TT - Đó là phát biểu của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ về hội nghị tổng kết mùa giải 2012 ngày 6-10 của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF).
Ông Hỷ nói: “Tôi thấy hội nghị có những yếu tố tích cực và thống nhất với những đánh giá của VPF. Đúng là giai đoạn đầu VPF điều hành giải có hơi khó khăn. Nhưng khi họ và VFF ngồi lại với nhau thì công việc đã tiến triển theo chiều hướng tốt hơn. Đặc biệt là khi chuyện bản quyền truyền hình được thông qua và chuyển quyền cho VPF khai thác.
Tuy nhiên, những chuyện VPF đã làm được và chưa được ở mùa giải vừa qua cần phải được nêu lên rõ hơn. Tôi có cảm giác VPF dường như chỉ thiên về đánh giá cái làm được. Điều này sẽ khiến ai cũng nghĩ rằng VPF đã làm tốt công việc của mình, trong khi thực tế cũng còn nhiều thiếu sót. Năm 2013 dự kiến kinh tế còn khó khăn hơn nữa nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ và thách thức không nhỏ. Vì thế, VPF lẽ ra phải đưa ra được những cảnh báo để triển khai cho tốt hơn ở mùa giải sắp tới”.
* Người tham dự hội nghị có cảm giác như các ông bầu chỉ sa đà vào chuyện cãi nhau hơn là giải quyết câu chuyện mà chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đưa ra là “các ông bầu nên rút ra khỏi VPF chứ đừng vừa đá bóng vừa thổi còi”?
- Anh Đệ có những bức xúc từ trước đây với các thành viên VPF nên đã tiếp tục phản ứng tại hội nghị dẫn đến tranh cãi giữa các ông bầu. Tuy nhiên, chuyện các ông bầu nên rút lui khỏi VPF thì bóng đá VN phải nghiên cứu và suy nghĩ một cách nghiêm túc trong thời gian tới. Bởi chúng ta đang học mô hình bóng đá chuyên nghiệp của Nhật Bản, trong đó công ty điều hành các giải đấu của Nhật không có bất kỳ một ông bầu nào của các CLB. Các ông bầu có mặt trong VPF khẳng định kết quả thi đấu không bị ảnh hưởng nhưng về lâu dài thì không được.
* Đại hội thường niên VFF đã họp cả ngày 7-10 tại TP.HCM để thông qua nhiều vấn đề quan trọng. Vậy đâu là những nội dung quan trọng nhất?
- Đại hội đã giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó chúng tôi đã bàn bạc xung quanh chuyện mùa giải mới nên cơ cấu lại như thế nào, điều hành ra sao trong tình hình kinh tế khó khăn. Ẩn số với VFF lẫn VPF hiện nay là không biết sẽ có bao nhiêu CLB tham dự mùa giải 2013. Chúng ta chỉ mới biết CLB Navibank Sài Gòn bị nhà tài trợ trả lại cho TP.HCM, hai đội bóng của bầu Kiên cũng được trả lại cho Hà Nội. Và sắp tới có còn những CLB nào nữa hay không.
Thật ra chúng ta có bao nhiêu đội thì thi đấu bấy nhiêu vì đó là điều bất khả kháng. Nhưng chúng ta phải lường được những hệ lụy của nó thế nào khi có CLB bị giải thể, giải quyết hậu quả ra sao để giúp các cầu thủ. Đó mới là điều đáng quan tâm. Một vấn đề khác mà VFF cũng rất quan tâm là cần phải cải tổ lại ban trọng tài cho mùa giải mới bởi đây là vấn đề rất quan trọng.
* Vậy VFF sẽ làm gì để giúp các CLB trong trường hợp khó khăn như thế?
- Ngay trong tuần tới, chúng tôi sẽ đề nghị lãnh đạo VPF tham gia họp cùng VFF để bàn chuyện này. Tiếp đó, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị các ông bầu vào ngày 3-11 tại Hà Nội để lấy ý kiến cũng như đóng góp thêm cho bóng đá VN.
Ông Phạm Văn Tuấn làm phó chủ tịch VFF Đại hội thường niên VFF đã nhất trí biểu quyết tạm đình chỉ tư cách thành viên của Liên đoàn Bóng đá An Giang do tổ chức này đang thành lập liên đoàn mới. Đại hội cũng nhất trí biểu quyết kết nạp VPF làm thành viên của VFF. Đại hội đã bầu bổ sung một ủy viên ban chấp hành và một phó chủ tịch VFF là ông Phạm Văn Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT. |
NGUYÊN KHÔI thực hiện
Bình luận:
Người mới
Một câu hỏi lớn nhất mà giới quan sát trông chờ vào hội nghị tổng kết mùa bóng 2012 diễn ra sáng cuối tuần qua sẽ trả lời, đó là diện mạo của mùa bóng mới sẽ ra sao? Bao nhiêu ông bầu sẽ rời cuộc chơi? Bóng đá Việt sẽ làm gì để tồn tại trong thời kinh tế khó khăn?
Đáng tiếc là những câu hỏi ấy đã không có câu trả lời thấu đáo. Buồn cười hơn, ông chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) thì nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, khi đưa ra vấn đề khó khăn kinh tế làm ảnh hưởng đến bóng đá; rồi một số gợi ý về giải pháp như kềm lương, thưởng, giá chuyển nhượng... Trong khi đó bên lề hội nghị, ông tổng thư ký lại nói với báo chí rằng những khó khăn kinh tế tác động đến bóng đá chỉ là lời đồn, chứ chưa thấy đội nào đề cập bằng văn bản. Ông cứ tưởng văn bản xin trả lại đội bóng Navibank Sài Gòn cho TP.HCM của bầu Thọ là chuyện đùa của giới báo chí?
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng khó tìm ra các câu trả lời nghiêm túc khi bóng đá Việt đã được xác định nằm trong tay các ông bầu, nhưng lại có quá nhiều ông bầu vắng mặt. Ví dụ bầu Hiển, người có nhiều chi phối đến các đội bóng hàng đầu, cũng chẳng thèm xuất hiện.
Trong bối cảnh hỗn quân hỗn quan của bóng đá Việt hiện tại, niềm hi vọng đang được dồn vào một gương mặt mới xuất hiện - ông Phạm Văn Tuấn, đương kim tổng cục phó Tổng cục TDTT, vừa được bầu bổ sung vào ghế phó chủ tịch VFF.
Gọi là mới chứ ông Tuấn đã là người cũ của làng bóng. Chiến tích đáng nể nhất của ông Tuấn được làng bóng ghi nhận, đó là dũng cảm đương đầu với nhiều khó khăn để giao đội bóng Gia Lai cho bầu Đức. Bây giờ, khi làng bóng nhan nhản các ông bầu thì thấy chuyện giao một đội bóng cho doanh nhân là chuyện thường, chứ chục năm trước đó là một quyết định dũng cảm, mang tính đột phá và bản thân ông đã phải “lên bờ xuống ruộng” vì quyết định đó. Cũng nhờ quyết định táo bạo đó, ông mới trở thành người - có lẽ là duy nhất - bay vèo một phát từ vị trí giám đốc sở TDTT một địa phương nhỏ như Gia Lai về vị trí tổng cục phó Tổng cục TDTT.
Hi vọng ngồi vào vị trí phó chủ tịch VFF, ông Tuấn sẽ có những quyết định, những bước đi mạnh bạo (và đúng đắn) như khi chuyển đội bóng Gia Lai cho bầu Đức.
TRƯỜNG HUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận