TTO giới thiệu một số góc nhìn của giới luật sư xung quanh sự kiện được dư luận rất quan tâm những ngày qua.
Tiệm vàng Thảo Lực ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) - Ảnh: CHÍ QUỐC
Luật sư Nguyễn Trường Thành - Đoàn luật sư TP Cần Thơ:
Nhiều điểm mâu thuẫn
Thứ nhất, theo điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền khám xét nơi cất giấu phương tiện, tang vật là chỗ ở thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tuy nhiên, địa điểm tiệm vàng Thảo Lực vừa là chỗ ở, vừa là trụ sở của doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực do ông Lê Hồng Lực làm giám đốc), nên trong trường hợp này việc ban hành lệnh khám xét phải của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều phải ghi rõ: "khám xét chỗ ở và trụ sở của doanh nghiệp", chứ không chỉ ghi khám xét chỗ ở mà thôi.
Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định chủ tịch UBND quận chỉ có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét chỗ ở của công dân, không quy định chủ tịch UBND cấp quận được ban hành lệnh khám xét trụ sở doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Trường Thành - Ảnh: CHÍ QUỐC
Thứ hai, quyết định khám xét nhà của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều giao cho đội trưởng đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ thực hiện cũng cần phải xem xét lại có đúng thẩm quyền hay không. Lý do: Công an TP Cần Thơ là cơ quan trực thuộc Bộ Công an và UBND TP Cần Thơ, không trực thuộc UBND quận Ninh Kiều.
Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều chỉ có thể giao nhiệm vụ cho Công an quận Ninh Kiều, không thể giao cho đơn vị thuộc Công an TP Cần Thơ được. Việc giao nhiệm vụ cho đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế nêu trên phải do giám đốc Công an TP Cần Thơ hoặc chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
Thứ ba, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP Cần Thơ đối với ông Lực không xử phạt đối với cá nhân ông Lực mà lại xử phạt đối với doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực. Điều này không phù hợp lệnh khám xét của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, thậm chí mâu thuẫn vì lệnh khám xét là khám xét chỗ ở của công dân, nhưng quyết định xử phạt hành chính lại phạt… doanh nghiệp.
Luật sư Lê Quang Vũ (giám đốc Công ty luật Công Bình, TP.HCM): Chỉ nên tịch thu ngoại tệ của người đi đổi
LS Lê Quang Vũ - Ảnh: Ngọc Hân
Điều a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96 năm 2014 quy định xử phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động ngoại hối là mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.
Tinh thần mà điều luật muốn nhắm đến là xử phạt cá nhân, tổ chức kinh doanh ngoại hối trái phép chứ không phải người dân có chút ít ngoại tệ cần đổi để tiêu xài. Vì điều luật không quy định rõ nên có nơi áp dụng xử phạt có nơi không và theo tôi, việc áp dụng điều khoản này để xử phạt người đổi ngoại tệ cũng không sai nhưng bất cập và không khả thi.
Theo tôi cần quy định rõ ràng hơn, đối với cá nhân, tổ chức kinh ngoại ngoại tệ trái phép cần xử phạt nặng như hiện nay, còn đối với người đi đổi ngoại tệ chỉ cần tịch thu số tiền đó là phù hợp và đủ sức răn đe. Năm 2014 một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cũng người đổi 100 USD, cơ quan chức năng không xử phạt người đi đổi mà chỉ xử phạt chủ tiệm vàng.
Về thời hiệu xử phạt của vụ này, theo tôi đã hết thời hiệu. Theo điều 3, điều 58 và điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ để ra quyết định xử phạt là hành vi vi phạm phải được lập biên bản vi phạm hành chính kịp thời bởi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ. Thời hạn ra quyết định xử phạt là 7 ngày, đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp là 30 ngày, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định cụ thể việc lập biên bản vi phạm nhanh chóng, kịp thời là trong thời hạn bao lâu.
Theo từ điển tiếng Việt, nhanh chóng kịp thời là đúng lúc, trong một thời gian ngắn, không chậm trễ. Ngày 30-1-2018 xảy ra việc đổi ngoại tệ trái pháp luật mà đến ngày 13-8-2018, tức sau gần 8 tháng mới lập biên bản là chậm trễ, không kịp thời. Do đó thời hạn để ban hành quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp này không thể tính từ ngày lập biên bản mà phải được tính từ ngày xảy ra vi phạm (30-1) thì đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận