TTCT - Liệu nước Mỹ có thể đoàn kết hơn sau sự kiện chấn động tuần rồi: vụ ám sát cựu tổng thống, và ứng viên tổng thống đang sáng giá, Donald Trump? Tấm hình sẽ giúp ông Trump thắng cử? Ảnh: CNNKhi tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan bị một kẻ loạn thần bắn chỉ ba tháng sau lễ nhậm chức năm 1981, cả nước Mỹ đoàn kết quanh ông. Chủ tịch Hạ viện Thomas P. O'Neill Jr. (phe Dân chủ) tới bệnh viện với đôi mắt đẫm lệ. Ông cầm tay Reagan, hôn lên trán, rồi quỳ xuống cầu nguyện.Nhưng vụ ám sát hụt cựu tổng thống Trump hiện có nguy cơ chia rẽ nước Mỹ hơn bao giờ hết. Vài phút sau vụ việc, truyền thông tràn ngập thông điệp giận dữ, nghi ngờ và chỉ trích. Các bên đổ lỗi cho nhau và một loạt thuyết âm mưu xuất hiện.Giận dữ và đổ lỗiTheo The New York Times, vụ ám sát xảy ra chỉ hai ngày trước đại hội đảng Cộng hòa đẩy góc nhìn đảng phái lên hơn bao giờ hết. Trong khi phe Dân chủ luôn phàn nàn về bạo lực chính trị - họ từ lâu chỉ trích ông Trump cổ xúy bạo lực, thì phe Cộng hòa lập tức chỉ trích Tổng thống Joe Biden và đồng minh, cho rằng tất cả xuất phát từ ngôn từ kích động, như kiểu gọi ông Trump là phát xít, là người sẽ hủy diệt nền dân chủ.Con trai ông Trump, các chiến lược gia và ứng viên phó tổng thống của ông lập tức quy tội cho phe cánh tả sau vụ việc - thậm chí là trước cả khi thông tin về tay súng hay động cơ được xác định. (Thủ phạm sau đó được xác định là Thomas Crooks, 20 tuổi, cử tri đăng ký của phe Cộng hòa, dù gần đây từng đóng góp cho một tổ chức thân Dân chủ)."Đương nhiên họ cố tìm cách loại ông ấy, họ cố đưa ông ấy vào tù và giờ thì tới chuyện này" - Chris LaCivita, cố vấn cao cấp của ông Trump, viết ngay sau đó. Nhưng phe Trump có vẻ nghĩ lại và post đó bị xóa. Một ngày sau, văn bản chỉ đạo của LaCivita và Susie Wiles yêu cầu các thành viên chiến dịch tranh cử không bình luận về vụ ám sát. Ông Trump trong bài viết trên mạng xã hội TruthSocial hôm 14-7 cũng giảm tông và kêu gọi "đoàn kết".Dù thế nào, vụ ám sát hụt đã củng cố thêm hình ảnh ông Trump vẫn xây dựng rằng ông là nạn nhân của phe Dân chủ. Bị luận tội, truy tố, kết tội và kiện tụng đủ kiểu, trước vụ ám sát, ông Trump thậm chí cáo buộc phe Dân chủ sẽ tìm cách để FBI bắn hoặc xử tử ông.Vụ ám sát diễn ra vào thời điểm nước Mỹ vốn đã chia rẽ nặng nề về quan điểm, văn hóa và đảng phái, đến mức nhiều lúc, theo các chuyên gia, giống như hai quốc gia. Một thăm dò của Marist hồi tháng 5 cho thấy 47% người Mỹ nói nội chiến lần hai rất có khả năng xảy ra.Tình trạng đối đầu gần đây đã dẫn tới nhiều người so sánh năm 2024 với năm 1968, khi bạo loạn sắc tộc và chính trị bùng nổ sau vụ ám sát mục sư Martin Luther King và chính trị gia Robert F. Kennedy. Michael Kazin, nhà sử học tại Đại học Georgetown, nói bạo lực chính trị có lịch sử lâu dài ở Mỹ. "Như 1968, hay 1919, 1886 và 1861, bạo lực như vừa rồi là khó tránh khỏi khi xã hội chia rẽ căng thẳng vậy - ông nói với The New York Times - Đương nhiên bạo lực năm nay vẫn còn đỡ hơn những năm đó".Nhưng có lẽ chưa bao giờ kể từ khi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát bởi một người ủng hộ Liên minh miền Nam, lại có một âm mưu ám sát tổng thống hay ứng viên tổng thống có thể đẩy thêm tình trạng chia rẽ đảng phái thế này.Các tổng thống James A. Garfield, William McKinley và John F. Kennedy bị ám sát bởi những tay súng tức giận vì lý do cá nhân. Còn các vụ ám sát King, Robert Kennedy hay vụ ám sát hụt Franklin D. Rooosevelt, Gerald R. Ford và Reagan đều không gây chia rẽ như vậy.Đậm màu đảng pháiNhững năm gần đây, bạo lực chính trị ở Mỹ ngày càng mang tính đảng phái. Hạ nghị sĩ Gabrielle Giffords (Dân chủ) bị bắn nguy kịch năm 2011, dẫn tới chỉ trích kịch liệt cho rằng phe Cộng hòa khuấy động thù hận. Hạ nghị sĩ Steve Scalise (Cộng hòa) bị bắn khi đi tập bóng chày năm 2017 bởi một người ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Vermont. Năm ngoái, một người dùng rìu đột nhập nhà bà Nancy Pelosi, khi đó là chủ tịch Hạ viện của phe Dân chủ, và đánh chồng bà bị thương.Vụ bạo lực chính trị nổi tiếng gần đây nhất là vụ tấn công Đồi Capitol ngày 6-1-2021 bởi những người ủng hộ ông Trump nhằm ngăn việc xác nhận kết quả bầu cử. Các nghị sĩ Dân chủ đòi luận tội ông Trump vì kích động vụ tấn công Đồi Capitol bằng ngôn ngữ gây hấn. Nhưng nay phe Cộng hòa quay lại chỉ trích phe Dân chủ sau vụ ông Trump bị bắn hôm 13-7. Họ nói nếu ông Trump chịu trách nhiệm về ngôn từ khiêu khích, thì ông Biden cũng có tội tương tự. Khi nói chuyện với nhà tài trợ hôm 8-7, ông Biden từng nói muốn "đưa Trump vào tầm ngắm" (sau vụ ám sát, ông nói bình luận này là sai lầm).Bản thân ông Trump thường dùng ngôn ngữ phóng đại, đôi khi là bạo lực nhằm kích động tâm trạng giận dữ với ông Biden và huy động cử tri. Ông từng cảnh báo "chết chóc và hủy diệt" nếu bị truy tố và ám chỉ sẽ truy tố đối thủ chính trị nếu trở lại nắm quyền.Một số nghị sĩ Cộng hòa ngay sau vụ việc quy tội cho phe Dân chủ. Thượng nghị sĩ J. D. Vance của Ohio, người được ông Trump chọn làm ứng viên phó tổng thống, chỉ trích ông Biden trên X: "Thông điệp chính của chiến dịch Biden là tổng thống Trump là kẻ phát xít độc tài cần phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Thông điệp phóng đại đó trực tiếp dẫn tới âm mưu ám sát".Phe kia là vô đạo đứcTheo Wall Street Journal, câu hỏi lúc này là liệu hai bên có thật sự hạ nhiệt không. "Tranh luận xã hội, giờ thường được gọi là đối đầu chính trị, đẩy đất nước vào chia rẽ lớn, với gần 2/3 mỗi đảng coi đảng còn lại là vô đạo đức, thiếu trung thực và hẹp hòi", WSJ trích thăm dò của Trung tâm Pew.Một loạt thăm dò cho thấy người Mỹ chán nản với tình hình chính trị. Trong các thăm dò của Pew, 2/3 những người được hỏi nói chính trị làm họ mệt mỏi và gần 9/10 nói cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ thích đối đầu hơn là giải quyết vấn đề.Theo Peter Spiegel của Financial Times, trong quá khứ, những vụ khủng hoảng ám sát gây sốc kiểu này thường khiến các bên lùi khỏi bờ vực và những cái đầu lạnh sẽ lên tiếng. Dù vậy, tâm lý cả hai bên lúc này cho thấy ít có cơ hội cho suy nghĩ tỉnh táo. "Cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều dùng sợ hãi để khuấy động cử tri, đều cảnh báo chiến thắng của đối thủ sẽ là kết thúc với nước Mỹ. Đây không phải môi trường thuận lợi để quay trở lại bầu cử bình thường", Spiegel viết.Chỉ vài phút sau vụ nổ súng ở Butler, Pennsylvania, cơn thịnh nộ của phe Cộng hòa nhanh chóng chuyển sang tâm lý ngưỡng mộ hình ảnh ông Trump giơ cao nắm đấm ngay sau khi bị bắn - nhiều chuyên gia đánh giá đây là nhạy cảm chính trị và truyền thông của ông Trump, người vốn dạn dày kinh nghiệm về xây dựng hình ảnh. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa thậm chí đánh giá cuộc đua vào Nhà Trắng đã kết thúc vì sự cố này sẽ khiến nhiều người độc lập quyết định ủng hộ ông Trump và là sức hút để nhiều cử tri Cộng hòa đi bỏ phiếu. ■ "Hình ảnh và video ông Trump khuấy động đám đông (sau khi bị bắn) có thế sẽ là hình ảnh đáng nhớ nhất của cuộc bầu cử và thậm chí là toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông"Báo Mỹ Politico Tags: Chính trị giaBầu cử tổng thống MỹTổng thống Donald TrumpThuyết âm mưuTổng thống Joe BidenPhân tích bầu cử Mỹ 2024
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.