16/08/2019 07:02 GMT+7

Vụ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Cần thận trọng xem xét lại vụ án

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan điều tra cần phải xem xét lại toàn bộ vụ án, nhất là chuyện kêu oan của gia đình ông Võ Tê và đơn thư tố cáo nghi phạm Trương Đình Khôi - Lê Minh Sơn của con trai nạn nhân là anh Đỗ Thanh An.

Vụ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Cần thận trọng xem xét lại vụ án - Ảnh 1.

Anh Đỗ Thanh An tại hiện trường nơi xảy ra vụ án mạng 39 năm trước, nay chỉ còn bãi đất trống - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Sau khi loạt bài "Vụ án 39 năm không tìm ra hung thủ" (Tuổi Trẻ khởi đăng từ ngày 12-8-2019), nhiều ý kiến cho rằng cơ quan điều tra cần phải xem xét lại toàn bộ vụ án, nhất là chuyện kêu oan của gia đình ông Võ Tê và đơn thư tố cáo nghi phạm Trương Đình Khôi - Lê Minh Sơn của con trai nạn nhân là anh Đỗ Thanh An.

Trước đó, trong một báo cáo gửi Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Thuận nhận định vụ án xảy ra đến nay đã là 39 năm, trong khi pháp luật hiện hành quy định thời hiệu điều tra chỉ là 20 năm. Do đó, vụ án bà Phan Thị Khanh đã hết thời hiệu để điều tra, giải quyết.

Vụ án đã hết thời hiệu?

Năm 1984, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định tạm kết thúc điều tra vụ án. Điều này được hiểu rằng vụ án đã được khởi tố, nhưng sau 4 năm điều tra mà không bắt được hung thủ nên tạm khép lại. 

Theo một thẩm phán hiện đang công tác tại TP.HCM thì theo quy định của pháp luật hiện hành, khi vụ án được tạm đình chỉ nhưng có manh mối hung thủ thì cần phục hồi điều tra. Nếu người bị tình nghi được hưởng thời hiệu và không thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới đình chỉ vụ án theo quy định.

Thực tế trong vụ án này, anh Đỗ Thanh An liên tục tố cáo và cung cấp manh mối về hung thủ cho cơ quan điều tra, nhưng cơ quan điều tra không xác minh hoặc có xác minh nhưng không có văn bản trả lời, hoặc có kết luận thì được hiểu là vụ án vẫn đang được tiếp tục làm rõ. Do vậy cần phải xem lại quy định về thời hiệu trong vụ án này.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng về mặt nghiệp vụ, đặc biệt với những vụ trọng án, cơ quan điều tra không thể không lưu ý "thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự" khi chưa tìm ra thủ phạm. 

Vụ án này xảy ra năm 1980, thời điểm hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là năm 2000, tức 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (kể từ ngày tội phạm được thực hiện). Có nghĩa trước thời điểm này, cơ quan điều tra cần có những động thái tố tụng để không bị hết thời hiệu khi chưa truy bắt được thủ phạm.

Theo Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Theo phản ảnh thì những thông tin về nghi phạm đã được người dân, gia đình nạn nhân cung cấp cho cơ quan điều tra, và chính anh Đỗ Thanh An cũng đã theo đuổi vụ tố cáo suốt nhiều thập kỷ. 

Có chứng cứ cho thấy nghi phạm (bị tố cáo) liên tục thay đổi nơi cư trú, thay đổi chứng minh nhân dân... Điều này cho thấy nội dung tố cáo là có cơ sở.

Ngoài ra, năm 1999, sau thời điểm xảy ra vụ án 19 năm, tức còn một năm nữa là hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra đã ra thông báo truy tìm đối tượng. Thông báo này có thể hiểu như một tờ lệnh truy nã để không tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật hình sự. 

Vì lẽ đó, các cơ quan kiểm sát hoạt động tố tụng cần xem xét lại vụ án này để có phương án xử lý tiếp theo. 

Đồng thời, ông Nguyễn Sỹ Nam (nguyên điều tra viên từng điều tra vụ án) cho rằng trong vụ án này người bị tình nghi luôn lẩn trốn và thay đổi cả lý lịch tư pháp nhằm tránh việc truy tìm của cơ quan điều tra thì không được hưởng thời hiệu. Nếu áp dụng thời hiệu trong vụ án này là bất công đối với nạn nhân.

Vụ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Cần thận trọng xem xét lại vụ án - Ảnh 2.

Hiện trường nơi xảy ra vụ án mẹ anh Đỗ Thanh An bị giết, cướp. 39 năm trước nơi này là rẫy bắp, hiện nhà cửa đã mọc lên thành khu dân cư - Ảnh: KIM THOA

Bộ Công an: phải trả lời đơn tố giác tội phạm của anh An

Chiều 15-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Trần Văn Vệ - phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT, chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an - cho biết Bộ Công an vừa có văn bản yêu cầu Công an tỉnh Bình Thuận, Viện KSND cùng cấp đánh giá lại toàn bộ sự việc, từ đánh giá đó mới đưa ra hướng xử lý, vướng mắc ở đâu thì đề xuất để Bộ Công an hướng dẫn. 

Ông Vệ cũng cho rằng nếu có việc khởi tố oan sai cho người dân thì cần phải minh oan và xin lỗi. Tuy nhiên, để xác định việc có oan sai hay không cần phải chờ vào kết quả đánh giá và các quyết định tố tụng của Công an tỉnh Bình Thuận.

Trong văn bản của Bộ Công an gửi Công an tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng cần phải trả lời đơn tố giác tội phạm của anh Đỗ Thanh An. Cụ thể, Bộ Công an yêu cầu thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận cần phải thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để xác định thời điểm tội phạm được thực hiện, đánh giá chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của ông Võ Tê và các quyết định kết thúc điều tra vụ án, bị can để xem xét có oan sai hay không. 

Đối với đơn tố giác của anh Đỗ Thanh An về đối tượng nghi vấn giết bà Phan Thị Khanh, công văn của Bộ Công an nêu: nếu vụ án đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì đình chỉ điều tra vụ án và trả lời đơn cho ông Đỗ Thanh An.

Vụ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Cần thận trọng xem xét lại vụ án - Ảnh 3.

Anh Đỗ Thanh An - con trai nạn nhân Khanh - gửi gắm nhiều điều với điều tra viên Nguyễn Sỹ Nam - Ảnh: H.Đ.

Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, viện trưởng Viện KSND quận 3 (TP.HCM), cho rằng dù rất thương cảm và chia sẻ với anh Đỗ Thanh An nhưng căn cứ để phục hồi điều tra vụ án là không còn.

Bởi theo quy định tại điều 235 Bộ luật tố tụng hình sự thì sẽ không phục hồi điều tra khi việc điều tra tội phạm đã hết thời hiệu, trừ khi bị can có yêu cầu.

Như vậy, luật pháp hiện hành không dành quyền này cho người bị hại, mà dành quyền này cho người phạm tội. Bà Nhuệ bình luận: "Dành quyền yêu cầu phục hồi điều tra đối với người tình nghi đã lẩn trốn sau nhiều năm là điều không tưởng".

Kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ: Nhiều nghi vấn nhưng không khởi tố

TTO - Sau hơn 30 năm im lặng không trả lời đơn thư tố cáo của công dân, mới đây Công an Bình Thuận đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Công an. Công an Bình Thuận khẳng định có nhiều dấu hiệu cho thấy Trương Đình Khôi (Lê Minh Sơn) liên quan vụ án.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên