Ngành y tế Hà Nội lấy mẫu test COVID-19 cho người dân - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ngày 15-12, Hà Nội "lập đỉnh" với 1.357 ca COVID-19 ghi nhận trong vòng 24 giờ. Đặc biệt, có tình trạng người dân than phiền về việc sau khi có kết quả test nhanh dương tính, phải chờ nhiều ngày mới có kết quả khẳng định PCR.
Điều này khiến chính quyền địa phương "không dám" quyết định phương án điều trị cho các ca bệnh khi chưa có kết quả khẳng định, đơn cử vụ 4 F0 tại một chung cư ở Hà Nội bị "bỏ rơi" 5 ngày vì "CDC Hà Nội chưa có dấu đỏ".
Dư luận đặt câu hỏi liệu TP Hà Nội đang quá tải trong việc lấy mẫu, phân tích mẫu xét nghiệm COVID-19?
Sáng 16-12, ông Khổng Minh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết ngành y tế đang phải xử lý mẫu xét nghiệm nhiều hơn so với trước đây. Đặc biệt có nhiều mẫu phải xét nghiệm tới lần thứ 2, 3 mới dám khẳng định, nên ít nhiều ảnh hưởng tới tiến độ trả kết quả.
Ông nói thêm: "Trước đây khi chưa ở trạng thái bình thường mới, làm 1.000 mẫu xét nghiệm tất cả đều âm tính thời gian rất nhanh. Bây giờ làm 1.000 mẫu mà 100 mẫu dương thì lực lượng chuyên môn sẽ phải làm lần 2, lần 3, khẳng định xong phải khử khuẩn rồi mới làm tiếp được chứ không chạy liên tục.
Mẫu xét nghiệm dương tính nhiều sẽ mất thời gian hơn rất nhiều lần, chỉ tính riêng CDC Hà Nội ngày làm vài nghìn mẫu xét nghiệm. Ngoài ra còn một số quận huyện và bệnh viện làm. Tính ra, mỗi ngày Hà Nội xử lý trên 10.000 mẫu xét nghiệm, trong đó có cả mẫu cách ly, mẫu xét nghiệm lần 2, 3 tương đối lớn".
Về trường hợp vụ 4 F0 tại chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) bị "bỏ rơi" 5 ngày vì CDC Hà Nội chưa trả kết quả khẳng định, ông Tuấn cho biết sự việc trên còn có một đơn vị khác làm xét nghiệm.
"Nếu CDC làm thời gian đảm bảo nhưng một số đơn vị khác làm thường sẽ chậm hơn", ông Tuấn lý giải.
Ông Tuấn cho biết khi TP đã cho điều trị F0 tại nhà, người dân nên bình tĩnh xử trí theo hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương phải có phương án cụ thể để xử lý rác thải có nguy cơ chứa virus COVID-19 và rác thải sinh hoạt.
"Giờ được điều trị cách ly theo dõi tại nhà nên người dân yên tâm, khi có vấn đề gì hoặc tự xét nghiệm dương tính phải liên hệ với lực lượng y tế để được hướng dẫn cụ thể. Sẽ phải xử lý rác thải y tế riêng, rác thải sinh hoạt xử lý bình thường. Mỗi quận, huyện sẽ phải ký hợp đồng với công ty môi trường nào đó chịu trách nhiệm xử lý việc này", ông Tuấn cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận