỉ có 30kg phân bón.
Ngày 31-7-1980 xảy ra vụ án giết bà Khanh cướp tài sản thì hai ngày sau vợ chồng ông Khôi đánh tiếng với hàng xóm là đưa con đi Cam Ranh. Tuy nhiên, họ không đi Cam Ranh như đã nói mà trở về lại xã Lịch Hội Thượng.
Báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận nêu: theo ông Phan Đình Bảo, một trong những người dân xã Tân Minh đi Hậu Giang cùng với gia đình ông Khôi thì khi trở lại Hậu Giang, gia đình ông Khôi đến ở trong căn nhà bỏ hoang của bà Mai Xuân Soạn (bà Soạn cũng là người từ Tân Minh xuống Hậu Giang làm thuê).
Do căn nhà trống này sát vách nhà ông Bảo nên khi nghe tiếng vợ chồng ông Khôi rầm rì nói chuyện, sinh nghi, ông Bảo vạch vách nhà rình xem thì thấy vợ chồng Khôi tính tiền mặt được 300 đồng, 2 chiếc cà rá và một số vàng nữ trang khác.
Dù trước đó vợ chồng ông Khôi rất nghèo, con bệnh không có tiền mua thuốc chữa trị nhưng đột nhiên sau khi trở lại Hậu Giang, ông Khôi liền mua một chiếc xuồng trị giá 1.400 đồng (lương hiệu phó một trường liên cấp I, II lúc đó là khoảng 45 đồng/tháng).
Chi tiết này, ông Bảo có kể cho những người hàng xóm khác ở Lịch Hội Thượng nghe, trong đó có bà Soạn. Sau đó bà Soạn và ông Bảo cùng về lại Tân Minh kể cho nhiều người nghe. Đồng thời, các thông tin này cũng được họ báo lên ban chuyên án.
Khi đó, ban chuyên án đã cử điều tra viên đến Hậu Giang làm việc với ông Khôi. Sau buổi làm việc, điều tra viên thu giữ chứng minh nhân dân của ông Khôi và hẹn hôm sau trở lại làm việc tiếp. Ngay lập tức, ông Khôi đưa gia đình bỏ trốn. Thế nhưng, điều rất lạ là việc truy tìm ông Khôi không được Công an tỉnh Bình Thuận thực hiện.
Cũng kể từ đó, vợ chồng ông Khôi biệt tích khỏi Hậu Giang. Họ cũng không quay về lại Tân Minh, dù nơi này vẫn còn những người thân quen của ông Khôi sinh sống.
Biến mất lần 2
Sau khi đi khỏi Hậu Giang, ông Khôi về nhà cha vợ ở Bình Định là ông Võ Mạnh. Tại đây, ông Khôi thay tên đổi họ thành Lê Minh Sơn, sinh ngày 10-11-1954 và nhập hộ khẩu vào nhà ông Mạnh. Vợ ông Khôi tên Võ Thị Bung cũng đổi tên thành Võ Thị Bông.
Khi truy tìm kẻ giết mẹ mình, anh An đã lần ra manh mối của ông Khôi. Anh An kể: năm 1992, em họ tôi (tức con gái ông Phan Thanh) đã gặp ông Khôi ở nhà ông ngoại nó (tức cha vợ ông Khôi). Lần đó ông Khôi về dự đám giỗ cha vợ. Sau khi thu thập được chứng cứ và xác định chính xác ông Khôi đổi tên thành Lê Minh Sơn, anh An đã cung cấp thông tin này cho Công an tỉnh Bình Thuận.
Nhận được tin báo, Công an tỉnh Bình Thuận cử điều tra viên lên đường đi Bình Định. Tại đây, điều tra viên đã xác định được ông Trương Đình Khôi đổi sang tên mới là Lê Minh Sơn, đúng như những gì anh An cung cấp.
Cũng giống lần trước, điều tra viên thu giữ chứng minh nhân dân của ông Khôi có tên mới Lê Minh Sơn và hẹn hôm sau trở lại làm việc. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, ông Khôi lại... biến mất.
Điều rất lạ lại xảy ra thêm một lần nữa, Công an tỉnh Bình Thuận không có hoạt động bắt giữ hay truy tìm nào khác đối với ông Khôi sau khi ông này bỏ trốn khỏi Bình Định.
Cuộc điều tra của người con trai nạn nhân
Sau khi Công an tỉnh Bình Thuận tiếp cận các thông tin do anh Đỗ Thanh An cung cấp nhưng không làm rõ được nguồn gốc bất minh về tài sản, cũng như sự biến mất bí ẩn của ông Khôi trước đây hay Lê Minh Sơn sau này. Công an tỉnh Bình Thuận cũng không trả lời cho anh An biết về kết quả xác minh ra sao, nên anh An tiếp tục gửi nhiều đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Mãi đến năm 1999, tức là 7 năm sau khi manh mối của Lê Minh Sơn được thu giữ thì Công an tỉnh Bình Thuận mới ra thông báo truy tìm số 206 đối với người mang tên Lê Minh Sơn.
Động thái này của Công an tỉnh Bình Thuận là vì khi đó đơn của anh An may mắn đến được tay trung tướng Nguyễn Việt Thành (lúc đó là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và ông Thành có văn bản chỉ đạo trực tiếp cho Công an tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở một tờ thông báo gửi đến Bộ Công an và công an các tỉnh thành trong cả nước, trong khi Lê Minh Sơn vẫn "bóng chim tăm cá".
Không cam tâm khi mẹ mình chết mà kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, anh An lại tiếp tục truy tìm manh mối bằng cách tìm kiếm các thông tin về người mang tên Lê Minh Sơn. Hàng chục năm liền, vừa làm thuê làm mướn, anh An vừa lần mò khắp các tỉnh thành.
Hễ nghe nơi nào có người tên Lê Minh Sơn, có lai lịch giống ông Trương Đình Khôi, anh đều tìm đến. Các thông tin thu nhặt được anh ghi chép tỉ mỉ vào cuốn sổ rồi hệ thống lại.
Đến năm 2017, anh đã tìm ra nhiều manh mối liên quan đến Lê Minh Sơn như: số điện thoại, các nơi ông này thường lui tới, nơi sinh sống của em ruột ông Sơn tại Đồng Nai, nơi ở của em ruột bà Võ Thị Bông tại Bình Định...
Chưa hết, nghe tin vợ chồng Lê Minh Sơn có xe khách chạy chuyến TP.HCM - Phan Thiết, anh An cũng mua một chiếc xe cũ chạy khách để tìm kiếm thông tin. Cuối cùng anh cũng tìm ra được xe của gia đình ông Sơn, anh ghi lại biển số cẩn thận.
Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, lập tức anh cung cấp cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phía Nam. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, Đỗ Thanh An cũng không nhận được thông tin phản hồi gì.
Và đương nhiên, tung tích của Lê Minh Sơn đến nay vẫn... biệt vô âm tín, mặc dù một số người quen vẫn thấy Lê Minh Sơn - Trương Đình Khôi xuất hiện ở đâu đó tại Phan Thiết, Đồng Nai, Bình Định...
Kỳ tới: Sau 39 năm, điều tra viên từng giáp mặt với ông Trương Đình Khôi nói gì? Vì sao rất nhiều nghi vấn liên quan nhưng công an không khởi tố?
Thông báo truy tìm số 206, ngày 4-4-1999
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận xin thông báo:
Ông Lê Minh Sơn, sinh ngày 10-11-1954. Quê quán tại xã Phước Thuận, Phước Vân, tỉnh Nghĩa Bình (nay là Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định). Trú quán tại xã Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định. Có vợ là Võ Thị Bông. Hiện nay ông ở đâu đến ngay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận để làm rõ một số vấn đề có liên quan đến quyền lợi của cá nhân ông.
Nhân chứng nói gì?
Ông Huỳnh Cửu Long - Ảnh: H.ĐIỆP
Ông Huỳnh Cửu Long (67 tuổi, hiện ngụ thôn 3, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân) là một trong những nhân chứng cho biết: Khoảng chiều muộn ngày
31-7-1980, ông đang ở nhà thì có một chiếc xe khách chạy qua, người trên xe hô to: "Lên trên này cứu bà kia bị chồng đánh dữ lắm". Ông Long chạy đến hiện trường thì thấy bà Khanh nằm gần quốc lộ, người bị chém nhiều nhát.
Sau đó ít lâu, bà Mai Xuân Soạn là người dân địa phương cùng đi miền Tây với ông Khôi và cùng làm nghề chèo ghe đổi nước, có về lại Tân Minh kể chuyện ông Khôi có những biểu hiện bất thường và có tài sản bất minh cho ông Long và nhiều người khác nghe.
Bà Soạn có làm đơn tố cáo gửi ban chuyên án. Điều tra viên Nguyễn Sỹ Nam (hiện đã nghỉ hưu) được cử đi xác minh. Ông Nam là người đã gặp được ông Khôi, nhưng sau đó ông Khôi bỏ trốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận