17/11/2024 11:15 GMT+7

Voyager - Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 4: Ai chế tác đĩa vàng tàu Voyager?

Nếu có người ngoài hành tinh, ngày nào đó họ ngạc nhiên khi bắt gặp con tàu thăm dò vũ trụ Voyager cũ kỹ, lạnh ngắt bay lang thang trong vũ trụ.

Voyager - Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 4: Ai chế tác đĩa vàng tàu Voyager? - Ảnh 1.

Chiếc đĩa vàng (phải) với nhiều thông tin nền văn minh nhân loại - Ảnh: NASA

Nguồn năng lượng hạt nhân con tàu đã cạn kiệt từ lâu. Chiếc cần ăng ten màu trắng không còn truyền dữ liệu về Trái đất nữa.

Khi khám phá con tàu, họ sẽ biết đến cuộc sống của con người trên Trái đất nhờ nghe chiếc đĩa vàng gắn bên hông tàu.

Là một phụ nữ 27 tuổi, cảm xúc của tôi về tình yêu điên cuồng đã được ghi vào chiếc đĩa ấy. Cho đến muôn đời. Điều đúng đắn trong 100 triệu năm nữa.

ANN DRUYAN

Đĩa than bằng đồng mạ vàng bền trăm triệu năm

Năm 1972, tức năm năm trước khi phóng hai tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1 và Voyager 2 thám hiểm bốn hành tinh vòng ngoài của hệ Mặt trời (sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương), NASA đã thành lập một ủy ban phụ trách tập hợp thông tin nhằm "truyền tải thông điệp cho các nền văn minh ngoài Trái đất giả định" và mời TS Carl Sagan đứng đầu ủy ban.

Lúc bấy giờ TS Sagan là giáo sư thiên văn học tại Đại học Cornell và là nhà khoa học thỉnh giảng tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA. TS Sagan đã thành lập nhóm phụ trách thực hiện một dự án như chuyện huyền thoại mang tên Đĩa vàng Voyager.

Nhóm phụ trách gồm TS Sagan với vai trò giám đốc điều hành, TS thiên văn học vô tuyến Frank Drake là giám đốc kỹ thuật, nhà văn - nhà báo nữ Ann Druyan là giám đốc sáng tạo cùng với nhà sản xuất Timothy Ferris, nhà thiết kế Jon Lomberg và nhà tổ chức lời chào Linda Salzman.

Nhà văn Ann Druyan đã kể lại trên trang web phys.org (Anh): "Cơ hội người ngoài hành tinh tìm thấy tàu Voyager trong không gian vô tận là rất thấp - một số người còn cho rằng vô cùng thấp - nhưng chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm túc công việc. Từ lần đầu tiên Carl đề cập về dự án với Tim Ferris và tôi, chúng tôi đã nhận thấy câu chuyện thật giống như huyền thoại".

Dự án Đĩa vàng Voyager dự kiến sẽ ghi một tuyển tập âm nhạc hay nhất Trái đất, một bộ sưu tập ảnh về Trái đất và cư dân Trái đất, một tuyển tập âm thanh Trái đất vừa tự nhiên vừa công nghệ. Âm nhạc, hình ảnh, âm thanh được dự kiến ban đầu ghi vào băng 8 track (công nghệ phổ biến trong thập niên 1970 trước băng cassette).

Do băng 8 track dễ bị bức xạ không gian và từ trường phá hỏng, TS Frank Drake bèn gợi ý nên sử dụng đĩa than. Ước tính bản ghi trên đĩa than bằng đồng phủ vàng sẽ đáp ứng các yêu cầu về nhiệt và từ trên tàu Voyager. Nếu được bảo vệ phù hợp, đĩa than này còn có thể tồn tại hàng trăm triệu năm trong không gian giữa các vì sao.

TS Sagan kể lại trong cuốn sách Lời thì thầm của Trái đất - Chiếc đĩa giữa các vì sao trên tàu Voyager của ông xuất bản vào tháng 10-1979: "Cuối cùng chúng tôi quyết định thiết kế đĩa than với tốc độ quay 16-2/3 vòng/phút". Tốc độ này chỉ bằng phân nửa tốc độ của đĩa thông thường 33-1/3 vòng/phút. Ông giải thích: "Độ trung thực sẽ giảm chút đỉnh nhưng chúng tôi tin rằng đây không phải là thiếu sót cực kỳ nghiêm trọng…".

Ông và các cộng sự đã chọn lọc tuyển tập âm nhạc 90 phút gồm các ca khúc từ nhiều nền văn hóa và thời đại khác nhau, 118 bức ảnh được biểu thị dưới dạng tín hiệu analog, các lời chào bằng 55 thứ tiếng và ngôn ngữ cá voi, nhiều loại âm thanh tự nhiên như sóng biển, gió, sấm sét, tiếng bùn sủi bọt, chim kêu, chó sủa… và âm thanh công nghệ như tiếng gầm rú của tên lửa phóng Saturn 5 khi cất cánh, thông điệp từ Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim…

Voyager - Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 4: Ai chế tác đĩa vàng tàu Voyager? - Ảnh 2.

Các nhà khoa học gắn đĩa vàng bên hông tàu Voyager năm 1977 - Ảnh: NASA

Đĩa vàng ghi sóng não của một cô gái đang yêu

Tốc độ quay của đĩa than đã chậm hơn nhưng cũng chỉ đủ chỗ ghi khoảng 90 phút âm nhạc và hơn 100 bức ảnh. Do đó, lựa chọn nội dung bản ghi vào Đĩa vàng Voyager là điều hết sức khó khăn.

Bà Ann Druyan nhớ lại: "Tôi nhớ đã ngồi quanh chiếc bàn trong bếp và đưa ra quyết định quan trọng về việc nên đưa cái gì vào và bỏ ra cái gì. Chúng tôi phải trân trọng trách nhiệm to lớn trong công việc tạo ra một con tàu Noah văn hóa có tuổi thọ lên đến hàng trăm triệu năm".

Quá trình quyết định vấp phải nhiều thách thức, phần lớn liên quan đến vấn đề trí tuệ, ví dụ làm thế nào thể hiện đa dạng về địa lý, lịch sử và văn hóa của nền âm nhạc thế giới trong 90 phút. Một số thách thức khác liên quan đến vấn đề pháp lý. Ca khúc Here comes the sun do ban nhạc The Beatles thể hiện cuối cùng đã không được chọn vì The Beatles không giữ bản quyền tác giả.

Ngoài ra còn có nhiều thách thức khác về hành chính. Quá trình xin phép một số đại biểu Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về câu nói "Xin chào" hết sức gian nan. Cuối cùng, TS Sagan đã nhờ đến khoa ngoại ngữ Đại học Cornell. Khoa đã tập hợp một bộ câu chào ngắn tiêu biểu, bắt đầu bằng ngôn ngữ cổ Akkad (đế chế Akkadian trước Công nguyên) và kết thúc bằng câu chào của một em bé người Mỹ 5 tuổi.

Đĩa vàng Voyager được bọc trong bao bảo vệ bằng nhôm kèm theo một thiết bị nhỏ có chứa cây kim dùng để đọc các rãnh đĩa để đĩa phát âm thanh. Trên vỏ bao có ghi hướng dẫn bằng ngôn ngữ biểu tượng giải thích cách thức nghe đĩa than, nguồn gốc tàu vũ trụ Voyager, cách tìm thấy Trái đất trong vũ trụ và xác định thời gian Trái đất ngoài vũ trụ. Ngoài ra còn có dòng chữ "Gửi các nhà sáng tạo âm nhạc - mọi thế giới, mọi thời đại" được khắc bằng tay.

Điều đặc biệt trong chiếc đĩa vàng là sóng não của một cô gái trẻ đang yêu. Cô gái ấy chính là giám đốc sáng tạo Ann Druyan. Bà Druyan nhớ lại: "Tôi nảy ra ý tưởng nên ghi lại điện não đồ của ai đó. Chúng ta biết rằng điện não đồ ghi lại những thay đổi trong suy nghĩ. Tôi tự hỏi liệu có công nghệ tiên tiến nào có thể giải mã được suy nghĩ con người trong hàng triệu năm nữa hay không".

TS Sagan và các cộng sự rất thích ý tưởng này và đề nghị bà cung cấp sóng não. Bà kể lại: "Tôi đã liên lạc với TS Julius Korein ở Trung tâm Y tế Đại học New York và nhờ Tim Ferris giúp đỡ, chúng tôi đã sắp xếp một buổi ghi điện não đồ kéo dài một tiếng".

Buổi ghi điện não đồ được lên lịch vào ngày 3-6-1977. Bà Druyan đã chuẩn bị kịch bản để hướng dẫn suy nghĩ của mình nhưng hai hôm trước buổi ghi xảy ra một chuyện rất bất ngờ. Bà nhớ lại: "Ngày 1-6-1977, Carl và tôi đã gọi điện thoại với nội dung rất quan trọng. Chúng tôi quyết định kết hôn…". Như vậy trong cơn sốt điên rồ chế tác Đĩa vàng Voyager, hai người đã yêu nhau mặc dù không có thời gian hẹn hò. Chính âm vang khoảnh khắc tuyệt vời ấy đã vang vọng trong tâm trí bà trong buổi ghi điện não đồ.

Theo tạp chí National Geographic (Mỹ), hai tàu vũ trụ Voyager 1 và Voyager 2 đang tiến gần đến giai đoạn cuối của quãng đời nghiên cứu khoa học. Các tín hiệu vô tuyến yếu dần và dự kiến sẽ im lặng khi pin plutonium dừng hoạt động khoảng năm 2030.

Cho đến lúc đó, các kỹ sư NASA tiếp tục tắt các thiết bị khoa học không cần thiết trên tàu để tiết kiệm năng lượng và kéo dài sứ mệnh. Sau đó, hai con tàu mang theo chiếc đĩa vàng sẽ bay trong không gian vô định chờ ngày có ai đó bắt được chúng. Ngày đó gần hay xa hoàn toàn không biết được!

Dự án Đĩa vàng Voyager gồm nhiều người tham gia thiết kế, phát triển và sản xuất.

- Đĩa trắng do Công ty Pyral ở Créteil (Pháp) cung cấp.

- Công ty CBS Records (Mỹ) ký hợp đồng với JVC Cutting Center ở Boulder (bang Colorado) làm khuôn gốc. Khuôn gốc được gửi đến Công ty James G. Lee Record Processing ở Gardena (bang California) để cắt và mạ vàng tám chiếc đĩa dành cho tàu Voyager.

- Công việc mạ vàng được thực hiện vào ngày 23-8-1977. Sau đó, các đĩa được cho vào thùng nhôm và chuyển đến Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA.

Đĩa được làm bằng đồng mạ vàng có đường kính 30cm. Bao bảo vệ đĩa bằng nhôm được mạ điện với mẫu đồng vị uranium-238 cực kỳ tinh khiết (có chu kỳ bán rã 4,5 tỉ năm).

-----------------------------

Nhiều dự án đưa con người trở lại Mặt trăng và xa hơn là sao Hỏa, nhưng so vũ trụ thì đoạn đường này quá gần như loài người vẫn giậm chân ở chính bậc cửa nhà mình.

Kỳ tới: Sau Voyager, loài người sẽ bay xa đến đâu trong vũ trụ?

Voyager - Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 4: Ai chế tác đĩa vàng tàu Voyager? - Ảnh 3.Voyager - Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 3: Những lần phi thuyền già mất liên lạc

Ngày 14-11-2023, tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1 đang bay cách Trái đất 24 tỉ km đột nhiên truyền về Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA toàn dữ liệu vô nghĩa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên