Ngày 15-5, thượng tá Phạm Ngọc Tiến - phó trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP.HCM cho biết đã cung cấp thông tin cho Công an Q.Tân Bình về hành vi làm giả giấy tờ của Afolayan Caleb.
Ông Caleb, theo trình bày của bà Phạm Thị Ngọt, là chồng của bà và là chủ nhân số tiền 5 triệu yen.
Theo thượng tá Tiến, thông tin trên được phát hiện trong quá trình PA72 phúc tra thông tin của các cá nhân xin cấp thẻ tạm trú trên địa bàn TP.HCM. Đây là hoạt động thường xuyên, được tiến hành hằng quý.
Không thể quay lại VN được nữa
Theo kết quả phúc tra, ông Afolayan Caleb (quốc tịch Nam Phi) nhập cảnh Việt Nam năm 2010 và được Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi (địa chỉ 289 Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) thuê làm giáo viên và được Sở Lao động - thương binh & xã hội TP.HCM cấp giấy phép lao động có thời hạn từ ngày 14-6-2010 đến 14-6-2013.
Ông Caleb đã cầm giấy phép lao động này đến PA72 xin cấp thẻ tạm trú. PA72 đã cấp cho ông Caleb thẻ tạm trú có thời hạn theo thời hạn trên giấy phép lao động (từ ngày 14-6-2010 đến 14-6-2013). Sau đó, PA72 có cử cán bộ phúc tra việc cấp thẻ tạm trú cho ông Caleb, trong đó có các thông tin về doanh nghiệp thuê đương sự làm việc, nơi cư trú của đương sự.
Qua xác minh, tại địa chỉ 289 Trường Chinh không có công ty nào mang tên Úc Đại Lợi hoạt động. Tiếp tục xác minh địa chỉ nơi thường trú của ông Trần Quang Minh (ở hẻm 133 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp) là người đứng tên chủ Công ty Úc Đại Lợi, cũng không có ông Minh nào cư trú ở đây. “Chúng tôi xác định đây là một công ty ảo, lập ra với mục đích làm giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho các đối tượng người nước ngoài” - thượng tá Tiến nhận định.
Tháng 6-2013, PA72 gửi công văn cho Đại sứ quán Nam Phi (tại Hà Nội) để yêu cầu xác minh nhân thân của người mang tên Afolayan Caleb. Ngày 27-6-2013, Đại sứ quán Nam Phi sau khi xác minh đã gửi công văn trả lời, khẳng định số hộ chiếu mà ông Afolayan Caleb dùng để nhập cảnh Việt Nam "không tồn tại”.
PA72 xác định người sử dụng hộ chiếu mang tên Caleb nêu trên là giả mạo. Đồng thời đã phát thông báo hủy thẻ tạm trú cấp cho Caleb. Tuy nhiên, ngày 14-6-2013 Caleb đã về nước và từ đó đến nay không quay lại Việt Nam. PA72 đã trao đổi với Sở Kế hoạch - đầu tư yêu cầu họ rút giấy phép chứng nhận kinh doanh của Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi.
Thượng tá Tiến kết luận: “Người đàn ông này đã giả mạo các loại giấy tờ mang tên Afolayan Caleb để nhập cảnh Việt Nam. Vì vậy người này sẽ không thể nhập cảnh Việt Nam nữa”.
Công an quận Tân Bình: sẽ xác minh sớm
Sáng 15-5, trao đổi với Tuổi Trẻ về các thông tin ông Afolayan Caleb sử dụng giấy tờ giả nhập cảnh Việt Nam cũng như ông này có giấy phép lao động tại một công ty “ảo” đã được PA72 xác minh, một cán bộ điều tra Công an quận Tân Bình (TP.HCM) nói: “Tất cả thông tin này chúng tôi sẽ xác minh và sớm có hướng giải quyết dứt điểm vụ việc”. |
Phải giao tiền cho bà Hồng
Tiếp nhận những thông tin trên, bà Phạm Thị Ngọt - người làm đơn xin nhận lại số tiền 5 triệu yen mà người mua ve chai phát hiện trong thùng loa cũ - nói bà quá bất ngờ.
“Tui chỉ khai báo những gì mình biết” - bà Ngọt nói. Về chuyện làm giấy tờ giả, bà nói các giấy tờ được làm trước khi bà gặp ông Afolayan Caleb nên cũng không biết nó là giả hay thật. Bà Ngọt cho biết ngày 15-5, bà đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại với ông Caleb nhưng không được.
Bà cũng cho biết thêm ông Caleb hoàn toàn không biết các tình tiết liên quan đến vụ việc người ve chai phát hiện số tiền như thế nào, trình báo công an ra sao, mà bà Ngọt chỉ nói ông mô tả lại hình dáng, nhãn hiệu cái loa để nhờ công an tìm giúp số tiền. Nhưng đến giờ ông Caleb vẫn chưa gửi những mô tả này về cho bà.
Luật sư Hà Hải (người trợ giúp pháp lý miễn phí cho bà Huỳnh Thị Ánh Hồng) cho biết những thông tin này càng làm rõ hơn bà Ngọt và ông Caleb không đủ cơ sở đòi lại số tiền 5 triệu yen. Trong văn bản trả lời bà Hồng, Công an quận Tân Bình nói cần có thời gian để xác minh đơn của bà Ngọt thì nay với các thông tin từ phía cơ quan điều tra như trên, có thể khẳng định yêu cầu của bà Ngọt hoàn toàn không có cơ sở, thậm chí còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Vậy thì chẳng còn lý do gì để trì hoãn thực hiện việc trả lại toàn bộ số tiền cho bà Hồng” - luật sư Hải nói.
Bà Hồng thường ngày vẫn đi mua ve chai kiếm sống (ảnh chụp sáng 15-5-2015) - Ảnh: ĐỨC THANH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận